| Hotline: 0983.970.780

Nông sản Hoa Kỳ tìm ra cách thoát lệ thuộc vào Trung Quốc?

Thứ Năm 15/07/2021 , 07:52 (GMT+7)

Trung Quốc chiếm 21% tổng kim ngạch xuất khẩu nông sản của Hoa Kỳ. Tỷ lệ này có thể giảm bớt nếu Hoa Kỳ đa dạng hóa thị trường, tăng thương mại với châu Á.

Công nhân bốc dỡ đậu tương nhập khẩu tại cảng Nam Thông ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Công nhân bốc dỡ đậu tương nhập khẩu tại cảng Nam Thông ở tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc. Ảnh: AFP.

Nhiều lần trong những tháng gần đây, Bộ trưởng Nông nghiệp Hoa Kỳ Tom Vilsack nói về sự cần thiết phải đa dạng hóa thị trường xuất khẩu của nông sản nước này. Theo quan điểm của ông, Mỹ đang quá phụ thuộc vào một vài quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.

Nông dân Mỹ đang nhận ra rằng nhu cầu của Trung Quốc có thể biến mất nhanh chóng khi có vấn đề xuất hiện. Sự phụ thuộc quá mức vào bất kỳ quốc gia nào là bài toán khó tìm lời giải. Doanh số xuất khẩu mãi mãi có nguy cơ chịu ảnh hưởng bởi yếu tố địa chính trị.

Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) dự đoán Trung Quốc sẽ mua 21% lượng nông sản xuất khẩu của Mỹ trong năm kết thúc vào ngày 30/9 – với trị giá 35 tỷ USD. Thật khó để tranh luận rằng đây không phải là sự phụ thuộc quá mức. Ba nhà nhập khẩu hàng đầu - Trung Quốc, Canada và Mexico - được dự báo sẽ chiếm tổng cộng 46% doanh số xuất khẩu nông sản của Mỹ.

Tuy nhiên, đa dạng hóa nói dễ hơn làm. Không có quốc gia nào có thể thay thế Trung Quốc. Ấn Độ là quốc gia duy nhất gần với Trung Quốc về dân số (1,38 tỷ so với 1,42 tỷ dân), nhưng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này bằng 1/3 của Trung Quốc và nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Mỹ chưa đầy 1/30 so với Trung Quốc.

Một người lạc quan có thể nói rằng có rất nhiều dư địa để phát triển ở Ấn Độ. Một người theo chủ nghĩa hiện thực sẽ chỉ ra những rào cản thương mại cao đến mức khó chịu của Ấn Độ. Do đó, để bù đắp cho Trung Quốc, đòi hỏi phải mở rộng xuất khẩu sang một số quốc gia. Mục tiêu nào là tốt nhất?

Bộ trưởng Vilsack có cái nhìn bi quan về châu Âu, và có lý do biện minh cho điều này. Năm ngoái, toàn bộ châu Âu, bao gồm cả Nga, chỉ nhập khẩu 12,1 tỷ USD thực phẩm và nông sản của Mỹ, thấp hơn nhiều so với những gì Canada hoặc Mexico đã mua.

6 năm đàm phán về một hiệp định thương mại song phương giữa Hoa Kỳ và EU không đi đến kết quả gì. Việc EU từ chối thảo luận về nông nghiệp là một trong những lý do. Sẽ rất khó để gỡ bỏ những trở ngại mà một số mặt hàng nông sản xuất khẩu của Hoa Kỳ gặp phải ở châu Âu.

Do đó, Mỹ có thể phải tìm kiếm thị trường mới ở châu Á. Ngoài ra còn có các quốc gia ứng cử viên đáng để theo đuổi ở châu Phi, Trung Đông, Trung và Nam Mỹ. Nhưng tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh hơn của châu Á mang lại lợi thế về sức mua. Dự báo mới nhất của USDA kêu gọi xuất khẩu nông sản sẽ tăng mạnh trong năm tài chính này sang Đài Loan, Hàn Quốc, Việt Nam, Philippines và Indonesia.

Đối tác xuyên Thái Bình Dương

Nhật Bản, một thị trường lớn khác, đang thúc đẩy Mỹ tái gia nhập Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương, một hiệp định thương mại gồm 11 quốc gia hiện được gọi là CPTPP. Hoa Kỳ đã bỏ không tham gia vào ngày đầu tiên của nhiệm kỳ Tổng thống của Donald Trump. Vilsack rõ ràng là quan tâm đến khả năng trở thành thành viên, vì có thể mang lại những lợi ích rõ ràng cho nông nghiệp Hoa Kỳ.

Chính quyền Trump cuối cùng đã đàm phán một thỏa thuận riêng với Nhật Bản có lợi cho nông nghiệp Hoa Kỳ, nhưng không có lợi như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. Ví dụ, thịt bò Mỹ có thể đã và đang phải chịu mức thuế cao hơn khi nhập khẩu tăng trên một mức nhất định. Thịt bò từ các nước đối tác như Úc và New Zealand được miễn hạn ngạch tăng đột biến.

Tuy nhiên, các quan chức chính quyền khác của Biden tỏ ra ít nhiệt tình hơn trong việc tái gia nhập Hiệp định, và đó cũng là điều dễ hiểu. Dù đúng hay sai, các hiệp định thương mại trước đây đều bị đổ lỗi là nguyên nhân khiến các nhà máy mất việc làm.

Tuy nhiên, ngay cả khi không tham gia lại, Hoa Kỳ vẫn có thể khai thác nhiều tiềm năng ở châu Á để mở rộng doanh số bán hàng. Một số quốc gia lớn ở châu Á, như Indonesia và Thái Lan, không tham gia CPTPP. Mối quan hệ đối tác CPTPP không mang lại cho Úc, New Zealand, Canada và Chile bất kỳ lợi thế nào so với Mỹ trong việc cạnh tranh tại các thị trường châu Á không phải là thành viên.

Giải pháp mơ ước cho nông nghiệp Mỹ là tiếp tục bán khối lượng lớn cho Trung Quốc đồng thời tăng xuất khẩu sang các thị trường khác. Thị phần của Trung Quốc trong tổng xuất khẩu sau đó có thể giảm xuống, làm giảm bớt sự lệ thuộc.

Do đó, việc thúc đẩy mở rộng doanh số bán hàng sang các thị trường khác là rất hợp lý, bất kể mọi thứ diễn ra như thế nào với Trung Quốc. Các nhóm hàng nông sản của Hoa Kỳ đang cần mở rộng tiếp cận thị trường khác, nhưng các nhà máy sản xuất còn chịu nhiều áp lực hơn khiến phải tăng tiếp cận thị trường khác nhiều hơn, nhanh hơn.

Xuất khẩu có vai trò quan trọng tới mức không thể bỏ qua bất kì cơ hôi nào. 1/4 sản phẩm nông nghiệp của Mỹ được xuất khẩu; đối với lúa mì, tỉ lệ này là 50%. Vilsack thường nói rằng bất cứ điều gì cũng có thể làm gián đoạn mối quan hệ phức tạp giữa Mỹ và Trung Quốc, và ông nói đúng.

Để chuẩn bị cho “bất cứ tình huống nào”, nông dân Mỹ cần phải đa dạng hóa thị trường.

(Theo Asia Times)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất