Lấy khoa học và công nghệ là then chốt
Cách đây hơn chục năm, khái niệm nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn khá mới mẻ nhưng Công ty Cổ phần Nông nghiệp Công nghệ cao An Thái (Unifarm) đã tiên phong đầu tư cho mô hình nông nghiệp công nghệ cao ở Bình Dương.
Đến nay, những mô hình nông nghiệp công nghệ cao đang ngày càng phổ biến trên khắp mọi vùng miền cả nước. Nhiều doanh nghiệp đã khẳng định tầm cỡ, vị thế, các sản phẩm của họ đã có chỗ đứng trên thị trường thế giới. Riêng Unifarm đã khẳng định là một “ông lớn” trong ngành nông nghiệp.
Unifarm bắt đầu từ con số 0 tròn trĩnh: Không vốn, không quỹ đất, nhân lực chỉ có chục người, còn non kinh nghiệm. Vì thế ông Phạm Quốc Liêm, Giám đốc kiêm Chủ tịch Unifarm đã chọn hướng đi tập trung vào yếu tố con người để tạo ra sản phẩm chất lượng với mục tiêu sản phẩm đạt tiêu chuẩn tại các thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore và sau đó mở rộng sang Mỹ, châu Âu. Ông nhấn mạnh rằng đầu tư vào khoa học và công nghệ là then chốt.
Sau 12 năm, Unifarm đã phát triển mạnh mẽ với hơn 400 nhân viên và trở thành tên tuổi quen thuộc trong hệ thống siêu thị. Sự ổn định và tăng trưởng của khách hàng là động lực để Công ty tiếp tục đầu tư, đa dạng hóa sản phẩm và mở rộng thị trường.
Chia sẻ về hành trình chinh phục nông nghiệp công nghệ cao, ông Liêm cho biết nông nghiệp có những đặc thù riêng không giống sản xuất công nghiệp, phụ thuộc vào nhiều yếu tố như thổ nhưỡng, khí hậu và tay nghề. Để đầu tư đúng chuẩn, Unifarm đã tiến hành thử nghiệm trồng dưa lưới và 20 loại rau củ quả khác với diện tích từ 1ha đến 5ha mỗi loại, trong đó có chuối. Sau 3 năm thử nghiệm, Công ty đã lựa chọn được các cây trồng chủ lực đáp ứng điều kiện sản xuất và nhu cầu thị trường.
Điển hình, Unifarm là đơn vị đầu tiên cả nước trồng dưa lưới trong nhà kính quy mô 1ha, điều khiển bằng máy tính, công nghệ nhập khẩu từ Israel, sản phẩm đạt tiêu chuẩn GlobalGAP ngay từ vụ đầu tiên vào tháng 9/2010. Sản phẩm dưa lưới của Unifarm được tiêu thụ ở các siêu thị lớn trong toàn quốc và sau đó đã xuất khẩu đi một số quốc gia ở châu Á, mở ra phong trào trồng dưa lưới ở nhiều địa phương. Năm 2013, 10ha chuối Philippines do Unifarm trồng cho năng suất bình quân 50 tấn/ha, đạt chuẩn GlobalGAP và xuất khẩu sang Hàn Quốc, Nhật Bản, Mỹ… Đó chính là những thành công ban đầu của Unifarm.
Năm 2016, sản phẩm chuối do Unifarm trồng được Dole (tập đoàn chuối số một thế giới) cấp quyền sử dụng nhãn Dole tại thị trường Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia… Unifarm cũng đã chuyển giao kỹ thuật cho nhiều trang trại chuối hàng đầu Việt Nam hiện nay với quy mô hàng ngàn ha.
"Có thể nói, hai trong số những loại cây mà chúng tôi phát triển ở Việt Nam là dưa lưới và chuối vẫn đang phát triển rất mạnh mẽ, tạo thu nhập cao trong khoảng 10 năm qua tại Việt Nam. Nhìn lại con đường đã qua của Unifarm, tôi thấy mình và các cộng sự đã làm khá chắc chắn khi phát triển từng bước, từ khảo nghiệm trên quy mô nhỏ đến phát triển trên quy mô lớn hơn cho chính mình và sau đó là nhân rộng cho các đơn vị liên kết”, ông Phạm Quốc Liêm chia sẻ.
Chấp nhận đầu tư
Thành quả sau những năm miệt mài đầu tư, nghiên cứu, học hỏi của Unifarm là những sản phẩm chủ lực như chuối, dưa lưới, bưởi, quýt đường, nhãn Ido… Những sản phẩm này không chỉ có mặt ở hầu hết các siêu thị lớn trên toàn quốc mà 50% sản phẩm chuối, dưa của Unifarm còn được xuất khẩu với giá trị cao.
Năm 2014, Unifarm hợp tác với thương hiệu Dole - tập đoàn số 1 thế giới về trồng trọt và kinh doanh sản phẩm chuối. Sau đó, Dole đã cử nhiều cán bộ kỹ thuật từ Philippines và các quốc gia mạnh về chuối khác đến hỗ trợ giám sát chất lượng và đào tạo người cho Unifarm, nhiều nhân viên kĩ thuật của Unifarm được đưa sang Philipines huấn luyện, đào tạo.
Năm 2016, Unifarm và Dole tiếp tục ký hợp đồng để phát triển thêm 1.200ha chuối. Sản phẩm do Dole độc quyền xuất khẩu đi các thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, Malaysia, Mỹ, châu Âu.
Tâm sự về những thành quả hôm nay của Unifarm, Phó Giám đốc kỹ thuật Phạm Minh Tiệp nói: “Một trong những yếu tố quan trọng dẫn đến thành công của Unifarm hiện nay là dịnh hướng đúng ngay từ ban đầu. Tiếp theo đó là thực hiện đúng, chấp nhận chi phí cho đầu tư.
Vài năm gần đây, khái niệm nông nghiệp công nghệ cao đã ngày càng phổ biến hơn. Tuy nhiên, không phải tất cả đều thành công. Nguyên nhân như tôi nhận định ở trên, đó là thiếu sự đầu tư cho chiều sâu, nóng vội. Riêng Unifarm, có thể nói là đã thành công, bởi vì chúng tôi làm bài bản, làm chậm mà chắc, có ngắn hạn, dài hạn chứ không nóng vội đầu tư ào ạt theo kiểu công nghiệp, dẫn đến mất kiểm soát.
Mục tiêu ngắn hạn của tôi là phát triển mạnh mẽ, bài bản hơn nữa các khu nông nghiệp công nghệ cao của mình tại Phú Giáo và Dầu Tiếng - hai huyện nông nghiệp của Bình Dương, đồng thời hỗ trợ các trang trại, nông hộ liên kết để hình thành chuỗi thật vững mạnh, vì sức khỏe của người tiêu dùng".
Ông Phạm Quốc Liêm cho biết Unifarm đã thành công với 2 dự án nghiên cứu. Dự án đầu tiên là bảo quản dưa lưới hơn 20 ngày để xuất khẩu, dự án này khiến Unifarm trở thành đơn vị đầu tiên trồng và xuất khẩu dưa lưới quy mô lớn tại Việt Nam.
Dự án thứ 2 cũng rất thành công, đó là tuyển chọn được giống chuối có khả năng chống chịu bệnh Panama trên cây chuối với tỉ lệ sống sót trên 90% sau 3 vụ, trồng tại vùng đất có tiền sử nhiễm bệnh. Ngoài tự nghiên cứu, Unifarm còn hợp tác với các nhà khoa học để nghiên cứu, phát huy chất xám của các nhà khoa học giỏi.
Trong định hướng của mình, Unifarm không hướng tới việc trở thành công ty nông nghiệp lớn nhất về diện tích hay sản lượng mà chú trọng sản xuất sản phẩm đạt chất lượng cao nhất. Công ty mong muốn phát triển nền nông nghiệp Việt Nam và mang lại sự hài lòng cho nông dân và người tiêu dùng.
Có lẽ, việc sở hữu những trang trại sản xuất và cung ứng sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao tốt nhất vẫn chưa đủ với Unifarm. Các bước đi tốn kém của Unifarm vẫn mới là bước chạy đà cho mục tiêu phát triển nông nghiệp công nghệ cao của tỉnh Bình Dương nói riêng và của Việt Nam nói chung.