| Hotline: 0983.970.780

Tháo gỡ khó khăn cho nuôi biển

Thứ Hai 27/11/2023 , 08:44 (GMT+7)

Với diện tích mặt nước biển trên 1 triệu km2, Việt Nam có tiềm năng nuôi biển lớn nhưng vẫn còn đó những vướng mắc khiến giá trị chưa thể phát huy hết.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu ra các tiềm năng và trở ngại của nuôi biển Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến nêu ra các tiềm năng và trở ngại của nuôi biển Việt Nam. Ảnh: Hồng Thắm.

Thực hiện chỉ đạo của Bộ NN-PTNT, ngày 25/11/2023, tại TP. Nha Trang, Khánh Hòa, các đơn vị Cục Thủy sản; Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường; Cục Thú y; Văn phòng Bộ NN-PTNT cùng Báo Nông nghiệp Việt Nam tổ chức Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Nuôi biển là lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, mặc dù có nhiều khó khăn trong 2 năm vừa qua, nhưng có thể nói ngành thủy sản vẫn đứng vững. Hết tháng 10/2023, sản lượng đã đạt 7,4 triệu tấn, tăng trưởng trên 3%, trong khi đó năm 2022 lĩnh vực thủy sản đã tăng trưởng 4,88%, trở thành một trụ cột quan trọng trong tăng trưởng của ngành nông nghiệp (với tỷ trọng gần 30%).

Về nuôi biển, Thứ trưởng nhấn mạnh đây là một lĩnh vực có rất nhiều tiềm năng với diện tích mặt biển trên 1 triệu km2, do đó, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 36-NQ/TW ngày 22/10/2018 về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030.

“Bên cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ cũng đã có Quyết định 1664 đặt mục tiêu sản lượng nuôi biển đến năm 2025 đạt 800.000 tấn nhưng hết năm 2022, chúng ta đã đạt được 740.000 tấn và sẽ sớm về đích mục tiêu 800.000 tấn”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết.

Lãnh đạo Bộ NN-PTNT cũng thông tin thêm, hiện nay nuôi biển đã hình thành được một số vùng nuôi công nghiệp, giống cũng phong phú và đó là những tiềm năng cần được khai thác trong bối cảnh mới, cụ thể làm giảm khai thác, tăng nuôi trồng theo chuỗi khép kín.

Từ trái qua: Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch; Thứ trưởng Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam; Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chủ trì Hội nghị 'Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam'.

Từ trái qua: Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Ngọc Thạch; Thứ trưởng Phùng Đức Tiến; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Trần Hòa Nam; Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chủ trì Hội nghị “Thực trạng cung ứng con giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam”.

Tuy nhiên, Thứ trưởng cũng nêu ra một số vấn đề của nuôi biển hiện nay, như về giống còn chưa chủ động, giống giả, kém, không rõ nguồn gốc, nhập lậu còn nhiều. Về thức ăn, vẫn dùng cua, cá là chính gây ô nhiễm môi trường.

Bên cạnh đó, quy mô nuôi còn nhỏ lẻ, manh mún, chưa có quy hoạch tổng thể, điều này tạo ra khó khăn cho giao mặt nước biển. Chưa kể, thu hoạch, chế biến cũng chưa tạo ra giá trị giá tăng lớn.

Riêng với tôm hùm, Thứ trưởng đề cập đến các yêu cầu sắp tới của Trung Quốc về con giống và đề nghị các đơn vị liên quan cần tập trung nghiên cứu và tháo gỡ.

Nhắc lại Chiến lược phát triển kinh tế biển, lãnh đạo Bộ NN-PTNT nhấn mạnh yêu cầu chuyển từ nuôi trồng, khai thác hải sản theo phương thức truyền thống sang công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao. Thúc đẩy các hoạt động nuôi trồng, khai thác hải sản bền vững... mục tiêu đưa nghề cá trở nên bền bỉ trong phấn đấu, hiện đại trong sản xuất, nâng tầm trong hội nhập và tăng tốc trong xuất khẩu.

Giải quyết vấn đề giống

“Các đối tượng nuôi chính trên biển tại Khánh Hòa là cá chẽm, cá bớp, cá chim vây vàng, tôm hùm…trong đó tôm hùm là đối tượng nuôi có giá trị kinh tế cao được khách du lịch và các thị trường nhập khẩu nước ngoài ưa thích”, ông Trần Hòa Nam, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, phát biểu tại hội nghị.

Theo ông Nam, Khánh Hòa có trên 97.000 lồng nuôi trồng thủy sản với sản lượng thủy sản nuôi hàng năm của tỉnh đạt khoảng 18.000 tấn đã tạo việc làm cho trên 4.000 lao động nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho người dân ven biển góp phần nâng cao tỷ trọng giá trị sản xuất ngành thủy sản...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam nói về những vấn đề của tỉnh với phát triển nuôi biển. Ảnh: Minh Hậu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, ông Trần Hòa Nam nói về những vấn đề của tỉnh với phát triển nuôi biển. Ảnh: Minh Hậu.

Tuy nhiên, hoạt động nuôi biển của Khánh Hòa nói riêng và Việt Nam nói chung hiện nay chủ yếu là nuôi gần bờ; nuôi với quy mô nhỏ lẻ, vật liệu lồng bè nuôi bằng gỗ truyền thống độ bền thấp, không ổn định, sử dụng thức ăn tươi… đang gây ô nhiễm môi trường và chồng chéo với việc sử dụng diện tích mặt nước với các ngành kinh tế khác dẫn tới hiệu quả không cao.

Công tác quản lý con giống chưa thực sự hiệu quả đặc biệt là đối với con giống tôm hùm và giống nuôi biển nhập khẩu dẫn tới khó khăn trong công tác quản lý, truy xuất nguồn gốc tôm hùm và sản phẩm nuôi biển đáp ứng yêu cầu thị trường hiện nay.

Do đó, ông Trần Hòa Nam nhấn mạnh đến vấn đề cần giải pháp để quản lý, kiểm soát con giống tôm hùm giống cũng như con giống nuôi biển nhập khẩu, giải pháp nuôi tôm hùm bền vững, truy xuất được nguồn gốc các sản phẩm nuôi biển nói chung và đối với con tôm hùm nói riêng, tháo gỡ khó khăn để đáp ứng được các yêu cầu của thị trường.

Xây dựng 4 vùng không gian ven biển phục vụ nuôi trồng thủy sản

Chia sẻ tại hội nghị, ông Nguyễn Thanh Huyên, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ TN-MT) cho biết, đến hết năm 2018, việc giao khu vực biển để nuôi trồng thủy sản (NTTS) cơ bản được thực hiện theo quy định về giao đất có mặt nước ven biển, giao mặt nước biển để NTTS của Luật Thủy sản năm 2003 và Luật Đất đai năm 2003, đây là cơ sở quan trọng để xây dựng mã số vùng nuôi cho lĩnh vực thủy sản.

Tuy nhiên, theo số liệu báo cáo của Sở TN-MT các địa phương có biển, đến hết tháng 12/2022, việc giao khu vực biển để NTTS vẫn còn chậm, hầu như các địa phương chưa giao được khu vực biển nào để NTTS.

Liên quan đến vấn đề quy hoạch, đại diện Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đưa ra kiến nghị xây dựng 4 vùng không gian ven biển cho hoạt động NTTS.

Cụ thể bao gồm: Vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Hồng; Vùng ven biển và biển khu vực Bắc Trung bộ và Duyên hải miền Trung (Vùng biển Bắc Trung bộ và Duyên hải Trung bộ); Vùng ven biển và biển khu vực Đông Nam bộ; Vùng ven biển và biển khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (Vùng biển Tây Nam bộ).

Lắng nghe ý kiến từ phía đại diện Bộ TN-MT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến đề nghị xem xét về công tác xây dựng quy hoạch và tổ chức thực thi tại các địa phương. Qua đó, Thứ trưởng đề xuất Bộ TN-MT phối hợp với Bộ NN-PTNT và các bộ, ngành liên quan để giảm bớt thủ tục hành chính cũng như đưa các quy định đến được với nhân dân.

Xem thêm
Liên kết sản xuất để khai thác thế mạnh ngành tôm

NGHỆ AN Ngành tôm Việt Nam đạt được bước tiến dài trên trường quốc tế nhưng chưa khai thác hết tiềm năng sẵn có, đòi hỏi phải đẩy mạnh hơn nữa các chuỗi liên kết.

Chấn chỉnh khai thác thủy sản hồ Sơn La

SƠN LA Từ đầu năm 2024 đến nay, UBND các xã của huyện Quỳnh Nhai đã tổ chức gần 70 đợt kiểm tra, chấn chỉnh việc khai thác thủy sản trái phép.

Nữ giám đốc hợp tác xã đưa nước mắm xuất sang Úc

HÀ TĨNH Sau hơn 3 năm chuyển sang hoạt động theo mô hình hợp tác xã, nữ giám đốc 9x ở Hà Tĩnh đã đưa thương hiệu nước mắm Phú Sáng vươn thị trường quốc tế.

Hỗ trợ trực tiếp cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển

Cà Mau Ngày 20/10, Báo Pháp luật TP Hồ Chí Minh phối hợp Chi cục Kiểm ngư Cà Mau, các nhà tài trợ, tổ chức chương trình 'Cùng ngư dân thắp sáng đèn trên biển'.