| Hotline: 0983.970.780

Nước sạch về bản vùng cao Bát Xát

Thứ Hai 02/11/2020 , 08:07 (GMT+7)

Gần chục năm nay, bà con vùng cao Trịnh Tường (huyện Bát Xát, Lào Cai) đã có nước dẫn tới từng hộ, đảm bảo sinh hoạt, và phòng được bệnh liên quan nguồn nước.

Từ lâu, người dân Trịnh Tường đã được sử dụng nước hợp vệ sinh tại nhà. Ảnh: V.T

Từ lâu, người dân Trịnh Tường đã được sử dụng nước hợp vệ sinh tại nhà. Ảnh: V.T

Nước sinh hoạt tới nhà hàng trăm hộ dân

Bát Xát là huyện biên giới nằm phía tây bắc tỉnh Lào Cai có nền địa hình được kiến tạo bởi nhiều dải núi cao, nổi bật là các dải núi chính tạo nên các hợp thủy sông suối như: Ngòi Phát, suối Lũng Pô, suối Quang Kim. Địa hình cao dần, hình thành 2 khu vực, trong đó vùng thấp gồm 5 xã và 1 thị trấn, vùng cao gồm 15 xã chiếm trên 70% diện tích đất toàn huyện. Địa hình ở khu vực này chia cắt mạnh, độ dốc lớn gây ảnh hưởng xấu tới sản xuất nông nghiệp và đầu tư cơ sở hạ tầng cũng như việc cung cấp nước sinh hoạt cho người dân. 

Xã Trịnh Tường cách trung tâm huyện Bát Xát khoảng 30km. Trước đây, người dân ở thôn Phố Mới 1, 2 và trung tâm xã phải đi lấy nước ở suối, ở khe để sử dụng trong sinh hoạt. Thế nhưng cách đây gần chục năm, Nhà nước đã đầu tư công trình nước sinh hoạt cho bà con sử dụng. Từ khi công trình được đưa vào hoạt động tới nay, nước đã được dẫn tới từng thôn bản, từng hộ. Có nước đảm bảo hợp vệ sinh, bà con không phải lo đi lấy nước hằng ngày.

Bà Lù Thị Thu ở thôn Phố Mới 1 cho biết, trước đây phải đi lấy nước tận đầu nguồn vất vả lắm. Từ ngày được Nhà nước đầu tư công trình nước sinh hoạt tới giờ, bà con được dùng nước thoải mái tại nhà. Thích là sử dụng nước này, không còn lo trẻ con bị tiêu chảy, bại liệt, giun sán, đau mắt nữa...

Vì vậy, mặc dù là vùng cao nhưng người dân ở thôn Phố Mới 1, 2 và quanh khu vực này đã quên dần thói quen sử dụng nước mạch, nước không đảm bảo vệ sinh. Ngoài ra, có những năm nắng nóng, khô hạn lên tới đỉnh điểm thì nguồn nước ở đây vẫn đảm bảo cho người dân sử dụng…Công trình nước  nói trên không chỉ cung cấp nước tận nhà cho gần 300 hộ dân mà còn dẫn nước tới trường học, các công sở, đồn biên phòng đóng trên địa bàn xã.

Tổ tự quản bảo dưỡng 5km đường ống nước

Sở dĩ công trình nước sinh hoạt phục vụ cho hàng trăm hộ dân ở thôn Phố Mới 1, 2 và trung tâm xã Trịnh Tường hoạt động hiệu quả trong thời gian dài là do tổ tự quản thường xuyên duy tu, sửa chữa đường ống nước khi gặp sự cố, hỏng hóc.

UBND xã giao việc quản lý công trình nước sạch cho tổ tự quản vận hành trực tiếp. Tham gia vào tổ công tác này là những người dân hưởng lợi từ công trình nước mang lại. Thành viên trong tổ được cộng đồng cư dân lựa chọn thường là người có uy tín và có kinh nghiệm trong việc sửa chữa, vận hành công trình nước.

Ông Hù Văn Tài - tổ trưởng tổ quản lý, vận hành công trình nước của thôn Phố Mới 1, 2 và trung tâm xã cho biết, tổ có 7 người, tuy đây không phải công việc chính mang lại thu nhập nhưng tất cả đều làm có trách nhiệm và nhiệt tình. Chỉ riêng việc dọn dẹp vệ sinh, bảo vệ đầu nguồn nước tổ cắt cử 2 người thường trực. Công việc tưởng đơn giản nhưng trên đầu nguồn lá cây, sỏi đá trôi vào bể rất nhiều dù có lưới chặn rác. Chưa kể, những khi mưa lũ, công việc này không chỉ nguy hiểm mà còn rất vất vả, và đôi khi phải huy động thêm người.

“Từ đồng hồ nước trở vào nhà, người dân phải chịu trách nhiệm, còn hỏng ở đâu thì tổ phải xử lý ở đó. Nhưng mà, có khi nhà người ta hỏng không biết sửa chữa như thế nào thì vẫn gọi anh em chúng tôi”, ông Tài nói. Chính vì, gần chục năm qua, công trình nước phục vụ 300 hộ dân ở xã Trịnh Tường vẫn hoạt động hiệu quả. Qua đó, góp phần nâng cao đời sống, nhận thức cho người dân.

Ông Lưu Văn Tường, Chủ tịch UBND xã Trịnh Tường cho hay, hiện nay mỗi hộ dân dùng nước đều được lắp đồng hồ để tính tiền sử dụng nước theo quy định của tỉnh.

“Việc làm này được bà con trong các thôn đồng thuận bởi như thế mới có kinh phí để duy tu, bảo dưỡng và vận hành công trình nước. Ngoài ra, còn giúp bà con nhận thức về nguồn tài nguyên nước không phải là vô tận, mà phải biết tiết kiệm, không gây ô nhiễm nước đầu nguồn và sử dụng có hiệu quả”, ông Tường nói.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm