| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới gắn với nông nghiệp sinh thái, hữu cơ

Thứ Năm 17/11/2022 , 04:32 (GMT+7)

Nông thôn mới ở Bình Định không chỉ "làm mới” diện mạo nông thôn, mà cái mới còn thấm vào đời sống nông dân, sản xuất nông nghiệp cũng tiếp cận với nhiều cái mới.

Nông nghiệp sinh thái “chớm nở” từ vùng cao

Nông nghiệp của xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) trước nay hầu như chẳng có gì, phần lớn người dân ở đây là đồng bào dân tộc thiểu số, chủ yếu là đồng bào Bana, chiếm 67,5% trong đó là hộ nghèo.

Tư liệu sản xuất của người dân xã An Toàn ngoài những diện tích đất rẫy canh tác mì (sắn), bắp (ngô) thì không gì khác ngoài những thửa ruộng bậc thang manh mún. Những năm gần đây, nhờ chính sách hỗ trợ giống lúa của UBND tỉnh Bình Định, nông dân An Toàn tham gia sản xuất lúa lai, năng suất được cải thiện đáng kể. Bên cạnh đó, người dân xã An Toàn còn có thêm khoản thu nhập từ việc nhận khoán quản lý, bảo vệ rừng.

Năm 2020, khi dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số do Quỹ môi trường toàn cầu phối hợp với Công ty Cổ phần Dược và Trang thiết bị Y tế Bình Định  triển khai tại xã An Toàn, đời sống và diện mạo của người dân vùng cao đứng trước cơ hội đổi đời.

Empty

Nông dân xã vùng cao An Toàn (huyện An Lão, Bình Định) hào hứng tham gia trồng, thu hái, bảo tồn cây chè dây bản địa. Ảnh: V.Đ.T.

Dự án chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây đã hỗ trợ người dân cải thiện sinh kế, có thu nhập ổn định thông qua mô hình liên kết trồng, thu hái, bảo tồn cây chè dây bản địa theo định hướng nghiên cứu và phát triển khoa học của Công ty CP Dược và Trang thiết bị y tế Bình Định.

Đặc biệt, việc trồng, thu hái, bảo tồn cây chè dây bản địa phù hợp với năng lực sẵn có của bà con và điều kiện tự nhiên. Mô hình này còn mang ý nghĩa nông nghiệp sinh thái. Bởi, phương thức canh tác chủ yếu dựa vào tài nguyên sẵn có trong thiên nhiên, cụ thể là cây chè dây trong rừng An Toàn. Trong quá trình chăm sóc, bảo tồn cây chè dây bản địa bà con không sử dụng thuốc BVTV, cho ra sản phẩm không có chứa chất độc hại.

“Dự án Chuyển giao kỹ thuật trồng cây thuốc bản địa chè dây cho đồng bào dân tộc thiểu số để xây dựng liên kết chuỗi sản xuất dược liệu hiệu quả, bền vững, nhằm cải thiện sinh kế, giảm áp lực khai thác tài nguyên rừng tại xã An Toàn rất phù hợp với chiến lược đẩy mạnh phát triển lâm nghiệp bền vững của chính quyền huyện An Lão; đúng định hướng về bảo tồn, nâng cao giá trị cây dược liệu từng năm và từng giai đoạn mà Huyện ủy, UBND huyện An Lão đã đề ra”, ông Đỗ Tùng Lâm, Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão, chia sẻ.

Phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ

Điểm nổi bật khác trong xây dựng nông thôn mới tại Bình Định là khắp các vùng quê phát triển mạnh nông nghiệp hữu cơ, đây cũng là cách vừa đảm bảo thu nhập trong sản xuất nông nghiệp vừa bảo vệ môi trường sống nông thôn.

Qua thực tế, chúng tôi nhận thấy hiện nay người dân các vùng nông thôn rất quan tâm tới kỹ thuật canh tác hữu cơ trong lĩnh vực trồng trọt. Đa số người dân đã hiểu ra sản xuất nông nghiệp hữu cơ không những có lợi về sức khỏe, sản phẩm bảo đảm an toàn thực phẩm mà còn bảo vệ được môi trường sống của những người chung quanh. Trong cánh tác, hầu hết nông dân đã biết kiểm soát chất lượng đầu vào trong những giai đoạn làm đất, sử dụng giống, tưới nước, bón phân cho cây trồng. Tuân thủ nghiêm cẩn quy trình canh tác đáp ứng đầy đủ các yêu cầu mà nông nghiệp hữu cơ đòi hỏi.

Empty

Bình Định xuất hiện nhiều mô hình canh tác hữu cơ với cây lúa, rau màu. Ảnh: V.Đ.T.

Minh chứng là trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định triển khai nhiều mô hình canh tác hữu cơ với cây lúa, rau màu trên khắp các địa phương nhằm giúp nông dân nắm bắt, áp dụng và dần dần chuyển đổi từ sản xuất truyền thống sang làm nông nghiệp hữu cơ.

“Ở vụ đông xuân 2021-2022, mô hình trồng lúa hữu cơ ở xã Ân Tường Tây (huyện Hoài Ân) cho năng suất và sản  lượng rất tốt so với mô hình đối chứng. Trên cùng một đơn vị diện tích, nhờ giảm chi phí đầu vào, lợi nhuận của mô hình sản xuất lúa hữu cơ tăng 10-20% so với đối chứng. Lượng giống sử dụng ở mô hình canh tác hữu cơ ít hơn, phân bón hữu cơ được ủ từ nhiều loại phụ phẩm nông nghiệp, không sử dụng thuốc BVTV; phương pháp tưới ướt khô xen kẽ nên cây trồng phát triển tốt và ít sâu bệnh, năng suất và sản lượng tốt hơn”, ông Hồ Quang Thạch, cán bộ kỹ thuật Trung tâm Khuyến nông Bình Định phụ trách mô hình sản xuất lúa hữu cơ, chia sẻ.

“Bên cạnh các mô hình trình diễn, chúng tôi còn tổ chức nhiều lớp tập huấn, đào tạo, phổ biến kiến thức cho nông dân và cán bộ ngành nông nghiệp địa phương. Từ nay cho đến hết năm 2022, Trung tâm Khuyến nông Bình Định tiếp tục triển khai thêm 1 số lớp tập huấn liên quan tới sản xuất nông nghiệp hữu cơ; tổ chức các lớp học FFS trên đồng ruộng, để học viên tham gia thực hiện trao đổi với cán bộ, chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp hữu cơ. Mới đây, chúng tôi đã triển khai lớp tập huấn cho 30 cán bộ ngành nông nghiệp trong cả tỉnh; tổ chức cho học viên tham quan các mô hình sản xuất nông nghiệp hữu cơ trên địa bàn, để cán bộ nông nghiệp tuyến cơ sở có thêm thông tin, kỹ thuật, kỹ năng để hỗ trợ nông dân”, ông Huỳnh Việt Hùng, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Bình Định, chia sẻ.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Cách làm hay ở Bắc Giang [Bài 1]: Cán bộ làm gương

Khéo léo tuyên truyền vận động nhân dân, sáng tạo trong cách làm, xã Xuân Cẩm đã thực hiện được tiêu chí khó trong xây dựng NTM nâng cao, đó là hiến đất '0 đồng'.

Lần đầu tiên TP.HCM có hội chợ sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP

Hội chợ, triển lãm sản phẩm nông nghiệp tiêu biểu, sản phẩm OCOP TP.HCM lần đầu tiên tổ chức, chính thức khai mạc với gần 200 gian hàng của TP.HCM và 17 tỉnh, thành.