| Hotline: 0983.970.780

Sân khấu vắng dần mỹ nhân

Thứ Năm 27/12/2012 , 12:32 (GMT+7)

Nhan sắc cứ lộng lẫy tỏa sáng ở lĩnh vực ca nhạc, thời trang hay điện ảnh, còn sân khấu hình như càng ngày càng khan hiếm người đẹp!

Nếu nhìn qua các trang báo đầy màu sắc hay nhìn qua những chương trình trẻ trung trên truyền hình, ai cũng cảm thấy rất nhiều mỹ nhân đang xuất hiện trong đời sống nghệ thuật. Thế nhưng, nhan sắc cứ lộng lẫy tỏa sáng ở lĩnh vực ca nhạc, thời trang hay điện ảnh, còn sân khấu hình như càng ngày càng khan hiếm người đẹp!

Trong ký ức những người yêu sân khấu Việt Nam mỗi khi hoài niệm quá khứ luôn hiện về bao nhiêu gương mặt quyến rũ. Nếu tuồng hay chèo ít khán giả thì đành chịu phận hẩm hiu, chứ kịch nói từ khi có mặt tại Việt Nam đã được công chúng đón nhận rất nồng nhiệt, nên những mỹ nhân sàn diễn hoàn toàn có cơ hội trở thành thần tượng. Lấy cột mốc giai đoạn đổi mới với những kịch bản của Lưu Quang Vũ làm mưa làm gió thì đã có những người đẹp nổi danh như NSND Kim Cương, NSƯT Thanh Tú, NSND Hoàng Cúc, NSND Minh Hòa, NSND Lê Khanh, NSND Lan Hương, NSƯT Minh Hằng, NSƯT Thu Hà, NSND Hồng Vân, NSƯT Kim Xuân, NSƯT Thanh Thủy, NSƯT Tú Trinh… Và sau lưng những tên tuổi ấy là một khoảng trống đáng để chúng ta giật mình!


Ảnh minh họa

Những năm cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, sàn diễn kịch nói cũng từng phập phồng hy vọng có một thế hệ mỹ nhân như Quách Thu Phương, Kim Oanh, Khánh Huyền, Hoàng Trinh, Hương Giang, Ngọc Trinh, Hoàng Lan, Vân Anh… Hơi tiếc nuối là họ không thể bật lên được, để thành những ấn tựơng đậm nét trong lòng người hâm mộ. Chưa kể, có vài mỹ nhân sau mấy vai diễn đã lặng lẽ quay lại hài lòng với cuộc sống đời thường như Thúy Hà của Nhà hát kịch Hà Nội hay Mai Huê của Nhà hát Tuổi Trẻ.

Chuyển sang hình thức xã hội hóa, các tụ điểm sân khấu sáng đèn liên tục, đã tạo điều kiện cho một lớp diễn viên khác phô diễn nét đẹp mỹ nhân kịch nói như Bảo Châu ở Sân khấu kịch Sài Gòn, Mỹ Uyên ở Nhà hát Sân khấu Nhỏ; Thanh Thúy, Ngọc Lan và Thanh Vân ở Sân khấu kịch Phú Nhuận; Kiều Thanh và Thu Hường ở Nhà hát kịch Hà Nội… Họ bắt đầu được khán giả chú ý, được giao những vai quan trọng và đang hồi hộp chờ cơ duyên để đột phá những hình tượng mới cho sàn diễn kịch nghệ.

Cái khó của sân khấu là diễn viên phải có một độ chín nhất định về trải nghiệm cảm xúc mới có thể hóa thân vào vai diễn một cách thuyết phục. Do đó, sự thành công ở kịch nói cần đòi hỏi thời gian và tâm huyết nhiều hơn so với màn bạc. Chúng ta có thể thấy diễn viên kịch nói dễ dàng có vai diễn trên phim ảnh, nhưng con đường ngược lại thường rất hiếm hoi. Nói thẳng ra, tính đến thời điểm này chỉ có Hồng Ánh bước sang từ vai trò diễn viên điện ảnh tương đối tìm được chỗ đứng ở lĩnh vực sân khấu. Những diễn viên điện ảnh khác như Mỹ Duyên hay Như Phúc thì sàn diễn chỉ giống như một cuộc dạo chơi đầy ngẫu hứng. Còn những người đẹp từ thời trang nhún chân bước qua như Xuân Lan hay Mai Mai thì bất kỳ đòi hỏi nào cũng quá khắt khe!

Công chúng chưa hề bi quan cho sàn diễn kịch nói, nhưng cần một chút ưu tư để nói thẳng với nhau rằng: Sân khấu đang khủng hoảng thiếu người đẹp! Đi tìm nguyên nhân cho thực trạng này không đơn giản. Tuy nhiên, ở đây không thể đổ lỗi cho… Thượng đế, và càng không thể phân bua may nhờ rủi chịu về sự phát triển của sân khấu nước nhà. NSND Hoàng Dũng, Giám đốc Nhà hát kịch Hà Nội, lý giải: “Các mỹ nhân thưa vắng trên sàn diễn, một phần do sự đãi ngộ. Bây giờ với nhan sắc ấy, tài năng ấy có thể kiếm được thu nhập cao hơn rất nhiều lần cát-xê mỗi suất diễn. Kinh tế thị trường mà, không thể trách sự tính toán chính đáng của các cô gái đẹp!”. Có lẽ, muốn thành danh mỹ nhân sàn diễn, cần một chút thiệt thòi vật chất chăng? Thực tế, rất nhiều diễn viên kịch nói phải làm thêm nghề đóng phim, chụp ảnh quảng cáo hoặc lồng tiếng mới mong giữ được tình yêu sân khấu của bản thân.

Đành rằng, đóng phim dễ nổi tiếng hơn đóng kịch, nhưng vẫn phải nêu thêm một nguyên nhân nữa cho sự thưa vắng mỹ nhân sân khấu, đó là sự khan hiếm kịch bản. Nữ nghệ sĩ hết lòng đấy, đang tuổi xuân thì đấy, nhưng làm sao thu hút khán giả với một vai diễn có tính cách lờ mờ, có số phận nhạt nhòa. Không ai đành lòng lãng phí nhan sắc cho những công việc vừa ít tiền vừa ít tiếng mà vẫn mơ hồ giá trị nghệ thuật. Mỹ nhân không chê sàn diễn, có thể cam đoan như vậy. Nếu sân khấu có một cánh cửa rộng hơn, thì mỹ nhân sẽ xuất hiện nhiều hơn khi tấm màn nhung kéo lên!

Xem thêm
Diễn viên Midu sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6

Diễn viên Midu vừa thông báo sẽ tổ chức đám cưới vào tháng 6/2024. Cô cũng đã gửi thiệp đến những người bạn thân thiết về sự kiện trọng đại này.

Real Madrid tiến sát ngôi vô địch sau trận siêu kinh điển

Dù bị Barcelona 2 lần dẫn trước nhưng Real Madrid vẫn lội ngược dòng thành công để thắng 3-2 và tiến sát ngôi vô địch La Liga.

Nhận định U23 Việt Nam vs U23 Iraq: Vượt lên chính mình

Trận đấu giữa U23 Việt Nam vs U23 Iraq trong khuôn khổ vòng tứ kết giải U23 Châu Á 2024 sẽ diễn ra vào lúc 00h30 ngày 27/4/2024 trận sân vận động Al Janoub.

Cây phong lá đỏ 115 tuổi hút du khách ở Sa Pa

LÀO CAI Cây phong lá đỏ ở Sa Pa thu hút nườm nượp du khách đến chiêm ngưỡng, chụp ảnh.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm