Người dân vùng miền núi Tuyên Hóa (Quảng Bình) chọn phát triển đàn bò thành nguồn thu nhập chính để vươn lên làm giàu…
Gia đình anh Trần Văn Viên (xã Đồng Hóa, huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) gây dựng được đàn bò gần chục con. Người nông dân chất phác ấy nhiều lần định bụng xa vợ con để đi xuất khẩu lao động. Nhưng rồi, anh quyết định ở nhà và nuôi bò để… khởi nghiệp. Khi đã gây dựng được đàn bò xem như có lưng vốn, anh mừng lắm. “Có đêm, tôi tỉnh giấc, xuống giường xỏ dép đi ra chuồng bò, bật điện sáng lên chỉ để đứng ngắm. Mỗi lần như vậy thấy lòng vui lạ”, anh Viên bộc bạch.
Đi Tây, đi Tàu cũng thua nuôi bò
Người dân xã Đồng Hóa sống dưới chân những lèn đá cao ngước mắt. Dưới chân núi là những vùng đất màu rất thuận lợi cho việc phát triển đồng cỏ để chăn nuôi trâu bò. Ông Nguyễn Tiến Nam, Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho biết, trước bà con ở đây rất nghèo. Nghèo vì ruộng đất ít, trong khi người dân chỉ có nghề nông mà không có thêm nghề phụ gì để tăng thu nhập. Vì vậy lãnh đạo địa phương đã động viên bà con phát triển chăn nuôi, chú trọng tăng trưởng đàn bò.
Những năm trước, bà con thường chăn thả bò dưới sườn núi, trong các khe cạn cho bò tự kiếm ăn và vài ngày mới đi thăm hoặc lùa bò về để kiểm đếm. Cách chăn thả rông này không mấy hiệu quả vì bò bị bệnh tật, bị mất… thường xuyên. Việc làm chuồng nuôi nhốt và thỉnh thoảng thả ra đồng khi có người chăn dắt đã được triển khai thực hiện. Ban đầu chỉ vài nhà làm, sau thấy có hiệu quả nên mọi nhà thực hiện theo.
Lúc này, huyện Tuyên Hóa có chủ trương cải tạo, đưa giống bò lai về thay thế dần giống bò cóc địa phương. Ban đầu, bà con không mấy tin tưởng vào bò lai. Nhiều người cứ kháo nhau: “Cái giống bò ngoại nhập về khó ăn khó ở lắm. Nó không được như anh bò cóc ta, cứ đội nắng đội mưa mà chẳng hề gì”.
Trong cái dè dặt, nghi ngại ấy, cũng có vài hộ mạnh dạn đi tiên phong. Rồi năm sau, những hộ tiên phong nuôi bò lai đã cho bà con thấy dễ nuôi, bò rất phàm ăn và ít ốm đau, chóng lớn, tầm vóc gấp hai, gấp ba lần bò nhà. Khi bán bê con hay bán bò trưởng thành thì giá cao như trúng mùa. Cũng thời gian nuôi, chi phí như nhau mà khi bán tiền nhiều hơn mấy lần thì ai chẳng mê.
Dần dần, chuồng trại được mở ra để nuôi bò lai và đàn bò địa phương được thay thế dần. “Sau khoảng 5 năm, xã chúng tôi đã cơ bản thay thế đàn bò cóc. Mọi gia đình đều chuyển sang nuôi bò lai nên có thu nhập cao hơn, ổn định hơn”, ông Nguyễn Tiến Nam, Chủ tịch UBND xã Đồng Hóa cho biết.
Gia đình anh Trần Văn Viên (thôn Đại Sơn, xã Đồng Hóa) là một trong những hộ đi đầu trong việc cải tạo đàn bò. Khi nuôi bò lai, anh Viên cũng đã chuẩn bị đất trồng cỏ để chủ động nguồn thức ăn cho bò. Anh Viên bảo, bà con ở đây phát triển đàn bò dựa trên nguồn thức ăn như rơm rạ, trồng cỏ, thân ngô, lõi bắp ngô sau khi lấy hạt. “Trung bình mỗi nhà nuôi khoảng chục con là vừa đủ. Khi bò mẹ sinh sản bê, để nuôi khoảng một năm thì bán lấy tiền. Nói chung là nuôi theo vòng quay, đàn bò lên khoảng 12 - 14 con sẽ bán đi khoảng 6 - 8 con để có số tiền kha khá làm vốn tích lũy. Sau vài năm, đàn bò cứ thế tăng lên và bà con lại bán đi”, anh Viên nói.
Nhà anh Viên cũng vậy, từ đàn bò ban đầu 4 con, rồi tăng dần lên hơn chục con. Mấy năm trước, khi có phong trào đi xuất khẩu lao động, anh Viên cũng suy tính lắm. Anh bàn với vợ đi vài năm, chịu khó làm ăn, tích lũy chút vốn rồi về mở mang thêm nghề phụ để cải thiện thu nhập gia đình. Khi làm hồ sơ xong thì chị Xuân (vợ anh Viên) nhỏ nhẹ bảo chồng cứ ở nhà chăn nuôi thêm mấy bò mẹ nữa thì thu nhập cũng đỡ chớ thua gì đi tây mà lại gần vợ con, rồi mưa gió, bão lũ cũng có đàn ông trong nhà cáng đáng... Thấy có lý, anh Viên thôi không đi xuất khẩu lao động nữa mà lấy vốn đó mua thêm bò mẹ sinh sản.
“Tính toán lại trong 3 năm, tôi nuôi gần chục bò sinh sản, bán bê cũng thu được gần trăm triệu đồng. Đồng tiền dồn lại thì cũng ngang ngửa với đi lao động xứ người chứ chẳng ít đâu, lại còn lợi đơn lợi kép nữa chớ. Tính ra đi tây đi tàu chi cũng thua đứt ràn (chuồng) bò của nhà tôi”, anh Viên nháy mắt cười với tôi.
Lấy chất lượng thay thế phát triển tổng đàn
Tuyên Hóa là huyện miền núi của tỉnh Quảng Bình nên có lợi thế phát triển đàn gia súc. Tuy nhiên, càng ngày việc chăn thả tự nhiên càng gặp khó vì đất rừng đã được trồng cây kinh tế, đồng cỏ tự nhiên bị co hẹp và không còn nữa.
Trong lần trao đổi với chúng tôi, ông Lê Nam Giang, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho hay, địa phương có chủ trương vận động bà con đẩy mạnh chăn nuôi, trong đó có phát triển đàn bò để phát triển kinh tế hộ gia đình. Tuy nhiên, do không thể tăng trưởng tổng đàn do các yếu tố khách quan nên huyện đã ra định hướng nâng cao chất lượng đàn bò để bù cho số lượng.
Với quyết tâm này, Tuyên Hóa đã có bước đi vững chắc trong việc nâng cao chất lượng đàn bò. Từ tổng đàn hàng năm khoảng 15 ngàn con bò giống địa phương, Tuyên Hóa tăng dần tỷ lệ đàn bò lai lên 1.000 con 3.000 con, rồi 5.000 con... Đến nay, tổng đàn bò cóc có tăng trưởng nhưng không đáng kể, trong khi tỷ lệ đàn bò lai đã lên đến gần 12 ngàn con.
Những năm gần đây, Tuyên Hóa lại có sự chuyển hướng mới với đề án phát triển đàn bò với những giống bò có chất lượng tốt hơn. Ông Cao Vũ Đăng, Phó Trưởng phòng NN-PTNT huyện Tuyên Hóa cho hay, huyện đã chủ trương đưa các giống bò mới như Brahman, Droughtmaster, Senepol, bò 3B… về nuôi mô hình điểm để so sánh kết quả thực tế và tăng nhanh số lượng, thay thế giống bò cóc địa phương, nâng cao hơn nữa thu nhập cho người dân.
“Sau phong trào bò lai, phong trào nâng cao chất lượng đàn bò đang diễn ra khá sôi nổi ở huyện Tuyên Hóa. Người chăn nuôi đã có bài học kinh nghiệm từ đàn bò lai nên rất tích cực hưởng ứng đề án của huyện”, ông Đăng nói.
Chúng tôi trở lại gia đình anh Viên khi biết được gia đình anh đã có gần 3 năm làm mô hình nuôi bò chất lượng cao trên nền đàn bò lai của gia đình. Những con bò của gia đình anh Viên cao lớn cứ gióng sừng cồm cộp vào thanh gỗ chắn trước chuồng như ý nhắc nhở chủ cho ăn. Trong khi đợi vợ đi cắt cỏ, anh Viên cầm dao đến vườn chuối chặt một cây rồi mang cả thân chuối cho vào chậu chứa thức ăn cho bò. Mấy con bò gặm xé thân chuối để ăn nghe cứ rào rạo.
Anh Viên bảo: “Trong 6 bò sinh sản này có 3 con là giống Brahman đỏ và 3 con giống 3B. Sắp tới gia đình tôi sẽ nâng tổng bò sinh sản lên 10 con. Như vậy, trung bình mỗi năm cũng có thể xuất bán từ 8 - 10 con bê chất lượng cao và cho thu nhập trên dưới 200 triệu đồng. Gia đình nào muốn ổn định kinh tế, vươn lên làm giàu thì nên bắt đầu từ đàn bò”, anh Viên vui vẻ nói như nhắn gửi.
Từ năm 2021 đến này, huyện Tuyên Hóa đã hỗ trợ cho bà con các dụng cụ, vật tư và 3.000 que tinh đông viên bò 3B và 1.000 que tinh bò khác, phối gần 2.500 con với các giống bò Brahman, Droughtmaster, Senepol, bò 3B. Số bê lai ra đời được hơn 1.400 con. Trong đó, giống bò Brahman, Senepol trên 500 con, giống bò 3B được gần 900 con.
Giống bò 3B được bà con chọn nhiều bởi lợi thế hiền lành, hay ăn và không kén chọn thức ăn. Khi trưởng thành, bò 3B có tầm vóc cao lớn. Bò đực có thể nặng đến 1.200kg, bò cái 720kg, tỷ lệ thịt xẻ đạt trên 60% trọng lượng nên được thương lái mua giá cao.