| Hotline: 0983.970.780

Ông Nguyễn Xuân Đại-Bí thư Huyện ủy Hoài Đức:

Hoài Đức làm 'mồi' về vệ sinh môi trường nông thôn mới

Thứ Ba 08/11/2022 , 08:24 (GMT+7)

Hà Nội "Thông qua Nghị quyết, Chỉ thị chúng tôi tổ chức “mồi” vài năm sau đó sẽ thành một thứ ăn sâu vào trong đầu người ta, đang sạch quen thấy bẩn thì không chịu nổi".

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức, ông Nguyễn Xuân Đại cho phóng viên Báo Nông nghiệp Việt Nam biết như vậy.

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức, ông Nguyễn Xuân Đại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bí thư Huyện ủy Hoài Đức, ông Nguyễn Xuân Đại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông có thể điểm đôi nét về chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM) của huyện Hoài Đức?

Hoài Đức đã hoàn thành xây dựng NTM từ năm 2016, giờ đang phấn đấu NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, trong đó 2 xã đã đạt NTM nâng cao, cuối năm nay phấn đấu thêm 5 xã nữa và 1 xã NTM kiểu mẫu. Trong định hướng huyện lên quận, khi xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu khi có tiêu chí nào cao hơn phường, cao hơn quận thì chúng tôi lấy, còn tiêu chí nào của phường, quận cao hơn lại lấy vào. Mục đích cuối cùng không phải là phường, quận, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu mà là đời sống của người dân.  

19 xã, 1 thị trấn của Hoài Đức có 9 xã thuộc vùng bãi với diện tích hơn 1.000 ha, định hướng về sau này có khoảng 600 ha không phát triển đô thị, vẫn chủ yếu là dành cho nông nghiệp. Trong nông nghiệp của Hà Nội thì lĩnh vực chăn nuôi đang có nhiều đóng góp nhưng một khi lên phường, lên quận, chúng tôi sẽ không phát triển chăn nuôi nữa vì ô nhiễm chất thải, tiếng ồn.

Vậy muốn có giá trị cao thì phải chuyển sang nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp sinh thái gắn với du lịch. Rất may là trong số 4.000 ha đất nông nghiệp của huyện, lúa chỉ chiếm khoảng 1.500 ha, còn lại là cây ăn quả, hoa, cây cảnh…Số này sẽ được quy hoạch lại, đưa công nghệ cao vào, gia tăng chất lượng, xây dựng thương hiệu. Hiện có những xã có cỡ 300 hộ trồng hoa lan rừng quy mô lớn, hay có những tổ hợp tác mỗi ngày xuất khoảng 50 tấn rau. Những chỗ sản xuất lớn đều ký hợp đồng với các bếp ăn hay cửa hàng, siêu thị nên đợt dịch Covid 19 vừa rồi không bị ảnh hưởng.

Số lượng làng nghề của Hoài Đức so với mặt bằng chung của thành phố thì không nhiều, chỉ có 54 nhưng đều là sản xuất thực chất. Có những xã như Minh Khai, Cát Quế mỗi ngày sản xuất 150-160 tấn mì, miến xuất đi toàn quốc, như xã Đức Giang mỗi ngày xuất đi 600 tấn gạo, như La Phù mỗi ngày có 500-700 xe tải lớn nhỏ đến chuyển hàng bánh kẹo, dệt may, như xã Sơn Đồng xuất đồ gỗ mỹ nghệ đạt doanh thu hàng ngàn tỉ. Các làng nghề ở nơi khác chỉ một thôn, một xóm, một chòm các cụm hộ làm nhưng nhiều làng nghề ở Hoài Đức cả xã cùng làm.

Phát triển ngành nghề nông thôn để nâng cao thu nhập. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phát triển ngành nghề nông thôn để nâng cao thu nhập. Ảnh: Dương Đình Tường.

 Thu nhập bình quân đầu người của Hoài Đức hiện nay là bao nhiêu thưa ông?

Thu nhập bình quân đầu người Hoài Đức tự đánh giá thì chưa cao nhưng so với thu nhập chung của thành phố thì khá cao, hiện đạt hơn 70 triệu/người/năm. Tuy nhiên cách tính đó theo tôi cũng chưa thật chính xác, thực tế phải cao hơn nữa nên đang yêu cầu anh em tính lại. Thu nhập từ sản xuất tính dễ nhưng thu nhập từ kinh doanh, dịch vụ thương mại khó tính hơn bởi cơ bản là người dân vẫn tiêu tiền mặt nên chưa thống kê, kiểm duyệt bằng công nghệ được.

Người ta hay nhắc đến vấn đề môi trường của nông thôn, vậy tình hình cụ thể ở Hoài Đức như thế nào thưa ông?

Lịch sử cũ thì huyện có những làng nghề sản xuất lương thực, thực phẩm như miến, mì, bánh kẹo do đặc thù là nước thải lên men nhanh nên cũng rất ô nhiễm môi trường. Thế nhưng trong những năm vừa rồi, một mặt là do chính quyền quan tâm, mặt khác là giờ làng nghề đã phân chia ra các công đoạn chứ không sản xuất từ A-Z như xưa, đều đi mua nguyên liệu ở nơi khác về nên giảm ô nhiễm rất nhiều.

Trong danh sách 5 huyện ngoại thành lên quận sắp tới, phải có tỷ lệ thu gom nước thải đạt trên 50%, giờ Hoài Đức mới được 28% nhưng đang có 3 nhà máy thu gom, xử lý nước thải, đã và sắp hoàn thành. Về lâu dài ngay cả vùng bãi cũng sẽ có các cụm xử lý nước thải nhỏ, cục bộ. Từ năm ngoái chúng tôi đã ra Nghị quyết cho các xã chỉ đạo thôn xóm trong xã rồi các xã tổ chức thi vệ sinh môi trường hàng tháng. Ngoài ra còn có Chỉ thị 02 giao cho UBND huyện xây dựng kế hoạch bảo vệ môi trường và thực hiện kiểm tra thường xuyên. Các công viên, vườn hoa, hệ thống đê Đáy dài gần 16 km qua 10 xã cũng đã được chỉnh trang lại, trồng rất nhiều hoa.

Những con đường ven đê Đáy được tô điểm bằng hoa và tranh bích họa. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Những con đường ven đê Đáy được tô điểm bằng hoa và tranh bích họa. Ảnh: Dương Đình Tường. 

Làm sao để biến từ phong trào trở thành ý thức của toàn dân trong việc vệ sinh môi trường thưa ông?

Tôi đã phát động việc thi vệ sinh môi trường từ giữa năm 2021 và giao cho các thường vụ phụ trách 2 xã và huyện ủy viên phụ trách 1 xã, trong công việc thường ngày phải đôn đốc và chịu trách nhiệm. Thậm chí những buổi sinh hoạt thôn, chi bộ thôn họ phải xuống lắng nghe, nắm bắt tâm tư tình cảm, nguyện vọng của nhân dân để mà tuyên truyền, vận động. Thông qua những Nghị quyết, Chỉ thị kia, chúng tôi tổ chức “mồi” vài năm sau đó sẽ thành một thứ ăn sâu vào trong đầu người ta, đang sạch quen thấy nhà cửa, đường làng, ngõ xóm bẩn thì ngứa mắt, không chịu nổi, phải quét dọn.

Vệ sinh môi trường không chỉ nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân mà thông qua đó còn kết nối được họ bởi cứ đến ngày đó rủ nhau ra làm, cùng trò chuyện. Tình làng nghĩa xóm, văn hóa làng xã nhờ đó mà được duy trì trong quá trình xã lên phường, huyện lên quận. Yên Sở là xã điển hình, thực hiện tốt nhất những việc này.

Di tích lịch sử Quán Giá của xã Yên Sở. Ảnh: Dương Đình Tường.

Di tích lịch sử Quán Giá của xã Yên Sở. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trong xây dựng NTM ngoài yếu tố phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường còn có yếu tố văn hóa, đời sống tinh thần. Là vùng đất cổ thì Hoài Đức đã, đang và sẽ làm những gì để giữ gìn bản sắc thưa ông?

Chúng tôi phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Hà Nội trong các chương trình festival về các sản phẩm OCOP mà ở đó các xã thi biểu diễn văn nghệ với nhau bằng diễn viên của chính địa phương mình chứ không được thuê; Tổ chức ngày gia đình văn hóa, các xã thi nấu ăn, thi cắm hoa; Tới đây dịp Tết sẽ tổ chức thi các trò chơi dân gian, thi gói bánh trưng, thi nấu cỗ giao thừa. Còn về văn nghệ quần chúng đang phát động thành phong trào, hàng tháng các thôn, xã thi với nhau.

Nhiều khi những chính sách của Trung ương, của thành phố khi thực hiện ở dưới cơ sở lại có những điểm nghẽn. Vậy đâu là những nghẽn trong xây dựng NTM cần phải khắc phục trong thời gian tới thưa ông?

Cái đích cuối cùng của NTM là nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân. Về đời sống tinh thần, chế tài cho việc hậu nhà văn hóa đang rất khó. Cho thuê thì không đúng quy định mà không cho thuê thì Nhà nước tiền đâu mà bảo trì, duy trì hoạt động? Giờ một số địa phương mạnh cũng hỗ trợ được mấy triệu/năm cho nhà văn hóa nhưng liệu có làm thế mãi được không? Thay vì thế, cho người ta tổ chức các sự kiện ở nhà văn hóa, lấy tiền đó bảo trì, mua sắm thiết bị, sách vở, duy trì hoạt động của nó một cách công khai, minh bạch.

Vẻ đẹp nhuốm màu thời gian của bức tường di tích Quán Giá thuộc xã Yên Sở. Ảnh: Dương Đình Tường.

Vẻ đẹp nhuốm màu thời gian của bức tường di tích Quán Giá thuộc xã Yên Sở. Ảnh: Dương Đình Tường.

Về đời sống vật chất thì phải phát triển sản xuất. Cơ sở hạ tầng điện, đường, trường, trạm đang được tập trung nhưng có khi đầu tư cho sản xuất lại chưa được chú trọng. Để có nông thôn văn minh, giàu đẹp phải đầu tư cho nông nghiệp mà giờ nông nghiệp đang bị bó hẹp nhiều thứ, như Luật đất đai cần phải sửa đổi lại cho phù hợp. Thứ nữa làng nghề, sản phẩm đầu ra được công nhận OCOP mới chỉ đến đoạn kiểm tra chất lượng, xếp hạng sao nhưng sau đó làm sao cho sản phẩm bay được đi xa, bay được đi cao, phát triển được đúng tầm giá trị thật của nó thì còn hạn chế.

Những chính sách hỗ trợ cho nông nghiệp dù rất mạnh nhưng cũng chưa đủ. Trung ương có những chính sách gì Hà Nội áp dụng tối đa tuy nhiên giờ đất đai ở Thủ đô rất có giá trị, khi thu hồi hay chuyển nhượng cho mục đích nông nghiệp, chưa làm gì thì tiền đền bù, giải phóng mặt bằng đã khoảng 10 tỉ/ha rồi thì sản xuất làm sao cho lại? Thế thì phải có chính sách mạnh hơn nhưng lại vướng Luật bởi Luật chỉ cho ở mức như thế thôi.

Ví dụ như một số mô hình phải hỗ trợ trực tiếp thì lại hỗ trợ sau đầu tư, mà người khó khăn phải đi vay tiền để mua máy móc, thiết bị thì sẽ mất tiền lãi. Làm đất giờ 100% bằng máy, thu hoạch cũng hơn 90% bằng máy, chỉ còn mỗi khâu cấy là hoàn thành được cơ giới hóa đồng bộ cho cây lúa. Cấy máy giảm 3,5-3,8 triệu đồng/ha nhân với hàng trăm ngàn ha của Hà Nội mỗi năm thì tiết kiệm được hàng trăm tỉ. Hơn thế, cấy máy lại cho năng suất cao hơn cấy tay 15-18% nhân với hàng trăm ngàn ha thì cũng được lợi hàng trăm tỉ.

Chưa nói đến 1 cái máy cấy bằng mấy chục người cấy tay, những người không phải cấy sẽ đi làm việc khác. Mỗi cái máy cấy chỉ vài trăm triệu đồng mà cơ chế hỗ trợ lại rất khó khăn. Vả lại, mỗi năm 2 vụ mỗi vụ chủ máy chỉ cấy được 15-20 ngày, còn lại cất máy trong kho. Nếu người dân đơn lẻ mua máy sẽ rất phí, vài hộ chung tiền nhau mua máy cũng khó vì không có thời gian, không có không gian để bảo dưỡng, thì phải có các HTX mà HTX thời gian đầu còn khó khăn phải hỗ trợ người ta. Nông thôn hiện là khu vực có dân số chiếm khoảng hơn 50 %, tuy đóng góp kinh tế của nông nghiệp không nhiều nhưng quan trọng là an sinh xã hội, có công ăn việc làm ổn định, giảm các tệ nạn xã hội.

Trẻ em chơi đá bóng tại sân nhà văn hóa xã Yên Sở. Ảnh: Dương Đình Tường.

Trẻ em chơi đá bóng tại sân nhà văn hóa xã Yên Sở. Ảnh: Dương Đình Tường.

Bây giờ trong vấn đề đất đai có mấy loại, thứ nhất là Nhà nước thu hồi đất để doanh nghiệp cho thuê, thứ hai là doanh nghiệp thuê lại quyền sử dụng đất của dân, thứ ba là doanh nghiệp để người dân góp vốn bằng đất nhưng hình thức nào cũng đang vướng. Chỉ có sản xuất nông nghiệp công nghệ cao doanh nghiệp mới được Nhà nước thu hồi đất, còn lại là tự thỏa thuận với dân qua hợp đồng chuyển nhượng. Chỉ vài người không đồng ý là cả cánh đồng thành ra lôm nhôm, khó có thể trở thành cánh đồng mẫu lớn.

Sản xuất nông nghiệp ta vẫn hô hào liên kết nhưng chưa có sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền mà vẫn để doanh nghiệp và hộ gia đình tự thỏa thuận. Doanh nghiệp đầu tư giống, vốn cho nông dân đặt họ sản xuất theo tiêu chuẩn rồi bao tiêu nhưng có mấy cái khó. Một là việc thực hiện theo đúng quy trình sản xuất. Hai là không có chế tài xử lý nghiêm khi nông dân vi phạm cam kết nên nay bán cho doanh nghiệp, mai người khác trả cao hơn, bán luôn ra ngoài.

Trong liên kết không chỉ phía nông dân mà phía doanh nghiệp cũng sẵn sàng phá bỏ cam kết vì lợi ích của mình, kể cả không phá thì việc chấp hành cũng hạn chế. Khi xảy ra như thế, thiệt hại có thể rất lớn tuy nhiên chưa có tiền lệ, án lệ nào về việc xử lý, bồi hoàn.

Xin cảm ơn ông!

* Trang thông tin có sự phối hợp Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội

Xem thêm
Tỉnh Phú Thọ còn 15.983 hộ nghèo

Nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Phú Thọ do các hộ thiếu vốn sản xuất, kinh doanh, không có lao động, gia đình có người ốm đau, bệnh tật...

Biến rác thải thành điểm tham quan hấp dẫn

QUẢNG NINH HTX Green Life Hạ Long đã trở thành điểm tham quan, trải nghiệm lối sống xanh của rất nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài khi đến với Quảng Ninh.

5 điểm bán sản phẩm OCOP phục vụ giỏ quà tết tại Kiên Giang

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, đến nay đã thành lập được 5 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP, với hàng trăm giỏ quà tết được tiêu thụ mỗi ngày.

Bình luận mới nhất