| Hotline: 0983.970.780

Khát dưới công trình nước sinh hoạt

Thứ Sáu 11/12/2009 , 09:59 (GMT+7)

Các công trình cấp nước sinh hoạt ở huyện Đồng Xuân, thị xã Sông Cầu dù hư hại nặng bởi lũ nhưng vẫn chưa được khắc phục.

Người dân lắng lọc nước giếng ngập lũ nhiễm phèn

Từ sau trận lũ kinh hoàng tối 2/11 đến nay, các công trình cấp nước sinh hoạt ở huyện Đồng Xuân, thị xã Sông Cầu của tỉnh Phú Yên hư hại nặng vẫn chưa được khắc phục.

XÃ CÓ HAI CÔNG TRÌNH ĐỀU HỎNG

Sau lũ, công trình cấp nước sinh hoạt thôn Triêm Đức và thôn Phú Sơn thuộc xã Xuân Quang 2, huyện Đồng Xuân bị hư hỏng nặng nề. Gần 500m đường ống chôn lấp giờ nằm lộ thiên, lũ bẻ gãy dọc nứt ngang. Ông Nguyễn Văn Thời, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Quang 2, cho biết công trình cấp nước sinh hoạt thôn Phú Sơn, từ sau lũ đến nay không hoạt động được. Riêng công trình cấp nước sinh hoạt thôn Triêm Đức chỉ đáp ứng một số ít hộ dân gần đài nước, khu vực dân cư cách xa đài nuớc thì đi gánh nước giếng.

Công trình cấp nước sinh hoạt thôn Phú Sơn với tổng múc đầu tư hơn 1,1 tỉ đồng, do UBND huyện Đồng Xuân làm chủ đầu tư. Sau nhiều năm “ra sông gánh nước”, đến cuối năm 2008 công trình đưa vào sử dụng, trên 130 hộ dân thôn Phú Sơn được hưởng lợi từ công trình này. Tuy nhiên “bỏ thùng, bỏ gánh” chưa bao lâu thì nay quay lại cảnh cũ. Ông Trần Văn Hùng, một người dân ở thôn Phú Sơn, nói: “Ở đây sống dưới chân núi, trước mặt là sông nên không thể đào giếng, khát nước chỉ ra sông gánh về dùng”. Hiện tại, giếng nước của công trình lấp đầy bùn; thiết bị điện, máy bơm và trên 100 đồng hồ nước của dân bị trôi mất và hư hỏng.

Tương tự, công trình cấp nước thôn Triêm Đức sau nhiều lần sửa đi sửa lại, tháng 5/2009 nhân dân vui mừng hưởng lợi nguồn nước từu công trình. Thế nhưng trận lũ vừa qua nhiều hệ thống công trình như bể lắng, lọc và nhà vận hành chìm nghỉm trong bùn non. Sau khi được bộ đội Quân khu V giúp sức, công trình chỉ hoạt động cầm chừng, đáp ứng khoảng 50/200 hộ dân sử dụng. Tại trường tiểu học Xuân Quang 2, hằng ngày các em học sinh đi học vai đeo bi - đông đựng nước.

Công trình cấp nước sinh hoạt tự chảy thôn Cao Phong, xã Xuân Lâm, thị xã Sông Cầu có trên 600m đường ống bị lũ cuốn trôi, đập dâng bị hư hỏng. Người dân ở đây phải đi gánh nước giếng về dùng. Tuy nhiên lo ngại lớn nhất sắp tới, giếng ở đây khô cạn người dân sẽ gặp vô vàn khó khăn.

KHÓ KHĂN

Có mặt tại thôn Tân An, xã Xuân Sơn Nam (Đồng Xuân), chúng tôi chứng kiến cảnh chen nhau xách nước giếng đồng bị ngập lũ. Sau lũ các giếng đồng được cán bộ y tế thôn khử trùng thuốc Cloramin B, tuy nhiên nước giếng ở đây nhiễm phèn nặng nên hầu hết người dân cất công đi gánh nước về rồi trải qua nhiều công đoạn khử hóa chất Aquatap hoặc hóa chất keo tụ PUR lắng lọc mới có nước sạch dùng. Bà Nguyễn Thị Sương, một người dân ở đây than vãn: “Mỗi lần lắng lọc nhìn lớp bông phèn thấy rợn người”.

Ông Nguyễn Đình Lai, Phó giám đốc phụ trách Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Phú Yên cho biết: Hiện rất khó khăn về nguồn vốn khắc phục các công trình nước để phục vụ dân sinh. Trung tâm nước sạch và vệ sinh môi trường tỉnh Phú Yên cũng đã gửi tờ trình đến các cơ quan chức năng xin hỗ trợ kinh phí khẩn cấp khắc phục các công trình cấp nước tập trung nhưng cơ quan chức năng vẫn chưa trả lời.  

Xem thêm
Đổi đất sau 30 năm thành mất đất

Đổi đất không thông qua chính quyền, bà Nguyễn Thị Tới ở tổ 12, phường Tân Bình, TP Tam Điệp, tỉnh Ninh Bình được 'chỉ' mảnh đất không có giấy tờ chứng minh...

Kích điện giun đất có thể bị xử phạt tới 300 triệu đồng

Theo Luật sư Dương Lê Ước An (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), kích điện giun đất có thể bị xử phạt tối đa 300 triệu đồng hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Trường học thành nơi tập kết rơm rạ, rác thải

Trường Tiểu học và Trung học cơ sở Quang Giao (huyện Quảng Xương, Thanh Hóa) bị bỏ hoang nhiều năm, hiện đang xuống cấp nghiêm trọng, gây lãng phí lớn.

Thái Nguyên: Câu chuyện bi thảm của một vận động viên

Đó là câu chuyện về số phận bi thảm của anh Nguyễn Hồng Quang xóm Phả Lý, xã Văn Hán, huyện Đồng Hỷ, tỉnh Thái Nguyên khi không may bị phóng điện tại nương chè.