| Hotline: 0983.970.780

Nuôi 10 bể lươn không bùn, mỗi lứa lãi trên 200 triệu đồng

Thứ Ba 06/08/2024 , 10:29 (GMT+7)

BÌNH ĐỊNH Hiện mỗi lứa anh Hưng thả nuôi 10 bể với 20.000 con lươn thương phẩm, mỗi bể rộng khoảng 5m2,sau khoảng 6 tháng nuôi cho thu hoạch khoảng 4 tấn lươn thương phẩm (200gam/con).

Sau thời gian tìm tòi, nghiên cứu, anh Nguyễn Quốc Hưng (44 tuổi) ở thôn Xuân An, xã Cát Tường (huyện Phù Cát, Bình Định) nhận thấy việc nuôi lươn không bùn khá đơn giản, thị trường tiêu thụ mạnh, giá bán khá cao nên đã mạnh dạn đầu tư vốn cải tạo chuồng trại, chọn mua con giống về nuôi. Nhờ chăm sóc đúng quy trình kỹ thuật nên lươn nuôi sinh trưởng, phát triển tốt, cho thu nhập khá.

Anh Hưng kiểm tra lươn nuôi. Ảnh: Trường Giang.

Anh Hưng kiểm tra lươn nuôi. Ảnh: Trường Giang.

Là người có thâm với nghề chăn nuôi, anh Hưng đã từng nuôi nhiều vật nuôi như heo, bò, dê, gà... nhưng không đạt hiệu quả như mong muốn do thường xuyên xảy ra dịch bệnh, giá cả bấp bênh và tốn nhiều công chăm sóc. Vì vậy anh luôn nghiên cứu để tìm đối tượng nuôi mới có hiệu quả cao, khắc phục được các hạn chế trên.

Sau thời gian tìm hiểu qua các phương tiện thông tin đại chúng và đến tham quan, học tập kinh nghiệm các mô hình nuôi lươn không bùn có hiệu quả ở các tỉnh miền Nam, cuối năm 2021, anh quyết định đầu tư vốn xây dựng bể, lắp đặt hệ thống dẫn – xử lý nước, trang thiết bị và mua con giống về nuôi.

Ban đầu, anh Hưng vào Bến Tre mua 15.000 con lươn giống về thả nuôi. Tuy nhiên do chất lượng giống không tốt và ảnh hưởng trong quá trình di chuyển nên tỷ lệ hao hụt lớn, lươn nuôi phát triển chậm, hiệu quả mang lại không cao.

Không nản chí, anh tìm mọi cách để khắc phục và nhận thấy ngoài nắm vững kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh thì con giống đóng vai trò quan trọng nên ông quyết định tự sản xuất giống tại chỗ. Từ số lươn nuôi thương phẩm, anh chọn ra gần 300kg lươn chất lượng để nuôi sinh sản.

Anh Hưng chăm sóc lươn giống giai đoạn nuôi dưỡng. Ảnh: Trường Giang.

Anh Hưng chăm sóc lươn giống giai đoạn nuôi dưỡng. Ảnh: Trường Giang.

Rút kinh nghiệm qua thực tế và học hỏi từ những người nuôi có hiệu quả, anh Hưng đã thực hiện thành công quy trình sản xuất lươn giống để chủ động trong nuôi lươn thương phẩm. Từ số lươn sinh sản lựa chọn được, nhờ chăm sóc đầy đủ nên đã đẻ trứng đều, trứng sau khi đẻ được ông thu gom, đem ấp nở và sau 3 tháng nuôi dưỡng sẽ đưa ra bể nuôi lươn thương phẩm, sau đó nuôi tiếp khoảng 6 tháng nữa thì thu hoạch, lươn đạt trọng lượng từ 200 – 250gam/con (4 – 5 con/kg).

Hiện, mỗi lứa anh Hưng thả nuôi 10 bể với 20.000 con lươn thương phẩm, mỗi bể rộng khoảng 5m2, cao 0,6m, thả nuôi 2.000 con, sau khoảng 6 tháng nuôi cho thu hoạch khoảng 4 tấn lươn thương phẩm (200gam/con). Với giá bán hiện tại 120 nghìn đồng/kg, mỗi lứa cho tổng thu 480 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, anh Hưng thu lãi khoảng 240 triệu đồng.

Từ lươn thương phẩm, anh lựa chọn để duy trì khoảng 500kg lươn sinh sản để tạo giống, không những đáp ứng nhu cầu lươn giống của mình mà bình quân mỗi tháng còn xuất bán ra thị trường 10.000 con lươn giống với giá 4.000 đồng/con (kích cỡ 400 – 700 con/kg), thu về thêm 40 triệu đồng.

Ngoài ra, tận dụng diện tích đất đai và nguồn nước thải ra từ nuôi lươn, ông còn trồng rau quả an toàn, cây sinh trưởng phát triển tốt, sản phẩm được thị trường ưa chuộng, bán với giá cao, tạo thêm thu nhập khá cho gia đình.

Anh Hưng kiểm tra khu vực nuôi lươn đẻ. Ảnh: Trường Giang.

Anh Hưng kiểm tra khu vực nuôi lươn đẻ. Ảnh: Trường Giang.

Anh Hưng chia sẻ: "Nuôi lươn không bùn khá nhàn mà hiệu quả lại cao hơn nhiều so với các vật nuôi khác. Mỗi ngày chỉ cần cho ăn và thay nước 1 - 2 lần, thực hiện sát khuẩn định kỳ là lươn phát triển tốt. Về thức ăn, ngoài cám công nghiệp, tôi nuôi thêm cá trê lai xay làm thức ăn tươi cho lươn nên lươn lớn rất nhanh. Hiện đầu ra của lươn giống lẫn lươn thịt đều rất mạnh, sản xuất tới đâu bán hết đến đó, chủ yếu là các tỉnh miền Nam và một số huyện trong tỉnh".

Để nâng cao giá trị của lươn nuôi, hiện anh Hưng đã hoàn thành hồ sơ đề nghị tỉnh đánh giá, công nhận sản phẩm OCOP hạng 3 sao nhằm mở rộng thị trường tiêu thụ. Ngoài ra, anh cũng đang triển khai xây dựng hệ thống nuôi lươn tuần hoàn khép kín để tiết kiệm nguồn nước, giảm công chăm sóc, hạn chế dịch bệnh và tận dụng nguồn nước thải để mở rộng diện tích trồng rau, quả nhằm khai thác tối đa diện tích đất đai, tăng thu nhập.

Ngoài làm giàu cho gia đình, với kinh nghiệm và vốn hiểu biết của mình về nuôi lươn không bùn, anh Hưng còn sẵn sàng chia sẻ để mọi người học tập, áp dụng. Đã có nhiều người đến mua lươn giống, được anh hướng dẫn cách nuôi và đã áp dụng có hiệu quả.                                                             

Xem thêm
Nuôi heo Japfa là muốn nuôi tiếp

Tỷ lệ hao hụt thấp, tiêu tốn thức ăn thấp, vật nuôi tăng trưởng nhanh là những yếu tố giúp nhiều trang trại yên tâm khi chăn nuôi heo gia công cho Japfa.

Hàng chục hổ, sư tử chết do cúm A/H5N1, cần cấm khu du lịch đón khách

Dịch cúm gia cầm A/H5N1 đã gây tử vong hàng loạt con hổ, sư tử tại các vườn thú ở Long An, Đồng Nai, đe dọa sức khỏe cộng đồng và ngành chăn nuôi.

Đất khỏe - giải pháp canh tác sắn bền vững

TÂY NINH Sắn là cây trồng chủ lực tại tỉnh Tây Ninh. Trong bối cảnh đất trồng sắn bị thoái hóa, bồi bổ đất khỏe là một trong những giải pháp giúp canh tác sắn bền vững.

Bước ngoặt công nghệ chế biến giống lúa của Vinaseed Quảng Nam

Với hệ thống máy móc, dây chuyền hiện đại, những sản phẩm của Vinaseed Quảng Nam đảm bảo đạt tiêu chuẩn tốt nhất, đáp ứng được nhu cầu ngày càng khắt khe của thị trường.