Chiều 20/11, trả lời phỏng vấn Báo NNVN, ông Nguyễn Văn Yên (ảnh) - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng, khẳng định như vậy.
Thưa ông, mới đây nhất, UBND tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi Chi hội Thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng để nói rõ vấn đề “trà Lâm Đồng nhiễm dư lượng dioxin”?
Khoảng đầu tháng 11 vừa qua, một số phương tiện thông tin đại chúng của Đài Loan tung tin rằng một số nông sản Việt Nam xuất khẩu sang Đài Loan, trong đó có trà ô long Lâm Đồng, bị nhiễm dư lượng chất dioxin mà Mỹ đã rải xuống Việt Nam trong chiến tranh.
Trước thông tin này, Chi hội Thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng đã có văn bản gửi UBND tỉnh đề nghị giải thích vấn đề. Mới đây nhất, trên cơ sở các cứ liệu khoa học, nhất là báo cáo đánh giá tác động môi trường hằng năm của cơ quan chức năng, UBND tỉnh đã có văn bản trả lời cho Chi hội Thương mại Đài Loan tỉnh Lâm Đồng với nội dung chính là bác bỏ thông tin nói trên của một số cơ quan truyền thông Đài Loan và khẳng định hàng hóa xuất khẩu của Lâm Đồng sang Đài Loan và nhiều quốc gia khác trên thế giới, nhất là mặt hàng trà, không hề nhiễm dư lượng chất độc dioxin.
Trong văn bản này, chúng tôi nói rõ: “UBND tỉnh nhận thấy việc các phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan đăng tải các thông tin trên không chỉ gây ảnh hưởng lớn đến sản xuất và xuất khẩu hàng hóa của các doanh nghiệp Việt Nam nói chung, đặc biệt là các doanh nghiệp Đài Loan đang hoạt động, sản xuất trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng nói riêng, mà còn ảnh hưởng đến uy tín của Việt Nam trên trường thế giới. Về vấn đề này, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo các sở, ngành liên quan của tỉnh xác minh, làm rõ thông tin nêu trên”.
Thưa ông, vùng nguyên liệu chè Lâm Đồng nói riêng và vùng sản xuất nông nghiệp của Lâm Đồng nói chung không hề ảnh hưởng dư lượng dioxin do người Mỹ rải xuống Việt Nam trong những năm chiến tranh là thông tin mà chúng tôi nhận được từ Sở Tài nguyên và Môi trường Lâm Đồng trong một vài ngày qua. Ông có thể nói cụ thể hơn về vấn đề này?
Qua kiểm tra, xác minh, UBND tỉnh Lâm Đồng đã chính thức công bố thông tin trên vùng đất Lâm Đồng trong chiến tranh chỉ có hai vùng đất bị Mỹ rải chất độc màu da cam là khu vực rừng thuộc huyện Cát Tiên giáp với tỉnh Bình Phước; và thứ hai là khu vực rừng xã Gia Bắc thuộc huyện Di Linh giáp với tỉnh Bình Thuận. Cả hai vùng bị rải chất độc dioxin này rất hẹp và cách xa khu trung tâm.
Cụ thể hơn, đây là hai khu vực rừng núi hẹp, hoàn toàn không được sử dụng vào sản xuất nông nghiệp và cách xa các vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đến hàng trăm km, hoàn toàn không có ảnh hưởng gì đến vùng sản xuất nông nghiệp của tỉnh.
Thực tế trong hơn 30 năm qua, các doanh nghiệp của tỉnh Lâm Đồng đã sản xuất và xuất khẩu khá nhiều mặt hàng nông sản sang rất nhiều nước trên thế giới. Trong đó, đáng kể là mặt hàng trà của nhiều doanh nghiệp Lâm Đồng (trong đó có hơn 30 doanh nghiệp Đài Loan đang kinh doanh trà ở Lâm Đồng) đã xuất sang các quốc gia và vùng lãnh thổ như Trung Quốc, EU, Đài Loan, Nhật, Indonesia, châu Mỹ, Malaysia, Sigapore...
Hoặc như, với sản phẩm cà phê, thị trường ngoài nước của các doanh nghiệp Lâm Đồng là các nước như Nhật, Hàn Quốc, Nga, Australia, Ấn Độ, New Zealand, châu Mỹ, EU... Hoặc như rau, hoa các loại của tỉnh Lâm Đồng cũng là mặt hàng rất được ưa chuộng tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, Australia, Hoa Kỳ, Thái Lan, Sigapore... Có thể nói, đây là các quốc gia nổi tiếng là “thị trường khó tính” về tiêu chuẩn kiểm định và hết sức khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu từ nước ngoài vào thị trường nội địa của họ.
Thu hoạch chè ở Bảo Lộc - Lâm Đồng
Tiếp theo sau đây sẽ còn nhiều việc phải làm nhằm giải tỏa thông tin này, thưa ông?
Một lần nữa tôi nhắc lại: Trên cơ sở các chứng cứ khoa học, UBND tỉnh Lâm Đồng có thể khẳng định rằng hàng hóa xuất khẩu của Lâm Đồng, đặc biệt là mặt hàng nông sản của Lâm Đồng, không bị nhiễm dư lượng của chất dioxin trong chiến tranh cũng như nhiễm bất cứ một dư lượng chất bảo vệ thực vật nào khác như các phương tiện thông tin đại chúng tại Đài Loan đã phản ánh.
Cũng liên quan đến vấn đề này, trong thời gian sớm nhất sắp đến, UBND tỉnh Lâm Đồng sẽ có báo cáo trình lên Thủ tướng Chính phủ đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan có phản hồi về mặt khoa học trong việc kiểm nghiệm dư chất dioxin trong các sản phẩm của Việt Nam, trong đó có tỉnh Lâm Đồng, và sẽ thông tin đến Văn phòng đại diện Kinh tế văn hóa Việt Nam tại Đài Loan (Trung Quốc) và Văn phòng đại diện Kinh tế văn hóa Đài Bắc tại Việt Nam để có phản hồi với các cơ quan truyền thông Đài Loan về các nội dung trên.
Xin chân thành cảm ơn ông!
Ông Lê Văn Minh - GĐ Sở NN-PTNT tỉnh Lâm Đồng: "Sở đã có văn bản gửi Bộ NN - PTNT" Thông tin trà Lâm Đồng bị nhiễm nhất dioxin từ các phương tiện báo chí Đài Loan trong thời gian gần đây đã gây thiệt hại không nhỏ đến các doanh nghiệp trồng, chế biến trà tỉnh Lâm Đồng. Gần một tháng qua, lượng trà xuất khẩu của Lâm Đồng vào thị trường Đài Loan đã giảm khoảng 50% là một minh chứng. Đài Loan là một trong những thị trường xuất khẩu trà chủ yếu của tỉnh Lâm Đồng. Thông tin nói trên của một vài trang mạng Đài Loan quả thật là tai hại. Tuy nhiên, tôi tin rằng những thông tin sai sự thật đó sẽ không tồn tại lâu; và, sản phẩm trà của Lâm Đồng, đặc biệt là trà ô long, rồi sẽ được thị trường Đài Loan nói riêng và thị trường thế giới nói chung chấp nhận như đúng chất lượng vốn có của nó. Ông Đoàn Trọng Phương - Phó Chủ tịch Hiệp hội chè Việt Nam: "Không quá lạ trước những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh" Là người làm việc trong ngành trà nhiều năm, tôi không quá lạ trước những chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh của các doanh nghiệp cùng ngành nghề. Tuy nhiên, trước thông tin của báo chí Đài Loan nói rằng trà Lâm Đồng nhiễm dioxin quả thật là tôi hơi bất ngờ. Điều tôi muốn lưu ý là họ đã sử dụng truyền thông để cạnh tranh. Từ trước đến nay, sản phẩm trà Lâm Đồng khi đi vào bất kỳ một thị trường khó tính nào trên thế giới, tuy có gặp phải những chiêu thức cạnh tranh tất yếu theo quy luật nhưng chưa bao giờ gặp phải kiểu cạnh tranh không lành mạnh như thế này. Trước vấn đề này, Hiệp hội đã có văn bản gửi Hiệp hội chè Đài Loan với các nội dung cần thiết. Tuy nhiên, tôi cho rằng cơ quan chức năng của hai bên phải có cuộc làm việc chính thức để giải tỏa thông tin này. |