| Hotline: 0983.970.780

Nông sản qua Lào Cai thông thoáng, mỗi ngày 30-40 xe thông quan

Thứ Tư 04/08/2021 , 08:18 (GMT+7)

Cửa khẩu ở Lào Cai những ngày này không còn cảnh nối đuôi nhau chờ xuất khẩu nông sản sang Trung Quốc. Trung bình mỗi ngày chỉ khoảng 30-40 xe làm thủ tục thông quan.

Thời điểm này hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành trầm lắng. Ảnh: H.Đ

Thời điểm này hoạt động xuất nhập khẩu tại Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành trầm lắng. Ảnh: H.Đ

Không có xe thanh long lên

Số lượng xe nông sản lên Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành để xuất hàng sang Trung Quốc đã giảm mạnh. Trung bình mỗi ngày chỉ khoảng 30 - 40 xe làm thủ tục thông quan.

Ông Lê Phương - Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Lào Cai cho biết, với tinh thần thực hiện mục tiêu kép vừa chủ động phòng, chống dịch Covid-19 có hiệu quả, vừa phục hồi và đẩy mạnh phát triển kinh tế xã hội, Chi cục tập trung triển khai đồng bộ các giải pháp, quyết liệt và linh hoạt để đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá, đặc biệt là xử lý các vấn đề ở cửa khẩu để thúc đẩy lưu thông hàng hoá xuất nhập khẩu với Trung Quốc.

Trong đó, đối với mặt hàng nông sản, Chi cục ưu tiên, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho các doanh nghiệp xuất được hàng nhanh nhất trong đó gần đây là mặt hàng quả vải tươi...

Mặc dù vậy, thời điểm này các mặt hàng nông sản trong nước xuất khẩu sang Trung Quốc qua cửa khẩu ở Lào Cai khá ít, mỗi ngày khoảng 30 - 40 xe. Do đó, chỉ trong buổi sáng các xe đã được xuất đi. Không có hiện tượng ùn ứ.

Các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu là chuối, ván bóc, mít... Các mặt hàng nhập khẩu là rau, củ quả, trái cây các loại, phân bón, vật tư nông nghiệp...

Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành là một trong những cửa khẩu xuất nhập khẩu nông sản lớn ở phía Bắc, nhưng hiện không sôi động như thời điểm chưa bùng phát dịch Covid-19.

Ngoài các mặt hàng theo thời vụ thì cửa khẩu gần như này "bao trọn" mặt hàng quả thanh long. Tuy nhiên, thời điểm này, thương lái Trung Quốc không đón mặt hàng quả thanh long qua cửa khẩu ở Lào Cai.

Ghi nhận tại cửa khẩu và thông qua một số đầu mối làm dịch vụ xác nhận, cửa khẩu ở Lào Cai hiện không có xe thanh long lên. Các doanh nghiệp, thương lái của Trung Quốc đã chuyển sang cửa khẩu Hữu Nghị (Lạng Sơn) đón mặt hàng này.

Ông Nguyễn Văn Hà - lái xe chở thanh long từ Bình Thuận xuất khẩu sang Trung Quốc cho biết, khoảng nửa tháng nay, mặt hàng quả thanh long không xuất được qua lối ở Lào Cai. Do đó, đoàn xe chở thanh long từ Bình Thuận đã chuyển hướng sang cửa khẩu Hữu Nghị.

"Chúng tôi chạy xe từ Bình Thuận ra tới ngoài này mất khoảng 40 tiếng là lên tới cửa khẩu Hữu Nghị. Anh em lái xe tự nấu ăn dọc đường vì mua cơm hộp cũng lo không đảm bảo và lo lây nhiễm Covid-19", ông Hà nói.

Một số chủ hàng phải thuê người lọc khoai tây nhập từ Trung Quốc do hàng không bán được. Ảnh: H.Đ

Một số chủ hàng phải thuê người lọc khoai tây nhập từ Trung Quốc do hàng không bán được. Ảnh: H.Đ

Gỡ khó xuất khẩu nông sản

Ở chiều nhập khẩu, một số thương lái cho biết, nông sản Trung Quốc nhập về qua cửa khẩu ở Lào Cai tiêu thụ chậm. Tại bãi Việt - Trung, một số chủ hàng đã phải gỡ các bao khoai tây nhập từ Trung Quốc về để lọc ra các củ khoai thối, hỏng. Số khác nhập nho, táo… từ Trung Quốc phải tạm thời thuê kho lạnh bảo quản vì hàng chưa bán được.

Một chủ hàng cho hay, "khoảng 10 ngày nay, hàng bán rất chậm, vừa rồi tôi còn phải cho bớt khoảng 1 xe bí 30 tấn vì không thể để lâu hơn, thối, hỏng phí ra. Bí nhập vào 5.000 đồng/kg bán ra 2.500 đồng/kg, bán lỗ cũng không ai mua. Do Covid-19, các chợ, đặc biệt các chợ đầu mối dưới xuôi đóng cửa, tiêu thụ chậm, còn ở phía Nam họ cũng không lên lấy hàng".

Một chủ hàng vừa ôm 4 xe bí đỏ nhập từ Trung Quốc trị giá khoảng 600 triệu đồng cũng sốt ruột không kém vì đến nay cũng chỉ bán lẻ, hy vọng khi dịch sớm được kiểm soát thì số hàng này mới có thể tiêu thụ được hết.

Mặt khác, do số lượng xe lên Lào Cai ít nên nông sản nhập về cũng thiếu xe vận chuyển đi bởi nếu bao chuyến sẽ đắt hơn việc thuê xe thùng rỗng quay đầu về xuôi.

Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành trầm lắng so sau khi bùng phát dịch Covid-19. Ảnh: H.Đ

Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành trầm lắng so sau khi bùng phát dịch Covid-19. Ảnh: H.Đ

Số lượng xe chở hàng hoá xuất khẩu lên Lào Cai thời gian này rất ít nên cuộc sống của những người làm dịch vụ xuất nhập khẩu gặp không ít khó khăn, bấp bênh. Một số người thậm chí còn tính chuyển qua nghề khác làm nhất là lực lượng lao động làm thuê, bốc vác… sống bám cửa khẩu.

"Khó khăn lắm anh ạ. Cứ cách nhật em mới lên cửa khẩu một lần hoặc khi đối tác báo hàng mới vào đó làm thủ tục. Mỗi lần vào cửa khẩu lại phải xét nghiệm Covid-19, tốn kém tiền bạc nên có việc thì mới lên", người làm dịch vụ cho hay.

Theo ông Nguyễn Huy Tưởng - Phó Giám đốc Sở Công thương tỉnh Lào Cai, từ tháng 5 đến nay, do diễn biến dịch bệnh có nhiều phức tạp nên phía Trung Quốc đã tăng cường các biện pháp phòng ngừa, kiểm soát dịch Covid-19 lây lan thông qua phương tiện, hàng hóa.

Phía Trung Quốc đã thực hiện kiểm tra, khử trùng phòng dịch và áp dụng kiểm soát chặt chẽ đối với các mặt hàng hóa nông sản xuất khẩu của Việt Nam như: Thanh long, vải tươi... do đó, thời gian hàng nông sản xuất được có chậm hơn so với trước.

Tuy nhiên, cùng với việc triển khai "luồng xanh vận tải", ngành Công thương Lào Cai đã chủ động phối hợp với các lực lượng chức năng tham mưu cho UBND tỉnh Lào Cai triển khai giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn hoạt động xuất khẩu nông sản.

Trong đó, ngành Công thương thường xuyên thông tin đến các tỉnh, thành phố có vùng nguyên liệu, các doanh nghiệp kinh doanh xuất nhập khẩu hàng hóa về tình hình thông quan tại khu vực cửa khẩu, tình hình triển khai một số biện pháp quản lý hoạt động thông quan xuất nhập khẩu của phía Trung Quốc.

Khuyến cáo các doanh nghiệp chủ động trong kế hoạch thu hoạch, sản xuất, kinh doanh và điều tiết lượng hàng lên cửa khẩu phù hợp nhằm tránh ùn ứ, ách tắc tại cửa khẩu hoặc có phương án tiêu thụ trong thị trường nội địa...

Thường xuyên liên hệ trao đổi, hội đàm trực tuyến với các lực lượng chức năng phía Trung Quốc nhằm tháo gỡ khó khăn trong hoạt động xuất nhập khẩu; tổ chức phối hợp triển khai thực hiện kéo dài thời gian thông quan tại cặp Cửa khẩu Quốc tế đường bộ số 2 Kim Thành (Lào Cai, Việt Nam) - Bắc Sơn (Hà Khẩu, Trung Quốc.

Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn):

Tạo mọi điều kiện cho xe chở nông sản xuất khẩu

Ngày 3/8, trao đổi với chúng tôi, ông Thang Thành Vĩ, Chủ tịch Hội hoa quả quốc tế Bằng Tường, Quảng Tây, cho biết hiện Trung Quốc chưa dỡ bỏ phong tỏa với Chợ hoa quả.

“Mỗi ngày chỉ có chừng 100 xe nông sản từ Việt Nam qua Bằng Tường, do thiếu nơi bốc dỡ. Cũng may là giá cả không bị xuống do sức mua của thị trường vẫn ổn định so với năm ngoái. Đa số nhân viên bốc dỡ hàng hóa là người Việt, do đó, chúng tôi đang hơi thiếu lao động trong lĩnh vực này”, ông Thang nói.

Không có tình trạng xe chở nông sản ù ứ ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Không có tình trạng xe chở nông sản ù ứ ở Cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn).

Đại diện cho nhiều doanh nghiệp Trung Quốc chuyên nhập khẩu nông sản Việt Nam tại Bằng Tường, cho rằng "giá cả không phải vấn đề", song họ “khá mệt mỏi” do luôn trong tình trạng đợi chờ từ khi Việt Nam bùng phát đợt dịch lần thứ 4 từ tháng 7 đến nay.

Trưởng Ban quản lý khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn Nguyễn Trọng Nghĩa, cho biết hiện Lạng Sơn vẫn tạo mọi điều kiện thông thoáng để xe chở nông sản xuất khẩu. Hiện tỉnh này duy trì lực lượng 500 tài xế chuyên trách, tiếp nhận, chở hàng nông sản và các mặt hàng khác qua cửa khẩu sang Trung Quốc.

“Tình trạng ùn ứ xe nông sản là không có. Khâu vận chuyển, bốc dỡ, vẫn được các cơ quan chức năng của Lạng Sơn phối hợp tốt với doanh nghiệp. Đảm bảo phòng chống dịch nhưng không làm đứt gãy chuỗi cung ứng”, ông Nghĩa nói.

Theo số liệu của Ban quản lý khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn, từ ngày 22 - 28/7, mặt hàng xuất khẩu chủ yếu qua cửa khẩu Tân Thanh là quả thanh long; trung bình xuất qua cửa khẩu này khoảng 150 - 160 xe/ngày, trong đó xe chở hàng thanh long xuất khẩu khoảng 120 - 130 xe/ngày.

V.Việt - T. Đinh - Q. Dũng

  • Tags:
Xem thêm
Mừng, lo vụ hoa tết

TP.HCM Trải qua vụ hoa khó khăn do thời tiết bất thuận, đến ngày xuất bán, nông dân các làng hoa ở TP.HCM lại thấp thỏm vì khách đến mua hàng nhưng thiếu xe vận chuyển.

Làng nghề sản xuất bột gạo Sa Đéc rộn ràng mùa Tết

Đồng Tháp TP Sa Đéc có hơn 180 hộ, cơ sở và doanh nghiệp, với hơn 2.000 lao động tham gia sản xuất bột và các sản phẩm sau bột.

Agribank Tây Nam bộ tặng quà Tết cho các hoàn cảnh khó khăn

ĐBSCL Các chi nhánh Agribank khu vực Tây Nam bộ đang tích cực trao những phần quà Tết thiết thực, ý nghĩa đến tận tay các hoàn cảnh khó khăn trước thềm năm mới.

Bình luận mới nhất