| Hotline: 0983.970.780

Nước mắt Phú Quốc: Bài 1 - Dự án 'vịt giời'

Thứ Bảy 08/06/2019 , 11:04 (GMT+7)

Ngay cửa ngõ của đảo ngọc Phú Quốc, ngay khi du khách đặt chân xuống sân bay là một đại dự án du lịch nghỉ dưỡng treo với nhiều bức xúc từ phía người dân trong suốt bao năm qua.

Ngày 15/12/2007, UBND tỉnh Kiên Giang ban hành Quyết định số 2505/QĐ-UBND về việc giao đất cho Ban quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc, tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc để thực hiện quy hoạch phát triển du lịch. Tổng diện tích đất để thực hiện dự án này là 145.823,38 m2.

Chưa đền bù cho người dân nhưng Công ty TNHH May thêu – Thương mại Lan Anh đã công khai phân lô bán nền trên mạng.

Quyết định cũng nêu rõ, giao UBND huyện Phú Quốc thu hồi đất của từng hộ gia đình cá nhân, phối hợp cùng Ban quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng và tái định cư cho các hộ gia đình bị thu hồi đất.

Tuy nhiên, quyết định này và công tác bồi thường giải phóng mặt bằng đã chìm vào lãng quên, không thể đến được tới bất kỳ người dân nào nằm trong vùng ảnh hưởng của dự án thu hồi đất này. Một dự án bất ngờ được treo trên đầu người dân ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ từ một quyết định hành chính theo kiểu ngẫu hứng.

Gần 10 năm sau khi ban hành quyết định thu hồi đất của UBND tỉnh Kiên Giang, ngày 6/10/2015, Trưởng Ban quản lý Đầu tư phát triển đảo Phú Quốc đã xem xét đề nghị xin thuê đất ngày 28/9/2015 của Công ty TNHH May thêu thương mại Lan Anh (Công ty Lan Anh), trụ sở tại 117 - 119 Trương Định, phường 7, quận 3, TP Hồ Chí Minh, ban hành Quyết định số 113, cho Công ty Lan Anh thuê đất để sử dụng vào mục đích đất thương mại dịch vụ, thực hiện dự án khu du lịch sinh thái Lan Anh resort, tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc với tổng diện tích là 145.823,38 m2.

Theo những người dân bị ảnh hưởng của dự án kiểu “vịt giời” này, từ nhiều năm qua, họ không hề nhận được bất kỳ thông báo nào về dự án thu hồi đất tại đây. Họ cũng chưa từng được thông báo về việc giải phóng mặt bằng và hỗ trợ bồi thường từ dự án.

Bà Phan Kim Lý, sinh năm 1948 (ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc) cho biết, gia đình bà đã sinh sống và khai phá mảnh đất này từ trước năm 1975. Tổng diện đất ước chừng 30.000m2 tại ấp Cửa Lấp để làm nhà ở, trồng dừa, hoa màu trên toàn bộ diện tích.

Năm 1994, chính quyền UBND xã Dương Tơ có chủ trương thành lập chợ và khu dân cư tại ấp Cửa Lấp. Chính quyền đã tới động viên gia đình bà Phan Kim Lý hiến đất, thỏa thuận sẽ cấp một nền tái định cư trong khu vực chợ. Gia đình bà Lý đã đồng ý giao 26.000m2 và được hỗ trợ 6.200.000 đồng tiền nhà cửa, hoa màu trên đất. Tuy nhiên, từ ngay hiến đất đến giờ, gia đình bà đã chờ mãi nhưng chưa bao giờ nhìn thấy chợ mọc lên, khu dân cư cũng không có.

Bất ngờ ập đến với gia đình bà khi hay tin, Công ty TNHH May thêu - Thương mại Lan Anh tiến hành triển khai thực hiện dự án ngay trên phần đất của gia đình bà.

Gia đình ông Nguyễn Hùng Kết, SN 1957 ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc, cũng tương tự khi bị chính quyền huyện Phú Quốc bác bỏ mọi quyền lợi hợp pháp trên mảnh đất của gia đình ông đang sinh sống để thu hồi, giao lại cho Công ty Lan Anh.

Phối cảnh khu du lịch sinh thái Lan Anh resort.

Theo hồ sơ, ông Nguyễn Hùng Kết đã sử dụng diện tích đất 5.920m2 trước năm 1992 sau quá trình khai hoang phục hóa nhưng đã bị chính quyền tước bỏ mọi quyền lợi chính đáng của gia đình ông.

Trên thực tế, tất cả các gia đình nông dân sống trong vùng bị thu hồi dự án của Công ty Lan Anh tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc đã sinh sống và cải tạo nên mảnh đất này từ ngay khi giải phóng miền Nam năm 1975. Họ đã cùng nhau cải tạo nên 145.823,38 m2 từ sình lầy hoang hóa để tạo dựng cuộc sống mới cho hòn đảo này.

Tuy nhiên, cuộc sống của hàng chục gia đình nông dân tại ấp Cửa Lấp, xã Dương Tơ, huyện Phú Quốc từ nhiều năm qua bị đảo lộn bởi một dự án du lịch sinh thái treo lở lửng trên đầu của họ.

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.