| Hotline: 0983.970.780

Nông thôn mới trong làng đồng bào dân tộc thiểu số

Thứ Bảy 03/07/2021 , 11:19 (GMT+7)

TÂY NGUYÊN Chương trình xây dựng nông thôn mới đã giúp đồng bào nông thôn, buôn làng Tây Nguyên khoác lên mình chiếc áo mới hơn, đẹp hơn, lộng lẫy hơn.

QL14 được mở rộng thênh thang, trở thành một trong những con đường đẹp nhất Tây Nguyên. Không chỉ thế, còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thuỷ.

QL14 được mở rộng thênh thang, trở thành một trong những con đường đẹp nhất Tây Nguyên. Không chỉ thế, còn góp phần quan trọng phát triển kinh tế vùng Tây Nguyên. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Đổi thay vượt xa trí tưởng tượng

Tôi có cậu em, năm 2012 đi du học Úc. Sau đó lập gia đình, lập nghiệp luôn ở xứ sở Chuột túi. Mới đây, khi con gái tròn 2 tuổi, mới có dịp đưa vợ con về thăm Việt Nam. Ở Sài Gòn 1 ngày, tôi liên tục nghe cậu thốt lên những câu ngạc nhiên về sự thay da đổi thịt của thành phố. Nhưng sau khi đưa vợ con về quê nội ở Đắk Lắk, cậu mới thực sự ngạc nhiên.

Trong trí tưởng tượng của cậu em, Quốc lộ 14 không chỉ xấu, bụi mù, mà còn rất hẹp, chỉ cần 1 chiếc xe container chạy là choán gần hết đường. Các xe khác phải nép sát lề. Hồi đó cậu em nhớ đi từ Buôn Mê Thuột xuống Sài Gòn mất 7-8 tiếng. Còn bây giờ chỉ cần 1 nửa thời gian, đường đẹp nên ngồi xe êm hơn, đỡ mệt hơn.

"Hồi em còn ở quê, TP. Buôn Ma Thuột cũng ít đường to, đẹp, phố xá không nhộn nhịp, sầm uất. Về vùng sâu, các buôn làng đồng bào còn ảm đạm hơn, rất ít đường nhựa, bê tông. Bây giờ đường nhựa, đường bê tông chằng chịt như mạng nhện, ít thấy đường đất, nhà lụp xụp. Em ngạc nhiên thực sự trước sự phát triển của quê hương”, chàng Việt kiều Úc trầm trồ, suýt xoa.

Tại buôn Cư Dluê, xã Hòa Xuân, thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk, ông Y Mat Bya, người dân trong buôn hồ hởi cho biết, nhờ có chương trình nông thôn mới mà buôn làng đổi thay rất nhiều. Những con đường đất đỏ bụi mù vào mùa khô, lầy lội vào mùa mưa đã thưa dần, kênh mương nội đồng được đầu tư nâng cấp. Ngày xưa đi cả cây số mới đến được nơi lấy nước, bây giờ công trình nước sạch đã đưa về tận thôn, buôn.

Bà con bây giờ đã biết áp dụng khoa học kỹ thuật trong sản xuất, làm kinh tế giỏi hơn, biết trồng xen nhiều loại cây trên một mảnh vườn. Những nhà không có đất đi làm thuê, làm mướn, biết tiết kiệm tiền để sắm sửa trong gia đình, học hỏi nhau cách chi tiêu hợp lý”.

Cuộc sống người dân vùng Tây Nguyên bây giờ đã nâng cao vượt bậc nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác những cây thế mạnh. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Cuộc sống người dân vùng Tây Nguyên bây giờ đã nâng cao vượt bậc nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào canh tác những cây thế mạnh. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Tại Gia Lai, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ là xã đầu tiên trên tuyến biên giới Tây Nguyên được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới từ 2015. Những năm qua, xã này tiếp tục duy trì, các giá trị nông thôn mới đã đạt được theo hướng nâng cao .

Ngay từ khi có chương trình xây dựng nông thôn mới, chính quyền huyện Đức Cơ lập kế hoạch xây dựng nông thôn mới trong làng đồng bào dân tộc thiểu số, xã Ia Dom đã chọn làng Mook Trêl để triển khai. Đảng ủy xã chỉ đạo các ngành, đoàn thể tập trung mọi nguồn lực giúp làng Mook Trêl từng nội dung, tiêu chí và được sự đồng thuận của người dân.

Đến nay, làng đã đạt 19/19 tiêu chí và 49/49 nội dung nông thôn mới. Ông Hồ Minh Kỳ, Bí thư Đảng ủy xã Ia Dom cho biết, huyện đã hỗ trợ cho làng 200 triệu đồng, xã giao cho làng chủ động họp, lấy ý kiến người dân, sau đó nhất trí triển khai 9 hạng mục công trình theo đề xuất của làng.

Để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống đồng bào, chính quyền xã cầm tay chỉ việc cho làng trong chuyển đổi cơ cấu cây trồng theo hướng bền vững, hình thành được vùng chuyên canh cây công nghiệp có giá trị cao như cà phê, cao su, điều… vận động, hướng dẫn người dân áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, trồng xen các loại cây trồng, cho thu nhập ổn định với 486ha cao su tiểu điền, 432ha cà phê, trên 20ha hồ tiêu và gần 670ha điều.

Thu nhập bình quân đầu người đạt 38 triệu đồng/người/năm, vượt 146% so với chỉ tiêu đề ra. Tỷ lệ hộ nghèo của xã giảm dần qua từng năm, đến nay chỉ còn hơn 2%, đời sống của người dân ngày càng được cải thiện, nâng cao.

Làm cơm lam bán cho khách du lịch, một trong những thế mạnh của địa phương mà đồng bào thiểu số biết tận dụng để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Làm cơm lam bán cho khách du lịch, một trong những thế mạnh của địa phương mà đồng bào thiểu số biết tận dụng để tăng thêm thu nhập. Ảnh: Hồng Thuỷ.

Nông thôn kiểu mẫu gắn nông nghiệp công nghệ cao

Được đánh giá là tỉnh lá cờ đầu trong xây dựng nông thôn mới vùng Tây Nguyên, Lâm Đồng đặt mục tiêu xây dựng nông thôn kiểu mẫu gắn nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao là thế mạnh của tỉnh.

Theo số liệu từ Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới tỉnh Lâm Đồng, diện tích nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao của địa phương hiện đạt trên 58.000ha, tăng 633ha so với cuối năm 2019.

Giá trị sản xuất ngành nông lâm thủy sản tăng nhanh, giá trị sản xuất công nghệ cao bình quân đạt khoảng 400 triệu đồng mỗi ha/năm, đặc biệt có nhiều mô hình có giá trị sản xuất đạt trên 1 tỷ đồng ha/năm. Các tiêu chí văn hóa, xã hội, môi trường và an ninh quốc phòng được tập trung phát triển và đã đạt hiệu quả cao.

"Chúng tôi tập trung xây dựng, thực hiện các mục tiêu Đề án thí điểm xây dựng huyện Đơn Dương đạt nông thôn mới kiểu mẫu về nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao theo hướng thông minh giai đoạn 2019-2025. Đồng thời tiếp tục triển khai Đề án thí điểm xây dựng huyện nông thôn mới trong quá trình đô thị hóa ở huyện Đức Trọng”, ông Nguyễn Đình Khoát, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình Xây dựng nông thôn mới Lâm Đồng.

Năm 2020, do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19, nhưng Lâm Đồng vẫn đạt được những thành tựu lớn trong nông thôn mới. Toàn tỉnh Lâm Đồng có 110 công trình đường giao thông được nâng cấp, xây dựng với tổng chiều dài trên 140km, 15 công trình cầu cống được hoàn thiện. Địa phương cũng hoàn thành nâng cấp, xây dựng 26 công trình trường học, 32 nhà văn hóa xã, thôn và nhiều công trình phúc lợi công cộng trên địa bàn các xã.

Đôi bạn trẻ mặc trang phục truyền thống dân tộc mình chụp ảnh cưới. Ảnh: Nam Trang.

Đôi bạn trẻ mặc trang phục truyền thống dân tộc mình chụp ảnh cưới. Ảnh: Nam Trang.

Khi cuộc sống ổn định và nâng cao, vấn đề gìn giữ, phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số cũng được chú trọng. Từ Dự án bảo tồn văn hóa cồng chiêng của các tỉnh Tây Nguyên đến Lễ hội thổ cẩm được tổ chức quy mô cấp Quốc gia tại tỉnh Đắk Nông vừa qua đã góp phần lưu giữ và quảng bá những giá trị văn hóa đặc sắc của vùng Tây Nguyên.

Bà H’da Êya, dân tộc Ê Đê, ở làng Nui, xã Tâm Thắng, huyện Cư Jút, tỉnh Đắk Nông cho biết, trước đây, bà con rất ngại mặc trang phục truyền thống của dân tộc mình. Nhưng mấy năm trở lại đây, với phong trào xây dựng đời sống văn hóa ở thôn buôn được triển khai, việc mặc trang phục thổ cẩm truyền thống tại các đám cưới, lễ hội đã trở nên phổ biến. Nhiều cô dâu chú rể chọn trang phục dân tộc để chụp ảnh cưới và họ tự hào vì điều đó. Nhờ vậy nghề dệt thổ cẩm cũng phát triển theo.

“Bây giờ bà con không còn ngại mặc áo thổ cẩm. Khi có những lễ hội, đám cưới đám hỏi, các đại hội lớn của Đảng, nhà nước, chúng tôi sẽ mặc trang phục Ê Đê mình. Chúng tôi mong muốn nhà nước quảng bá giúp chúng tôi có thể bán sản phẩm thổ cẩm được cho nhiều người trên khăp mọi miền đất nước”, bà H’Đă Êya nói.

86% số xã Lâm Đồng đạt chuẩn nông thôn mới

Ông Nguyễn Đình Khoát, Phó Chánh Văn phòng Điều phối Chương trình xây dựng nông thôn mới Lâm Đồng cho biết, đến nay, toàn tỉnh có hơn 86% số xã đạt chuẩn (tổng số 111 xã). Có 2 huyện được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới là Đơn Dương và Đức Trọng.

Ba đơn vị khác gồm huyện Đạ Tẻh, TP. Đà Lạt và TP. Bảo Lộc đã được Hội đồng thẩm định Trung ương họp thống nhất trình Thủ tướng Chính phủ công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới và thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới. Riêng huyện Cát Tiên và huyện Lâm Hà đang lập hồ sơ trình Bộ NN-PTNT theo quy định.

  • Tags:
Xem thêm
Trao tặng 500 cuốn sách về biển đảo cho Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân

500 cuốn sách về biển đảo Việt Nam, khoa học quân sự... được Bộ Thông tin và Truyền thông đồng hành với các đơn vị trao tặng Bộ Tư lệnh Vùng 3 Hải quân.

Xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 sẽ cao nhưng không gay gắt

ĐBSCL Dự báo xâm nhập mặn mùa khô năm 2025 tại ĐBSCL cho thấy mức độ xâm nhập sẽ cao hơn trung bình nhiều năm, nhưng không nghiêm trọng như các năm 2016 và 2020.

Nậm Tông hồi sinh giữa lòng núi rừng

Lào Cai Giữa sương mai bồng bềnh, Nậm Tông thức giấc trong ánh vàng dịu nhẹ, những mái nhà mới khoác màu đất ấm áp vẽ nên bức tranh hồi sinh kỳ diệu.