Thay đổi vùng đất “gió như phang, nắng như rang”
Dưới cái nắng gay gắt của miền đất nắng gió Ninh Thuận, đoàn chúng tôi đã có dịp đến thăm quan mô hình nông nghiệp tuần hoàn, “tạo ra một thế giới hạnh phúc thông qua việc cung cấp chuỗi thực phẩm hạnh phúc” của GC Food Group.
Để có chỗ đứng ở thị trường trong nước và xuất khẩu ở nhiều quốc gia khó tính trên thế giới các sản phẩm nông sản, thực phẩm, GC Food Group đã xây dựng chiến lược tạo ra những sản phẩm nông nghiệp chất lượng, an toàn và giúp người nông dân sống tốt trên chính vùng đất của mình nhờ vào sản xuất nông nghiệp.
Nơi đầu tiên chúng tôi đến là nhà máy sản xuất nha đam của Công ty CP thực phẩm Cánh đồng Việt (VietFarm) – công ty thành viên thuộc GC Food Group đặt tại KCN Thành Hải, Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận. VietFarm đã xuất khẩu nha đam với nhiều hương vị khác nhau sang 20 quốc gia trên thế giới, trong đó có nhiều thị trường khó tính như Nhật Bản, Hàn Quốc, Châu Âu, Mỹ… Ngoài ra, VietFarm còn cung cấp nguyên liệu cho nhiều công ty lớn cả trên cả nước và sản xuất hóa mỹ phẩm cao cấp chiết xuất từ nha đam.
Và để làm được điều đó, với những bước tính toán nhạy bén, ông Nguyễn Văn Thứ, Chủ tịch HĐQT GC Food Group, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thực phẩm minh bạch đã quyết định chuyển nhà máy sản xuất nha đam từ Đồng Nai về tỉnh Ninh Thuận – nơi có các vùng nguyên liệu nha đam tốt để phục vụ cho xuất khẩu. Sau 8 năm hoạt động tại tỉnh Ninh Thuận, đến nay VietFarm đã có chỗ đứng riêng và là nhà máy sản xuất nha đam quy mô lớn nhất Việt Nam.
Ông Nguyễn Đức Thuận, Giám đốc VietFarm cho biết, để đảm bảo nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ cho công suất ngày càng lớn của nhà máy, từ vài hộ rồi vài chục hộ, đến nay công ty đã liên kết với 200 hộ nông dân địa phương (ở 3 phường Mỹ Bình, Văn Hải, Văn Sơn thuộc thành phố Phan Rang – Tháp Chàm, tỉnh Ninh Thuận) với vùng nguyên liệu khoảng 130 ha trồng nha đam. Đồng thời, liên kết với các hợp tác xã phát triển vùng nguyên liệu ở các khu vực vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, đặc biệt là đồng bào Đăk Lây để trồng cây nha đam, qua đó tạo sinh kế cho bà con. Song song đó, VietFarm cũng kết hợp với các công ty có quỹ đất cũng như tiềm lực về kinh tế để bao tiêu và ký kết hợp đồng đầu ra với các công ty này.
"Bà con nông dân đã chấp nhận thay đổi cách canh tác để phát triển. Thu nhập trung bình của mỗi hộ từ 8-20 triệu đồng/tháng, cao gấp nhiều lần so với trồng các loại cây ngắn ngày khác. Sống được và sống tốt nhờ trồng nha đam, thế nên người dân nơi đây an tâm tập trung sản xuất mà không phải lo ngại về vấn đề giá cả và đầu ra.
Trước kia, khi chưa có việc làm, người dân thường đi làm xa tại các tỉnh như đi hái cà phê, làm hạt điều hoặc lên núi chặt củi, đốt than. Song, hiện tại thì nhiều gia đình tại đây đã có được công việc ổn định, có thu nhập cao và điều hạnh phúc hơn hết là họ được làm việc trên chính mảnh đất quê hương mình", ông Thuận chia sẻ.
Một trong những thế mạnh để VietFarm có thể đáp ứng được các yêu cầu khắt khe của thị trường quốc tế là doanh nghiệp đã đầu tư dây chuyền chế biến hiện đại đạt chuẩn quốc tế FSSC 22000, cho công suất chế biến 200 tấn lá nha đam mỗi ngày. Trong đó, hệ thống máy rửa với công suất đáp ứng 15-18 tấn lá/giờ, băng tải gọt biên công suất 14 -16 tấn lá/giờ, máy gọt vỏ công suất đáp ứng 12 -14 tấn lá/giờ, bàn tải và băng tải kiểm thạch công suất 7 tấn thạch/giờ, máy dập hạt công suất 5 – 6 tấn/giờ, hệ thống bồn nấu, bồn thanh trùng kĩ thuật cao…
Với những nỗ lực không ngừng nghỉ, năm 2022, sản phẩm của VietFarm đạt danh hiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu khu vực miền Trung – Tây Nguyên, đạt chứng nhận OCOP 4 sao nha đam sệt...
"Mục tiêu trong 3 năm tới, VietFarm sẽ là nhà sản xuất nha đam lớn nhất Đông Nam Á và 10 năm tới sẽ đạt doanh thu 100 triệu USD/năm, là nhà sản xuất nha đam lớn nhất thế giới", ông Nguyễn Đức Thuận hào hứng chia sẻ.
Từ một nơi khô cằn nắng cháy, đến nay VietFarm đã hồi sinh tạo thành những vùng nguyên liệu chất lượng tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, USDA Organic cung cấp lá nha đam tươi cho nhà máy. Ngoài vùng nguyên liệu chính hơn 100ha tại Phan Rang, VietFarm còn phát triển vùng nguyên liệu 20ha tại các tỉnh Bình Thuận, Lâm Đồng, Khánh Hòa… Và mới đây, VietFarm đã có được vùng nguyên liệu phủ xanh 20ha tại Xóm Bằng, xã Bắc Sơn, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận, tạo công ăn việc làm ổn định cho bà con dân tộc Raglai.
Không chỉ góp phần phát triển kinh tế tại địa phương, tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động, hỗ trợ đầu ra cho bà con nông dân, VietFarm còn đồng hành với tỉnh trong nhiều hoạt động, chương trình cộng đồng ý nghĩa. Đến nay, cây nha đam đã trở thành 1 trong 12 sản phẩm đặc thù tại tỉnh Ninh Thuận, đưa Ninh Thuận trở thành vùng nguyên liệu nha đam lớn nhất cả nước.
"Chả bỏ đi thứ gì"
Điểm đến tiếp theo của chúng tôi là Nông trại Nắng & Gió (thuộc GC Food Group), nơi có các farm trồng nha đam, táo, dưa lưới, ổi, trang trại nuôi bò, nuôi cừu, nuôi trùn quế... tất cả đều cho thấy sự đầu tư bài bản ở mỗi khâu của GC Food Group.
Theo Chủ tịch HĐQT GC Food Group Nguyễn Văn Thứ, mô hình kinh tế nông nghiệp tuần hoàn có tác dụng tốt cho việc phát triển nông nghiệp, bởi nó tối ưu được các chi phí đầu vào, từ khâu trồng trọt đến chăn nuôi, chất thải của khu vực, lĩnh vực này bổ sung cho khâu sau. Vì vậy, GC Food Group đã áp dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại các farm của mình để tận dụng tối ưu nguồn phế phụ phẩm trong nông nghiệp, cũng như bảo vệ môi trường.
Giải thích cho chúng tôi biết về việc ứng dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn tại Nông trại Nắng & Gió, ông Hoàng Xuân Hậu, Phó Giám đốc kinh doanh Nông trại Nắng & Gió cho biết, mỗi năm có khoảng gần 1.800m3 lá nha đam không đạt chất lượng từ việc trồng và chế biến nha đam được thải ra. Số phụ phẩm này được thu gom làm men vi sinh, và phối trộn với phân chuồng để quay vòng, bón lại cho 200ha cây trồng khác (táo, ổi, dưa lưới, rau...) đem lại những sản phẩm nông sản đạt chất lượng cao, số lượng lớn.
Mặt khác, số phân bón đó còn được sử dụng bón cho cây cỏ, cây bắp - làm nguồn thức ăn chăn nuôi (500 con bò và 200 con cừu tại Nông trại Nắng & Gió - PV).
Điểm đặc biệt phải kể đến đó là phụ phẩm và chất thải từ trang trại bò, cừu ngoài việc được xử lý, ủ hoai thành phân bón hữu cơ, còn là nguồn cung cấp thức ăn cho mô hình nuôi trùn quế - người ta còn gọi đây là "vàng đen" trong nông nghiệp. Trùn quế sẽ chuyển hóa phân chuồng thành phân vi sinh rất có lợi cho cây trồng.
Theo ông Hậu, tổng sản lượng phân bón hữu cơ tại trang trại có thể đạt từ 500-1.000 tấn/năm, làm gia tăng chất lượng và sản lượng nông sản như nho, táo, ổi, dưa lưới, rau màu tại trang trại này. "Công ty cũng đang tính đến phương án mở rộng diện tích để có thêm nhiều sản phẩm phân trùn, cung cấp cho trang trại và nông dân trồng nho, táo quanh vùng", ông Hậu cho hay.
Đứng dưới farm táo, ổi, chúng tôi có thể với tay hái những quả táo, quả ổi lúc lỉu trên cành cây và thưởng thức một cách ngon lành bởi độ giòn, ngọt. Đặc biệt, dưới cái nắng gay gắt của Ninh Thuận, chúng tôi "tranh nhau" ăn những miếng dưa lưới ngọt thanh vừa được bổ ra từ quả dưa lưới mà chúng tôi tự tay thu hoạch. Quả thật, vị ngọt của những nông sản trồng tại đây và được bón bằng những loại phân hữu cơ, chúng tôi cảm nhận được vị ngọt của nó khác hẳn những loại mà mình đã từng ăn.
Từ nhà máy đến trang trại, GC Food Group đã ứng dụng mô hình nông nghiệp tuần hoàn khép kín "chả bỏ đi thứ gì" với mục tiêu không tạo ra chất thải trong sản xuất nông nghiệp, tiết kiệm đáng kể chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm, có lợi cho người tiêu dùng mà quan trọng là góp phần giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo ra được sản phẩm sạch và phát triển bền vững. Với cách làm ấy, đã mang lại cho doanh nghiệp này những kết quả ấn tượng. Ngày 20/12/2022, GC Food đã chính thức đưa 26 triệu cổ phiếu lên giao dịch trên sàn UPCOM với mã chứng khoán GCF, đánh dấu bước ngoặt quan trọng, đưa thương hiệu GC Food đến gần hơn với cộng đồng.
Bên cạnh việc đa dạng hóa sản phẩm, GC Food Group cũng đang phát triển mảng du lịch trải nghiệm tại trang trại Nắng & Gió. Bắt đầu từ tháng 4/2022, sẽ đón những đoàn khách đầu tiên tham quan trang trại để phát triển du lịch sinh thái nông nghiệp thông qua mô hình vườn - ao - chuồng - trùn quế và du lịch trải nghiệm nông nghiệp sạch.