Một người đàn ông 45 tuổi, được cảnh sát xác định là Aleksandar Martinovic, đang chạy trốn sau khi nổ súng tại một nhà hàng ở thị trấn Cetinje, nơi hắn đã sát hại 4 người. Tay súng sau đó di chuyển đến 3 địa điểm khác, bắn chết 2 trẻ em và 4 người lớn, cảnh sát cho biết. 4 người khác bị thương nghiêm trọng.
Nghi phạm từng bị bắt vì sở hữu vũ khí bất hợp pháp, hiện đang lẩn trốn xung quanh Cetinje, một thị trấn nhỏ cách thủ đô Podgorica của Montenegro khoảng 38 km về phía tây.
Một phóng viên của đài truyền hình nhà nước RTCG cho biết cảnh sát đã triển khai một máy bay không người lái có camera nhiệt để tìm kiếm nghi phạm. Cảnh sát đặc nhiệm và các đơn vị chống khủng bố cũng đang tìm kiếm nghi phạm trên những ngọn đồi.
"Khu vực tìm kiếm được thu hẹp... Chúng tôi sẽ làm mọi thứ để bao vây và bắt giữ đối tượng này", giám đốc cảnh sát Lazar Scepanovic nói.
Ông cho biết nghi phạm được cho là đã uống nhiều rượu trước khi xảy ra vụ nổ súng. Thủ tướng Montenegro Milojko Spajic cho biết đã có một cuộc ẩu đả và tiếng súng lục vang lên trước đó.
Cảnh sát cho biết vụ nổ súng không liên quan đến tội phạm có tổ chức.
Các vụ xả súng hàng loạt tương đối hiếm khi xảy ra ở Montenegro. Vào năm 2022, cũng ở Cetinje, 11 người, bao gồm 2 trẻ em và cả tay súng, đã thiệt mạng trong một vụ tấn công hàng loạt.
Vụ việc hôm 1/1 đã khiến đất nước 605.000 dân bàng hoàng. Ông Spajic gọi vụ xả súng là một "bi kịch khủng khiếp" và tuyên bố 3 ngày quốc tang.
Tổng thống Montenegro, Jakov Milatovic, cho biết ông "kinh hoàng" trước vụ tấn công. "Chúng tôi đang cầu nguyện và hy vọng cho những người bị thương sớm hồi phục", ông Milatovic nói.
Dù có luật kiểm soát súng nghiêm ngặt, các nước Tây Balkan bao gồm Serbia, Montenegro, Bosnia, Albania, Kosovo và Bắc Macedonia, vẫn tràn ngập vũ khí. Hầu hết là từ các cuộc chiến từ những năm 1990, song một số còn sót lại từ thời Thế chiến I.
Ông Spajic cho biết các nhà chức trách sẽ xem xét thắt chặt hơn nữa đối với việc sở hữu và mang súng, bao gồm cả khả năng cấm hoàn toàn loại vũ khí này.