Năm 2024, thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia Giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025 (Tiểu dự án 1 của Dự án 3 về hỗ trợ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp), Trung tâm Khuyến nông tỉnh Thái Nguyên đã triển khai 2 dự án hỗ trợ chăn nuôi bò sinh sản.
Cụ thể, 74 hộ nghèo, cận nghèo tại các xã Văn Yên, Bình Thuận, Phú Lạc (huyện Đại Từ) và Tân Khánh, Tân Kim (huyện Phú Bình) được hỗ trợ 74 con bò cái lai Sind sinh sản, với tổng kinh phí trên 2 tỷ đồng. Dự án đặt mục tiêu tối thiểu 8% số hộ tham gia dự án thoát nghèo vào năm 2025.
Bò lai Sind là kết quả lai giữa bò Red Sindhi với giống bò vàng của Việt Nam. Nhờ sở hữu đặc tính phàm ăn của giống bò vàng nên thức ăn bò lai Sind rất phong phú, có sẵn tại huyện Phú Bình, Đại Từ như cỏ voi, cỏ lá tre, thân cây chuối, cây ngô, cây đậu, lá mía, rơm rạ, bèo, rau củ quả…
Trước khi bàn giao bò giống sinh sản, Trung tâm Khuyến nông tỉnh tổ chức cho các hộ đi chọn con giống và tập huấn kỹ thuật chăn nuôi, tham gia học tập kinh nghiệm thực tế tại Hợp tác xã Dịch vụ tổng hợp và Sản xuất nông nghiệp Lúa Vàng tại Bắc Giang.
Cán bộ kỹ thuật đã phổ biến những kiến thức cơ bản trong chăn nuôi bò sinh sản như: cách chọn bò cái sinh sản; phối giống cho bò; cách nuôi dưỡng và chăm sóc bò cái trong giai đoạn mang thai, giai đoạn nuôi con; cách chăm sóc, nuôi dưỡng bê theo mẹ và các kiến thức về thú y.
Gia đình ông Nguyễn Văn Tỵ tại xóm La Tú, xã Tân Khánh, huyện Phú Bình nhận hỗ trợ bò cái sinh sản theo Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững từ giữa tháng 10/2024. Dù mới nhận nuôi trong thời gian ngắn, nhưng ông Tỵ đã nắm bắt được đầy đủ kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản.
“Ngoài rơm, cỏ voi, tôi cho ăn cả cây ngô, các cây họ đậu hay đọt cây mía, thức ăn trộn sẵn và khoáng chất… để bổ sung thêm các chất dinh dưỡng cần thiết cũng như đa dạng khẩu phần ăn của vật nuôi. Thời điểm nắng nhiều, khô hanh như hiện nay, tôi luôn chuẩn bị sẵn 40-50 lít nước/ngày để bò uống”, ông Tỵ cho hay.
Theo chia sẻ của lão nông này, toàn bộ quy trình chăm sóc, phòng bệnh đều được ông ghi nhớ tại các buổi tập huấn. Ngoài việc cung cấp đa dạng các loại thức ăn, ông Tỵ luôn giữ chuồng trại khô ráo, thoáng mát, bò cái sinh sản được tiêm phòng theo quy định của cơ quan thú y.
Cũng tại xóm La Tú, bà Nguyễn Thị Tưởng là hộ nghèo được nhận hỗ trợ bò sinh sản từ tháng 10/2024. Có thể dễ dàng nhận thấy bò nhà bà Tưởng béo, khoẻ và rất lanh lợi. Cán bộ khuyến nông xã Tân Khánh nhận định, bà Tưởng là hộ chăm khéo nhất, dành hết tâm huyết cho vật nuôi hỗ trợ thoát nghèo.
“Với đặc tính bò sinh sản, tôi tập trung chăm sóc, giúp vật nuôi tăng cân, có sức đề kháng tốt. Đặc biệt tôi không để bò làm các công việc sản xuất”, bà Tưởng chia sẻ.
Cùng với việc tuân thủ quy trình chăn nuôi, bà Tưởng cũng cam kết thực hiện đầy đủ các biện pháp vệ sinh phòng bệnh, tiêm phòng vacxin, chủ động phòng bệnh truyền nhiễm trong chăn nuôi; phát hiện và chữa trị các bệnh thường gặp trong chăn nuôi bò, việc xử lý khi bò bị mắc bệnh…
Để chăn nuôi bò cái lai Sind đạt hiệu quả cao, cần cho vật nuôi ăn uống đầy đủ, không cho bò làm những công việc sản xuất nặng như cày kéo (đặc biệt cần chú ý đến tháng cuối). Tỷ lệ ăn uống mỗi ngày của bò lai Sind trong thời kỳ sinh sản: 25-30kg cỏ tươi, 2kg rơm, 1kg thức ăn tinh và cho bò mẹ uống nước muối pha loãng.
Trong thời kỳ nuôi con, cần bổ sung thêm những loại hoa quả tươi để cho bò tăng dinh dưỡng tiết sữa nuôi con. Khi có bê con, nên cho bê con ăn cỏ khô từ 2 tháng tuổi, thức ăn bao gồm cỏ tươi và các loại củ quả từ 4 tháng tuổi và cai sữa từ 6 tháng tuổi, vận động khi nắng ấm. Khẩu phần ăn mỗi ngày của bê con mỗi ngày khoảng 5-10kg cỏ tươi, lượng thức ăn tinh là 0,2-0,3kg.