| Hotline: 0983.970.780

Hơn 1.000 hộ dân được tập huấn kỹ thuật chăn nuôi nhờ sáng kiến 'Chăn Hênh'

Thứ Hai 11/11/2024 , 15:19 (GMT+7)

SƠN LA Qua 3 năm triển khai tại huyện Mai Sơn, trên 1.000 hộ dân được tập huấn về các kỹ thuật trong chăn nuôi, hỗ trợ liên kết thị trường tiêu thụ sản phẩm.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La chia sẻ về những thành quả đã đạt được của Dự án 'Chăn Hênh'. Ảnh: ĐB.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La chia sẻ về những thành quả đã đạt được của Dự án "Chăn Hênh". Ảnh: ĐB.

Sáng 11/11, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La đã phối hợp cùng Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và Liên minh Bioversity International và CIAT tổ chức chương trình tổng kết dự án “Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hoà nhập giới (SAPLING) tại tỉnh Sơn La” hay được gọi theo tiếng Dân tộc Thái là "Chăn Hênh" sau 3 năm dự án được triển khai trên địa bàn tỉnh (2022-2024).

Nông dân chăn nuôi (cả nam giới và phụ nữ) ở các xã triển khai dự án của huyện Mai Sơn được nâng cao năng lực về giống, phối giống vật nuôi, thụ tinh nhân tạo cho lợn bản, thức ăn và cây thức ăn chăn nuôi, sử dụng kháng sinh, vacxin và quản lý chuồng trại hợp lý, qua đó tăng năng suất chăn nuôi và thu nhập.

Cán bộ thú y đến tận nơi hỗ trợ tiêm phòng cho bà con chăn nuôi. Ảnh: Đức Bình.

Cán bộ thú y đến tận nơi hỗ trợ tiêm phòng cho bà con chăn nuôi. Ảnh: Đức Bình.

Đến 10/2024, Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản Sơn La đã tham mưu cho 34 đoàn chuyên gia, trong đó có 10 đoàn quốc tế, đến làm việc tại tỉnh về các nội dung dự án.

Đào tạo và tập huấn: 232 nông dân được hướng dẫn về giống và chọn giống trong chăn nuôi bò và lợn. 37 thú y viên và khuyến nông viên xã được nâng cao năng lực thú y và thụ tinh nhân tạo cho bò, lợn. 32 giảng viên ToT được đào tạo về cỏ và thức ăn chăn nuôi và 1.183 hộ tham gia tập huấn về cỏ, thức ăn chăn nuôi, khẩu phần ăn, sức khỏe vật nuôi và an ninh sinh học.

Dự án cũng hỗ trợ sản xuất 7 nhóm chăn nuôi và 1 hợp tác xã được hỗ trợ giống cỏ chăn nuôi mới và gần 100 hộ nhận hỗ trợ thụ tinh nhân tạo cho bò tại các xã dự án. Tiến hành thử nghiệm 4 mô hình trang trại và 4 mô hình cỏ chăn nuôi đã được hỗ trợ kỹ thuật, kết hợp với các giống cỏ giàu dinh dưỡng, chịu được mùa khô. Thành lập 7 nhóm sở thích và 1 hợp tác xã với hơn 120 thành viên, hướng dẫn lập kế hoạch kinh doanh, kết nối thị trường, và đào tạo về hợp đồng hợp tác.

Bên cạnh đó, đào tạo về thị trường cho 1 tổ nhóm cung cấp dịch vụ thú y và thụ tinh nhân tạo tại Mai Sơn. Các nông hộ nhỏ và thú y cơ sở được nâng cao kỹ năng về thức ăn chăn nuôi, trồng cây che phủ, và sử dụng kháng sinh, tăng năng suất và an toàn thực phẩm, góp phần tăng thu nhập và tiêu thụ sản phẩm cho người dân.

Qua đó, nông dân huyện Mai Sơn được hưởng lợi từ các mô hình chăn nuôi bền vững, chiến lược an ninh lương thực và tăng cường thực phẩm an toàn vào khẩu phần. Dự án thúc đẩy sự tham gia bình đẳng của nam, nữ, thanh niên và người dân tộc thiểu số vào các chuỗi giá trị chăn nuôi bò, lợn.

Những thành tựu mà Dự án 'Chăn Hênh' đem lại giúp bà con nông dân huyện Mai Sơn có hướng đi mới, tiếp tục phát triển bền vững. Ảnh: ĐB.

Những thành tựu mà Dự án "Chăn Hênh" đem lại giúp bà con nông dân huyện Mai Sơn có hướng đi mới, tiếp tục phát triển bền vững. Ảnh: ĐB.

Chăn nuôi gia súc, gia cầm trong tỉnh chủ yếu ở quy mô nhỏ, phân tán, ít ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ còn gặp khó khăn. Thời tiết không thuận lợi do mưa bão khiến một số hoạt động của dự án phải thay đổi kế hoạch và thời gian, ảnh hưởng đến tiến độ chung.

Dự án diễn ra trùng với mùa thu hoạch, dẫn đến việc nông dân không tham gia đầy đủ, phải điều chỉnh lịch để phù hợp hơn. Chương trình thụ tinh nhân tạo bò đối mặt với nguy cơ mai một do số lượng dẫn tinh viên giảm và diện tích chăn thả ngày càng thu hẹp, thiếu thức ăn thô xanh trong mùa khô, mùa đông.

Ông Nguyễn Ngọc Toàn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản bộc bạch: "Trình độ chuyên môn của cán bộ dự án tại các xã không đồng đều, nhiều người chưa nắm vững các hoạt động, nên việc hỗ trợ tuyên truyền và triển khai dự án còn hạn chế. Tại một số lớp tập huấn, học viên chưa thành thạo tiếng phổ thông, gây khó khăn cho giảng viên khi truyền đạt kiến thức."

“Năng suất chăn nuôi bền vững vì sinh kế, dinh dưỡng và hoà nhập giới sẽ kết thúc vào cuối năm 2024, tuy nhiên các thực hành chăn nuôi bền vững, các hoạt động tăng cường tiếng nói của phụ nữ trong sản xuất chăn nuôi do dự án triển khai sẽ tiếp tục thúc đẩy những tiến bộ trong nông nghiệp tại tỉnh Sơn La. Cam kết từ phía nông dân và các lãnh đạo địa phương cho tiềm năng phát triển nông nghiệp bền vững, giúp củng cố kinh tế nông thôn và nâng cao sinh kế của các dân tộc thiểu số ở khu vực miền núi Tây Bắc.

Bà Cầm Thị Khay, Phó Chủ tịch UBND huyện Mai Sơn, chia sẻ: “Để tiếp tục duy trì và phát huy các kết quả của Chăn-hênh trong thời gian tới, UBND sẽ tập trung mở rộng nâng cao năng lực cho cán bộ địa phương. UBND huyện sẽ mở rộng các nỗ lực hỗ trợ cho các đối tượng nghèo và cận nghèo và thường xuyên xem xét tiếp tục đánh giá, theo dõi các hoạt động dự án và điều chỉnh các chiến lược không còn phù hợp (nếu có) để duy trì hoạt động dự án một cách bền vững”.

Dự án được triển khai bởi Viện Nghiên cứu Chăn nuôi Quốc tế (ILRI) và Liên minh Bioversity International và CIAT, phối hợp với Viện Chăn nuôi (NIAS), Viện Thú y (NIVR), Viện Dinh dưỡng (NIN) và Chi cục Chăn nuôi, Thú y và Thuỷ sản tỉnh Sơn La.

Xem thêm
Kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm

KHÁNH HÒA Lực lượng thú y sẽ tăng cường kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm dịp cuối năm, nhất là cao điểm tết nhằm đảm bảo nguồn cung thịt sạch cho người dân.

Triển vọng cây ba kích tím ở vùng núi Vũ Quang

HÀ TĨNH Sau gần 2 năm thử nghiệm, mô hình trồng ba kích tím của anh Phan Đăng Vượng ở thôn 3, xã Thọ Điền (Vũ Quang, Hà Tĩnh) mang lại nhiều kết quả khả quan.

Triển khai dự án chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL

Bộ NN-PTNT đầu tư dự án nghiên cứu chuyển đổi số ngành nông nghiệp vùng ĐBSCL phục vụ phát triển nông nghiệp bền vững và thích ứng với biến đổi khí hậu.