| Hotline: 0983.970.780

Ổn định tổng đàn, đảm bảo nguồn cung dịp cuối năm

Thứ Tư 13/11/2024 , 16:46 (GMT+7)

TUYÊN QUANG Hơn 2 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, ngành chăn nuôi tỉnh Tuyên Quang đang tập trung các giải pháp nhằm đảm bảo nguồn thực phẩm phục vụ thị trường dịp cuối năm.

Phục vụ thị trường dịp cuối năm, người chăn nuôi ở Tuyên Quang đang tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh để ổn định tổng đàn. Ảnh: Đào Thanh.

Phục vụ thị trường dịp cuối năm, người chăn nuôi ở Tuyên Quang đang tập trung chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh để ổn định tổng đàn. Ảnh: Đào Thanh.

HTX nông nghiệp công nghệ cao Tiến Thành, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang hiện nay có hơn 6.000 con trâu, bò liên kết với các hộ nông dân và HTX trên địa bàn tỉnh chăn nuôi theo hình thức vỗ béo, phục vụ nhu cầu thị trường dịp cuối năm.

Ông Hoàng Văn Oanh, Giám đốc HTX cho biết, dịp cuối năm nhu cầu thực phẩm của thị trường dự báo tăng cao từ 10 đến 15% so với ngày thường nên HTX đã sẵn sàng chuẩn bị số lượng lớn đàn vật nuôi để kịp xuất bán đúng dịp. Dự báo từ nay đến cuối năm, giá thịt trâu, bò trên thị trường có biến động nhưng sẽ không lớn. Hi vọng khi thị trường Trung Quốc rộng mở hơn, trong năm 2025 giá trâu, bò sẽ có nhiều khởi sắc.

Bảo vệ sức khỏe của đàn gia súc, gia cầm, đảm bảo nguồn cung ổn định dịp cuối năm, Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thành phố, triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại ngành nông nghiệp; phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, thuỷ sản theo hướng sản xuất hàng hóa tập trung trang trại, gia trại, an toàn, gắn với liên kết, kết nối thị trường; hướng dẫn các tổ chức, người chăn nuôi, thực hiện những quy định trong chăn nuôi...

Gia đình chị Vũ Thị Vân, thôn Thọ Sơn, xã Chiêu Yên, huyện Yên Sơn hiện tại có hơn 120 con lợn thương phẩm, 19 con lợn nái. Phục vụ thị trường Tết Nguyên đán sắp tới, chị thực hiện tốt việc chăm sóc, tiêm phòng dịch bệnh cho đàn lợn. Hiện nay, đàn lợn thương phẩm đạt từ 30 đến 40kg/con.

Dự kiến khoảng 2 tháng nữa sẽ kịp xuất bán. Nếu giá lợn hơi dịp cuối năm tiếp tục ổn định ở mức 65.000 đồng/kg như hiện nay, thì gia đình chị sẽ có khoản tiền đáng kể để trang trải cuộc sống và phục vụ nhu cầu mua sắm những đồ dùng thiết yếu phục vụ dịp Tết Nguyên đán.

Theo khảo sát của Sở NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang, hiện nay tổng đàn trâu của tỉnh là hơn 86.700 con, đàn bò đạt gần 39.900 con, đàn lợn trên 576.800 con và hơn 7,3 triệu con gia cầm… Giá trâu thịt trâu, bò tươi trên thị trường hiện nay là 220.000 đồng/kg; giá thịt lợn là 130.000 đồng/kg; giá gà là 130.000 đồng/kg thương phẩm… Dự báo trong giai đoạn từ nay đến cuối năm, giá thịt hơi các loại có thể sẽ tăng nhẹ, tuy nhiên biến động không đáng kể.

Ông Nguyễn Đại Thành, Giám đốc Sở NN-PTNT Tuyên Quang cho biết, năm nay ảnh hưởng của bão số 3 khiến ngành chăn nuôi tỉnh Tuyên Quang có hơn 1.500 con gia súc và 8.300 con gia cầm bị thiệt hại. Sau bão số 3 đi qua, các địa phương và người chăn nuôi dần ổn định khôi phục sản xuất trở lại để phục vụ thị trường dịp cuối năm.

Các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh ngày càng được nhân rộng tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Các mô hình chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh ngày càng được nhân rộng tại Tuyên Quang. Ảnh: Đào Thanh.

Hiện nay, thời tiết đang bước vào giai đoạn chuyển mùa, cũng là thời điểm dịch bệnh trên đàn gia súc, gia cầm có nguy cơ bùng phát và lây lan. Do đó, người chăn nuôi cần có giải pháp phòng chống dịch bệnh giảm thiểu thấp nhất rủi ro, thiệt hại có thể gây ra.

Ngành NN-PTNT tỉnh Tuyên Quang phối hợp với UBND các huyện, thành phố chỉ đạo UBND cấp xã thực hiện kế hoạch phát triển chăn nuôi đi đôi với phòng, chống dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Đặc biệt, các địa phường cần chú trọng công tác giám sát, phát hiện và xử lý ổ dịch; phối hợp quản lý hoạt động của các cơ sở giết mổ động vật, sơ chế, chế biến, vận chuyển, kinh doanh động vật, sản phẩm động vật và vệ sinh thú y trên địa bàn; tổ chức hướng dẫn xây dựng các chuỗi cơ sở, chuỗi sản xuất những sản phẩm chăn nuôi an toàn sinh học, an toàn dịch bệnh...

Xem thêm
Hỗ trợ người dân xây dựng cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh

QUẢNG BÌNH Đến nay, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình đã xây dựng được 3 địa phương là vùng chăn nuôi an toàn dịch bệnh cấp xã.

Cứu cánh cho vụ mùa thất bát

HẢI PHÒNG Để đảm bảo thắng lợi cho vụ đông 2024, bù đắp lại thiệt hại do bão số 3, ngành nông nghiệp Hải Phòng đã có nhiều giải pháp cụ thể để triển khai.

Nông dân xuất sắc Việt Nam làm nông nghiệp tuần hoàn tiêu biểu ở Đất Cảng

HẢI PHÒNG Nuôi giun quế và trồng dưa lưới trong nhà màng tại Hợp tác xã Sông Giá là mô hình tiêu biểu về sản xuất nông nghiệp hữu cơ, tuần hoàn ở Hải Phòng.