Năm 2017 ngành NN-PTNT Thanh Hoá đạt và vượt 4 chỉ tiêu trọng tâm được tỉnh giao. Theo đó, sản lượng lương thực có hạt đạt 1,688 triệu tấn (vượt 2,7% so với kế hoạch), tỷ lệ số xã đạt chuẩn NTM là 41,2% (vượt 16,3% kế hoạch), tỷ lệ che phủ rừng đạt 53,03% (đạt 100% kế hoạch) và tỷ lệ dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh là 92% (đạt 100% kế hoạch).
Ông Nguyễn Đình Xứng ghi nhận kết quả của ngành NN-PTNT tỉnh và thẳng thắn chỉ ra nhiều vấn đề còn tồn tại |
Về trồng trọt, tổng diện tích gieo trồng đạt 429,4 nghìn ha. Nhiệm vụ tái cơ cấu tiếp tục được đẩy mạnh, toàn tỉnh đã linh hoạt chuyển đổi 6.293ha cây trồng kém hiệu quả (4.912ha đất lúa, 1.381ha đất mía) sang trồng các cây khác cho giá trị kinh tế cao. Đồng thời, mở rộng diện tích các cây trồng có lợi thế, đảm bảo tăng năng suất lẫn chất lượng (lúa thâm canh năng suất, chất lượng cao 132 nghìn ha; ngô thâm canh năng suất 8.370ha; mía thâm canh 7.350ha; rau an toàn 425,5ha; cây ăn quả 2.556ha…).
Về chăn nuôi, trong bối cảnh giá thịt lợn hơi giảm mạnh cũng như bị tác động rất lớn do thiên tai gây ra nhưng nhìn chung vẫn có bước phát triển so với cùng kỳ (tổng đàn bò 253,8 nghìn con, đạt 104,9% kế hoạch, tăng 6,2% cùng kỳ; đàn trâu 200,7 nghìn con, đạt 99,5% kế hoạch, tăng 0,3% cùng kỳ; đàn gia cầm 18,8 triệu con, đạt 91,5% kế hoạch, tăng 1,2% cùng kỳ; sản lượng thịt hơi 222,8 nghìn tấn, đạt 99% kế hoạch, tăng 1,2% cùng kỳ…).
Kết quả thực tế cho thấy đã có sự chuyển biến rõ nét về hình thức tổ chức sản xuất, các hộ chuyển mạnh theo hướng chăn nuôi tập trung, quy mô lớn và ứng dụng công nghệ cao.
Theo ông Lê Như Tuấn, Giám đốc Sở NN-PTNT Thanh Hóa, mục tiêu trong năm 2018 của ngành là: “Xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững, tập trung sản xuất hàng hóa lớn, tiến tới nâng cao giá trị từ các sản phẩm chủ lực có lợi thế của địa phương. Tiếp tục cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư, cố gắng tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất để thu hút doanh nghiệp vào tham gia”.
Tuy gặp nhiều yếu tố bất lợi nhưng nông nghiệp Thanh Hóa năm 2017 vẫn tăng trưởng khá |
Phát biểu tại hội nghị tổng kết ngành NN-PTNT tỉnh, ông Nguyễn Đình Xứng đánh giá cao việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, xây dựng NTM và hình thành các mô hình liên kết theo chuỗi. “Những năm gần đây, nông nghiệp Thanh Hoá luôn giữ được tốc độ tăng trưởng khá so với các ngành khác, sản lượng lương thực năm sau luôn cao hơn năm trước. Cơ cấu nông nghiệp chuyển dịch đúng hướng, phát triển theo hình thức chuyên canh và tái cơ cấu bền vững. Lĩnh vực quản lý nhà nước triển khai đồng bộ, thu được nhiều kết quả khả quan. Việc thanh tra, xử lý các vấn đề về ATTP phát huy hiệu quả, dịch bệnh trên gia súc, gia cầm được kiểm soát”, ông Xứng nhấn mạnh.
Bên cạnh kết quả đạt được, ông Nguyễn Đình Xứng cũng thẳng thắn nêu bật một số vấn đề tồn tại, hạn chế cần phải khắc phục, điển hình như: Chất lượng các loại sản phẩm còn thấp, mức tăng trưởng chưa cao; chưa có sản phẩm thương hiệu quốc gia để cạnh tranh cũng như xuất khẩu ra nước ngoài; các mô hình sản xuất, chăn nuôi hiệu quả cao chưa được nhân rộng, chưa đạt đươc giá trị mang tính bứt phá; các chính sách về phát triển nông nghiệp được tỉnh quan tâm triển khai rất nhiều, song kết quả mang lại chưa được như kỳ vọng; mô hình HTX phát triển chậm, hoạt động kém, chưa xứng với tiềm năng…
Để thực hiện có hiệu quả chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp, ông Nguyễn Đình Xứng yêu cầu: “Từ nay đến năm 2020, ngành NN-PTNT tỉnh phải phát triển được 5 sản phẩm nông nghiệp trở lên có thương hiệu, có tính cạnh tranh cao, đảm bảo xuất khẩu được sang thị trường các nước. Phải có từ 20 sản phẩm nông nghiệp trở lên có thương hiệu mạnh trong nước, đảm bảo thị phần, thị trường mở rộng. Phấn đấu có 5.000ha trở lên được chuyển dịch sang trồng các loại cây khác có giá trị, đảm bảo hiệu quả kinh tế cao gấp 1,5 lần”. |