| Hotline: 0983.970.780

Nửa triệu người Mỹ chết vì Covid-19- thảm hơn cả chiến tranh

Thứ Ba 23/02/2021 , 14:45 (GMT+7)

Hôm nay đánh dấu cột mốc buồn: hơn 500.000 người Mỹ tử vong vì Covid-19, thảm họa chết chóc được ví như như sự kiện ngày 11/9/2001 xảy ra hàng ngày trong sáu tháng liền.

Và điều đáng buồn là thảm họa này xảy ra chỉ sau hơn một năm kể từ khi đại dịch Covid-19 cướp đi nạn nhân đầu tiên ở Santa Clara, bang California.

Số người chết vì Covid-19 bằng nhiều cuộc chiến tranh

Con số người Mỹ bị thiệt mạng vì đại dịch coronavirus hiện đã gần bằng tổng số người Mỹ thiệt mạng trong Thế chiến II và hai cuộc Chiến tranh Triều Tiên và Việt Nam cộng lại. Thảm họa chết chóc mang tên Covid-19 còn được ví như như sự kiện ngày 11/9/2001 xảy ra hàng ngày trên đất Mỹ trong gần sáu tháng liền.

Theo số liệu thống kê của cơ quan y tế công cộng, tính đến ngày hôm nay cả nước Mỹ đã ghi nhận hơn 28 triệu ca nhiễm Covid-19 và đã có 500.054 người tử vong, mặc dù số ca mắc mới và số ca nhập viện hàng ngày đang có dấu hiệu giảm xuống mức thấp nhất kể từ trước lễ Tạ ơn và kỳ nghỉ Giáng sinh.

Reuters dẫn số liệu mới cập nhật cho biết, có tới 19% tổng số ca tử vong vì coronavirus trên toàn cầu xảy ra trên đất Mỹ, một con số quá lớn khi quốc gia này chỉ chiếm vỏn vẹn có 4% dân số thế giới.

"Những con số này thật đáng kinh ngạc, nhất là khi bạn nhìn lại những gì đã xảy ra. Chúng tôi đã hành xử với đại dịch tệ hơn hầu hết các quốc gia khác đã làm, cho dù chúng tôi là một quốc gia phát triển, giàu có", tiến sĩ Anthony Fauci, cố vấn về bệnh truyền nhiễm hàng đầu của Tổng thống Joe Biden nói với chương trình "Chào buổi sáng nước Mỹ" của kênh ABC News.

Hoạt động đối phó với đại dịch Covid-19 kém hiệu quả của nước Mỹ còn phản ánh sự thiếu phản ứng một cách thống nhất và đồng bộ vào năm ngoái, khi chính quyền của cựu Tổng thống Donald Trump chủ yếu để cho chính quyền các bang tự quản lý các thiết bị của họ để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe cộng đồng lớn nhất trong một thế kỷ.

Ngoài ra chưa kể tới việc người đứng đầu đất nước còn thường xuyên xung đột với các chuyên gia sức khỏe và giới khoa học hàng đầu.

Theo kế hoạch, Tổng thống Joe Biden và Phó Tổng thống Kamala Harris sẽ tổ chức lễ tưởng niệm các nạn nhân thiệt mạng vì Covid-19 vào cuối ngày hôm nay tại Nhà Trắng.

Người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki nói với các phóng viên rằng, ông Biden cũng sẽ hạ lệnh rủ quốc kỳ Mỹ và nhiều nghi lễ khác để tưởng nhớ hơn nửa triệu người dân đã tử vong trong hơn một năm vừa qua. Nhà thờ Lớn ở thủ đô Washington DC cũng sẽ thỉnh 500 hồi chuông vào tối cùng ngày trong một sự kiện được phát trực tiếp để tưởng niệm những người quá cố...

Khủng hoảng còn kéo dài

Nghiên cứu mới công bố cho biết, đại dịch coronavirus kéo dài suốt cả năm 2020 đến nay đã làm giảm tuổi thọ trung bình của người dân Mỹ đúng khoảng một năm- tỷ lệ giảm nhiều nhất kể từ Thế chiến II.

Bệnh dịch lây lan khắp đất nước từ đầu năm ngoái đã cướp đi sinh mạng của khoảng 100.000 công dân Mỹ đầu tiên vào tháng 5/2020. Sau đó, số người chết tại đây đã tăng gấp đôi vào tháng 9 khi coronavirus bùng phát và gia tăng trong những tháng mùa hè.

Vào thời điểm này nhiều người dân Mỹ đã cảm thấy quá mệt mỏi vì đại dịch, khi họ vẫn đang phải vật lộn với núi mất mát do Covid-19 gây ra, trong khi các chuyên gia y tế tiếp tục cảnh báo về một đợt bùng phát coronavirus khác trong những tháng sắp tới.

Nhiều người đã mất cha và mẹ, chồng và vợ, anh chị em và bạn bè vì coronavirus. Đối với nhiều người, nỗi đau còn bị nhân lên do không thể nhìn thấy những người thân yêu qua đời trong bệnh viện hoặc các nhà dưỡng lão do bị buộc phải tuân thủ các biện pháp giãn cách xã  hội nhằm hạn chế sự lây lan của virus.

Đến tháng 12, số người chết đã lên đến trên 300.000 người khi nước Mỹ bước vào kỳ nghỉ lễ chết chóc nhất trong lịch sử. Các trường hợp tử vong được ghi nhận từ tháng 12 năm ngoái đến tháng 2 năm nay chiếm tới 46% tổng số ca tử vong vì Covid-19 trên toàn quốc, ngay cả khi vacxin đã có và bắt đầu chiến dịch tiêm chủng cộng đồng được tiến hành .

Tuy nhiên, các chuyên gia y tế cảnh báo rằng, các biến thể coronavirus ban đầu được phát hiện ở Anh, Nam Phi và Brazil có thể sẽ gây ra một làn sóng khác đe dọa đảo ngược xu hướng tích cực gần đây.

Trong diễn biến mới nhất, ông Fauci tiếp tục cảnh báo cộng đồng hãy bớt tự mãn và kêu gọi người dân Mỹ tiếp tục tuân thủ các biện pháp y tế công cộng như đeo khẩu trang, tránh tụ tập trong khi ngành y tế chạy đua để tiêm chủng, đặc biệt là khi những biến thể virus mới dễ lây lan đang lưu hành.

Giới chuyên gia dịch tễ dự báo, nước Mỹ có thể sẽ có thêm khoảng 90.000 ca tử vong vì coronavirus trong vài tháng tới, bất chấp chiến dịch tiêm chủng cộng đồng đến mọi người.

Bác sĩ tâm lý Donna Schuurman ở Portland, bang Oregon cho biết: “Những tổn thương vẫn tiếp tục gia tăng theo cách chưa từng có trong cuộc sống của người dân. Vào những thời điểm mất mát kinh hoàng khác, như vụ khủng bố 11/9, mọi người Mỹ đã cùng nhau đối đầu với khủng hoảng và an ủi những người sống sót. Nhưng lần này, cả nước đang bị chia rẽ sâu sắc vì bệnh dịch kéo theo những khó khăn tài chính khiến nhiều người đã bị bỏ lại trong tình trạng cô lập, thậm chí không thể tổ chức nổi tang lễ".

(Reuters; AP)

Xem thêm
Tìm thấy virus dịch tả lợn châu Phi trong xác lợn rừng

Thủ phạm virus gây dịch tả lợn châu Phi (ASF) đã được phát hiện trong xác một con lợn rừng vừa được tìm thấy ở phía tây bắc Singapore.

Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.

Bình luận mới nhất