| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển 2 tầng lồng, lợi ích kép

Thứ Năm 07/12/2023 , 07:58 (GMT+7)

Khánh Hòa đang triển khai mô hình nuôi biển thí điểm 2 tầng lồng, mô hình này vừa tiết kiệm diện tích mặt nước vừa phù hợp với tập quán của người nuôi tôm hùm.

Cho tôm hùm ở “nhà lầu”

Trong năm 2023, trong khuôn khổ của Đề án thí điểm phát triển nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa đã xây dựng mô hình thí điểm nuôi cá biển với lồng tròn bằng vật liệu HDPE và tôm hùm với phương thức lồng 2 tầng. Mục tiêu của mô hình là nuôi thí điểm sau đó nhân rộng, bước đầu mô hình được những hộ nuôi biển tại địa phương ủng hộ bởi đã mở ra phương thức nuôi mới, phù hợp với điều kiện thực tế.

Mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Mô hình nuôi biển công nghệ cao tại vịnh Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: KS.

Theo ông Huỳnh Kim Khánh, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa, trong năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Khánh Hòa đã phối hợp với đơn vị liên quan chọn 6 hộ triển khai mô hình nuôi biển bằng lồng HDPE theo phương thức “lồng chồng lồng” tại vùng quy hoạch nuôi biển thuộc xã Cam Lập (thành phố Cam Ranh), trong đó có 1 hộ nuôi tôm hùm và 5 hộ nuôi cá biển.

Đơn cử như hộ ông Phan Văn Thành nuôi 2 lồng tròn HDPE, đường kính mỗi lồng 13m, mỗi lồng có thể tích 800m3, nuôi ở độ sâu 6m. Giống cá bớp được ông Thành thả nuôi vào ngày 24/5/2023, hiện nay cá sinh trưởng khỏe mạnh, ăn tốt, tỷ lệ sống 100%, hiện khối lượng cá đạt 3 - 3,5 kg/con.

Mô hình nuôi biển 2 tầng lồng vừa tiết kiệm diện tích mặt nước vừa phù hợp với tập quán của người nuôi. Ảnh: KS.

Mô hình nuôi biển 2 tầng lồng vừa tiết kiệm diện tích mặt nước vừa phù hợp với tập quán của người nuôi. Ảnh: KS.

Còn hộ ông Nguyễn Minh Thơ nuôi tôm hùm xanh trong lồng vuông gồm 6 ô lồng HDPE có thể tích 1.440m3. Ông Thơ treo 2 tầng lồng sắt, tổng thể tích lồng sắt treo là 288m3. Ngày 24/5/2023 ông Thơ thả giống tôm hùm xanh, hiện tôm sinh trưởng và phát triển tốt, tỷ lệ sống 100%, trọng lượng bình quân đạt 170 - 200 g/con.

“Các hộ ông Nguyễn Văn Cư, Trần Văn Trình và Trần Văn Mỹ đều nuôi cá trong 2 lồng tròn HDPE, đường kính mỗi lồng là 13m, có thể tích 800m3/lồng, nuôi ở độ sâu 6m. Hiện nay cá nuôi của các hộ nói trên đều sinh trưởng, phát triển tốt, tỷ lệ sống 100%. Hộ ông Cư thả giống vào tháng 8/2023 nên hiện cá đạt trọng lượng bình quân 2 - 3 kg/con, còn hộ ông Trình và ông Mỹ mới giống thả giống vào tháng 10 nên hiện cá đạt trọng lượng bình quân 1 kg/con.

Riêng hộ ông Võ Văn Hóa ban đầu triển khai nuôi tôm hùm xanh trong 6 ô lồng vuông có thể tích 24 m3/ô lồng bằng vật liệu HDPE, thế nhưng sau đó ông Hóa chuyển sang nuôi cá biển, hiện cá đang phát triển rất khỏe, đạt trung bình 0,5 kg/con.

Nhiều lợi ích từ nuôi biển bằng lồng 2 tầng

Mô hình nuôi biển 2 tầng lồng được lên ý tưởng, thiết kế và xây dựng quy trình cũng như các giải pháp kỹ thuật kèm theo do PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 nghiên cứu đề xuất từ quá trình đi thực tế và nhu cầu cấp thiết ở các địa phương nuôi biển Nam Trung bộ.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, nuôi tôm hùm 2 tầng lồng vừa tiết kiệm được diện tích mặt nước, vừa phù hợp với tập quán bao đời của người dân nuôi tôm mà năng suất, sản lượng không thay đổi. Đặc biệt, hiện nay tại nhiều địa phương đã “hết” mặt nước nuôi biển, trong đó có tỉnh Phú Yên, người nuôi biển “khát” diện tích mặt nước để đặt lồng nuôi, mô hình nuôi biển 2 tầng lồng sẽ giải quyết được vấn đề này bởi tiết kiệm được diện tích mặt nước.

“Chuyển đổi mô hình nuôi theo kiểu truyền thống sang nuôi 2 tầng lồng không phải là vứt bỏ hết lồng cũ, mà hệ thống lồng nuôi cũ được tận dụng lại, đây là điều kiện thuận lợi để bà con hưởng ứng vì không phải bỏ ra chi phí ban đầu để mua lồng mới”, PGS. TS Võ Văn Nha chia sẻ.

Khánh Hòa đang triển khai mô hình nuôi biển thí điểm 2 tầng lồng tại Cam Ranh. Ảnh: KS.

Khánh Hòa đang triển khai mô hình nuôi biển thí điểm 2 tầng lồng tại Cam Ranh. Ảnh: KS.

Theo PGS.TS Võ Văn Nha, nuôi tôm hùm bằng lồng 2 tầng cần phải thay đổi vị trí cửa nắp lồng (đặt ở mặt hông) để dễ dàng cho vệ sinh lồng nuôi. Thứ đến, hệ thống lồng nuôi nằm bên dưới thường chịu áp lực về khối lượng lượng của lồng nuôi, nên hệ thống dây neo của 2 lồng phải khác nhau.

“Đặc biệt, nuôi tôm hùm 2 tầng phải được nuôi trong môi trường nước có độ sâu từ 8m nước trở lên. Khi tôm nuôi được sống trong môi trường có độ sâu lớn (cách xa bờ) sẽ tránh được sự ô nhiễm của vùng ven bờ, nên tôm sẽ ít bị dịch bệnh, sống trong môi trường nước sạch hơn, tôm sẽ phát triển tốt hơn”, PGS.TS Võ Văn Nha, Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản 3 chia sẻ.

PGS.TS Võ Văn Nha cho biết: “Nuôi lồng 2 tầng sẽ tận dụng lại hàng trăm ngàn lồng chìm cũ của bà con nuôi trước đây mà không phải tốn chi phí đóng mới. Chuyển đổi mô hình nuôi, nhưng chúng ta không bỏ hệ thống lồng nuôi cũ là việc làm vừa tiết kiệm, vừa phù hợp với tập quán nuôi tôm hùm bằng lồng chìm lâu đời của bà con vùng ven biển Nam Trung bộ. Tuy nhiên, để đánh giá hiệu quả của mô hình, cần phải làm thử nghiệm, làm thí điểm. Mô hình mới luôn khó, nhưng khó mấy cũng phải làm. Việc gì mới làm ban đầu thì cũng trải qua giai đoạn “vạn sự khởi đầu nan”, chính vì điều đó mới cần đến địa phương hỗ trợ xây dựng mô hình. Khi đã khẳng định hiệu quả thì lúc ấy người nuôi tự khắc sẽ làm theo không cần mình kêu gọi, khuyến khích, bởi với người nông dân “trăm nghe không bằng một thấy”, họ đã thấy lợi ích là làm theo ngay”.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.