| Hotline: 0983.970.780

Công trình nước sạch trong rừng phục vụ hàng trăm hộ dân

Thứ Năm 24/09/2020 , 08:29 (GMT+7)

Việc bảo dưỡng, quản lý hiệu quả công trình nước sinh hoạt ở thôn Tiên Phong – Tòng Già đã giúp hàng trăm hộ dân được sử dụng nước hợp vệ sinh.

Ông Phạm Ngọc Thanh dọn dẹp khu vực bể nước sinh hoạt của người dân Tiên Phong - Tòng Già. Ảnh: H.Đ

Ông Phạm Ngọc Thanh dọn dẹp khu vực bể nước sinh hoạt của người dân Tiên Phong - Tòng Già. Ảnh: H.Đ

Công trình nước 13 năm vẫn hoạt động tốt

Một số công trình cấp nước sinh hoạt tại thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng, Lào Cai) đã hư hỏng nặng do mưa lũ hoặc do được đầu tư từ lâu (trước 2008), nay đã xuống cấp và hoạt động kém hiệu quả. Tuy nhiên, tại đây vẫn có nhiều công trình nước sử dụng hiệu quả trong hơn chục năm, giúp cho hàng trăm hộ dân có nước hợp vệ sinh để sử dụng hằng ngày.

Công trình nước sinh hoạt tại thôn Tiên Phong – Tòng Già được đưa vào sử dụng từ năm 2007. Tới nay, công trình nước sạch này vẫn đang phục vụ tốt nhu cầu nước sinh hoạt của gần 200 hộ dân với 830 nhân khẩu sử dụng.

Ông Bùi Tiến Dũng (thôn Tòng Già) cho biết, gia đình tôi ở đây hơn chục năm rồi, nước sinh hoạt ở đây rất mạnh, thoải mái sử dụng để sinh hoạt, giặt giũ, rửa xe...

Trong thời, gian vận hành, sử dụng công trình nước sinh hoạt ở thôn Tiên Phong – Tòng Già hơn 13 năm, có lúc công trình cũng bị hỏng hóc. Tuy nhiên, bà con nhân dân đã góp tiền, ngày công và nguồn vốn hỗ trợ của nhà nước để cho tổ quản lý, vận hành nước sửa chữa khắc phục.

Bà Giàng Thị Chí (thôn Tiên Phong) cho biết, có nước về tận nhà không chỉ phục vụ cho việc nấu ăn hằng ngày mà còn giúp cho việc đảm bảo vệ sinh chung của gia đình được tốt hơn.

“Có thời điểm đường ống vỡ thì nước không đủ dùng thôi, nhưng khi ấy có người lên sửa chữa ngay nên bà con không phải lo lắng gì cả”, bà Chí nói.

Để duy trì hoạt động hiệu quả của công trình nước, ông Trần Đồng Thanh – Bí thư Chi bộ thôn Tiên Phong cho biết, trong quá trình sử dụng, chúng tôi kết hợp với chi bộ của hai thôn tuyên truyền, vận động người dân có ý thức bảo vệ công trình, đường ống nước nhằm mục đích phục vụ cho chính bà con nhân dân.

“Khi họ thấy được lợi ích của việc nước hợp vệ sinh được dẫn tới từng nhà, bà con đã nêu cao tinh thần ý thức trách nhiệm, bảo vệ tài sản chung”, ông Thanh nói.

Có nước hợp vệ sinh về tận nhà, người dân phòng tránh được các bệnh liên quan đến nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: H.Đ

Có nước hợp vệ sinh về tận nhà, người dân phòng tránh được các bệnh liên quan đến nguồn nước không đảm bảo vệ sinh. Ảnh: H.Đ

Để nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ quản lý, khai thác bảo vệ các công trình cấp nước sinh hoạt, thì mỗi thành viên cần được đào tạo, tập huấn về chuyên môn giúp nâng cao chất lượng quản lý, vận hành công trình.

Cùng nhau bảo quản, vận hành

Công trình nước sinh hoạt của thôn Tiên Phong – Tòng Già nằm cách trong rừng, cách khu vực dân cư hơn 3km đường núi. Việc đi lại để bảo quản, vận hành công trình rất nhiều khó khăn bởi đường trơn, dốc dựng đứng.

Tuy nhiên, hằng ngày, tổ bảo quản, vận hành công trình nước sinh hoạt của thôn cắt cử người lên kiểm tra toàn bộ tuyến đường ống và điều nước tới từng thôn.

Chỉ người kiểm tra mới có khoá để mở van nước. 6h tối đóng van này, mở van kia, luân phiên cấp nước cho người dân Tiên Phong, Tòng Già sử dụng đảm bảo công bằng, không để nơi thì thiếu nước, nơi thì thừa bởi tất cả đều sử dụng chung một nguồn nước.

“Căn cứ vào hiện tượng nước, chúng tôi huy động lực lượng để làm sao nước chảy đầy bể lọc và dẫn tới các thôn cho người dân sử dụng. Đảm bảo người dân có nước sử dụng hằng ngày”, ông Phạm Ngọc Thanh - Tổ trưởng Tổ quản lý, vận hành công trình nước sinh hoạt Tiên Phong – Tòng Già cho biết.

Cứ 6 tháng, bể lọc nước sẽ được vệ sinh, xả cặn bởi trong rừng có nhiều lá cây, đá vôi, cặn bám. “Chúng tôi phải vệ sinh định kỳ, bởi nếu không làm đường ống có thể tắc, và khi đó chi phí sửa chữa rất tốn kém, thời gian sửa kéo dài, người dân không có nước sử dụng. Ngoài ra, việc vệ sinh định kỳ bể còn đảm bảo nước dẫn tới nhà dân được đảm bảo vệ sinh hơn”, ông Thanh nói

Đặc biệt, nước đầu nguồn cách bể lọc tới 2km, nằm sâu trong rừng, vì vậy tổ bảo quản, vận hành bố trí riêng một người sinh sống gần đó để trực hằng ngày. Với bất kỳ sự cố nào hay có dấu hiệu phá hoại, hằng ngày đều phải báo về để có phương án xử lý, vận hành phù hợp. Chính vì cách làm trên, nên công trình nước sinh hoạt ở Tiên Phong – Tòng Già, hơn chục năm nay vẫn hoạt động tốt.

Ông Phùng Ngọc Hoàng – Phó Chủ tịch UBND thị trấn Phong Hải - trong thời gian qua, được sự chỉ đạo quan tâm của UBND huyện và các phòng ban chuyên môn của huyện, thị trấn Phong Hải được đầu tư nguồn nước hợp vệ sinh đã giúp cải thiện tình trạng vệ sinh môi trường ở khu vực nông thôn.

Việc sử dụng nước không hợp vệ sinh cho sinh hoạt hằng ngày đã giảm đáng kể, hạn chế các bệnh liên quan đến nguồn nước không hợp vệ sinh, góp phần nâng cao đời sống người dân và phát triển kinh tế xã hội khu vực nông thôn.

Xem thêm
424 hộ nghèo tỉnh Ninh Bình được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà ở

Năm 2024, tỉnh Ninh Bình sẽ hỗ trợ hơn 37 tỷ đồng xây dựng, sửa chữa nhà ở cho 424 hộ nghèo, khó khăn trên địa bàn.

Hưng Yên: Nhiều giải pháp đảm bảo vệ sinh môi trường nông thôn

Những giải pháp dưới đây vừa giúp giảm căn bản ô nhiễm môi trường, vừa tạo ra lượng lớn phân hữu cơ chất lượng tốt chăm bón cho cây trồng.

Bến Tre bán sản phẩm OCOP trên Youtube, Tiktok

Hội Nông dân Bến Tre vừa có chương trình ghi nhớ hợp tác để thúc đẩy thương mại số sản phẩm OCOP.

Bình luận mới nhất