Sản xuất nông nghiệp Hàn Quốc gặp nhiều thách thức trong những năm qua. Theo thống kê năm 2019, tỷ lệ diện tích đất canh tác ở Hàn Quốc đã giảm khoảng 29% kể từ năm 1975. Nguyên nhân của sự sụt giảm này là do sự phát triển đô thị và công nghiệp, tài nguyên nước bị hạn chế cả về “lượng và chất”, biến đổi khí hậu đe dọa sự ổn định của sản xuất.
Ngoài ra, sự thu hẹp nhanh chóng của các cộng đồng nông thôn và già hóa dân số, với 46% nông dân trên 65 tuổi, cũng dẫn đến sự sụt giảm diện tích đất canh tác. Điều này là mối đe dọa hiện hữu với an ninh lương thực của Hàn Quốc.
Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc Han Hoon, nước này đã thực hiện các kế hoạch cụ thể nhằm mở rộng triển khai các phương pháp canh tác thông minh trên toàn bộ ngành nông nghiệp. Hiện nay, Hàn Quốc dự định chuyển đổi 30% nhà kính và chuồng trại gia súc thành trang trại thông minh vào năm 2027.
Thứ trưởng Han cũng nhấn mạnh các sáng kiến của Bộ nhằm tăng cường đầu tư cho cơ sở hạ tầng, công nghệ, cũng như nghiên cứu và phát triển dành riêng cho nông nghiệp thông minh.
Hàn Quốc đã đưa vào hoạt động “Thung lũng Đổi mới, Trang trại Thông minh”, một tổ hợp công nghiệp đóng vai trò là một trung tâm "đào tạo về nông nghiệp thông minh, thử nghiệm và kiểm chứng các công nghệ mới, đồng thời thu thập dữ liệu".
Hơn nữa, dự án này còn rất chú trọng vào việc đào tạo các thế hệ trẻ và bồi dưỡng các chuyên gia có tay nghề cao trong lĩnh vực này. Dự án này hàng năm tuyển chọn tổng cộng 208 người trẻ tham gia một chương trình đào tạo kéo dài 20 tháng, bao gồm giảng dạy về lý thuyết và thực hành trong quản trị kinh doanh các nhà kính tân tiến.
Đến năm 2027, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc dự định sẽ xây dựng 15 khu phức hợp “Thung lũng Đổi mới, Trang trại Thông minh”.
Bên cạnh đó, Thứ trưởng Han cũng nhấn mạnh những nỗ lực của Bộ nhằm thu hẹp khoảng cách công nghệ với các nước phát triển khác bằng cách tăng cường đầu tư nghiên cứu và phát triển.
Với khả năng thích ứng nhanh chóng và triển khai trên quy mô lớn, Hàn Quốc đã bắt đầu nhận “trái ngọt” từ các hoạt động canh tác thông minh của mình, đặc biệt là trong sản xuất nông nghiệp ở địa phương và xuất khẩu.
"Nông nghiệp thông minh đã mang lại nhiều thay đổi tích cực cho nông nghiệp và xuất khẩu của Hàn Quốc. Sản lượng nông nghiệp và thu nhập của các trang trại đã tăng đáng kể, đồng thời tiết kiệm được nhân công", Thứ trưởng Han cho biết.
"Nông nghiệp thông minh cũng đã mang lại cho ngành nông nghiệp Hàn Quốc những cơ hội quý giá để thích ứng tốt hơn với những thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng và thị trường thế giới", Thứ trưởng Han nói.
Các sản phẩm nông nghiệp Hàn Quốc đang cho thấy khả năng cạnh tranh cao ở thị trường trong nước so với hàng hóa nhập khẩu, đặc biệt là về giá thành và chất lượng.
Xuất khẩu nông sản của Hàn Quốc cũng cho thấy sự cải thiện đáng kể trong những năm qua, với kim ngạch xuất khẩu nông sản của nước này tăng từ 1,51 tỷ USD trong năm 2000 lên 8,82 tỷ USD vào năm 2022.
Dâu tây và ớt bột của Hàn Quốc là những mặt hàng nông sản có kim ngạch xuất khẩu tăng liên tục trong những năm qua.
"Trong nông nghiệp thông minh, có nhiều cơ hội hợp tác giữa Hàn Quốc và các nước khác, trong các lĩnh vực phát triển và cung cấp các giống mới phù hợp với điều kiện trồng trọt tại địa phương", Thứ trưởng Han khẳng định.
Năm 2021, Bộ đã hợp tác với một công ty hàng đầu ở Các tiểu vương quốc Ảrập Thống nhất (UAE) để xây dựng một trang trại thông minh ở nước này. Dự án sử dụng hệ thống làm mát bằng sương giúp giảm lượng nước tưới trong khi vẫn duy trì nhiệt độ lý tưởng cho sự phát triển của cây trồng. Chính phủ Oman cũng nhập khẩu 2 container "làm nông" do Hàn Quốc sản xuất, mỗi container dài 12m được sử dụng để trồng rau thông minh.
Hàn Quốc cũng đã xuất khẩu 10 nhà kính thông minh sang Philippines nhằm xây dựng năng lực thực hiện nông nghiệp thông minh cho nước này và đào tạo nông dân sử dụng các công nghệ hiện đại để trồng nấm, cà chua và các loại cây trồng có giá trị cao khác.