| Hotline: 0983.970.780

Nuôi biển trước thách thức biến đổi khí hậu [Bài 4] Chuyển đổi sang lồng HDPE

Thứ Năm 28/04/2022 , 11:54 (GMT+7)

Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đã giao Sở NN-PTNT xây dựng chính sách và lộ trình hỗ trợ người nuôi chuyển đổi sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE.

Khánh Hòa có rất nhiều lợi thế để nuôi biển nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Ảnh: KS.

Khánh Hòa có rất nhiều lợi thế để nuôi biển nhưng chưa khai thác hết tiềm năng. Ảnh: KS.

Nuôi biển chưa tương xứng tiềm năng

Tỉnh Khánh Hoà có nhiều lợi thế về phát triển nuôi biển với chiều dài đường biển 385km với 200 hòn đảo lớn nhỏ, nhiều đầm, vịnh như vịnh Vân Phong, vịnh Cam Ranh, vịnh Nha Trang, đầm Nha Phu.

Đây cũng là địa phương tập trung nhiều cơ sở đào tạo và nghiên cứu về biển như Đại học Nha Trang, Viện Hải dương học Nha Trang, Viện Nghiên cứu Nuôi trồng thủy sản III...với hoạt động nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ khá phát triển, đã chủ động sản xuất được nhiều giống mới, hoàn thiện nhiều quy trình nuôi tiên tiến cho năng suất cao, thuận lợi cho phát triển thuỷ sản.

Không những thế, Khánh Hoà là một trong những địa phương sản xuất giống thủy sản lớn tại khu vực miền Trung. Đối tượng giống thủy sản sản xuất đa dạng gồm nhiều loài hải đặc sản có giá trị kinh tế cao như: tôm sú và tôm chân trắng, ốc hương, cá biển, tu hài, cua, hải sâm…

Nguồn giống thủy sản của Khánh Hòa không chỉ cung cấp cho nhu cầu của địa phương mà còn xuất đi các tỉnh miền Tây, các tỉnh phía Bắc như Cà Mau, Bến Tre, Long An, TP. HCM, Bình Thuận, Nghệ An, Hải Phòng, Quảng Ninh…

Hiện người nuôi lồng bè bằng gỗ dễ bị thiệt hại khi bão đổ bộ. Ảnh: KS.

Hiện người nuôi lồng bè bằng gỗ dễ bị thiệt hại khi bão đổ bộ. Ảnh: KS.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa nhìn nhận, các vùng nuôi lồng bè hiện trên địa bàn chủ yếu gần bờ và ven đảo nằm trong các đầm, vịnh. Ngư dân nuôi biển trong tỉnh chủ yếu nuôi theo quy trình truyền thống, quy mô nhỏ, hầu hết lồng nuôi làm từ vật liệu gỗ, không chịu được sóng gió lớn.

Việc nuôi lồng bè kiểu truyền thống của ngư dân hiện cũng chưa thích ứng với biến đổi khí hậu. Một số đối tượng chưa có quy trình nuôi chuẩn hoặc chưa được nghiên cứu nuôi thử nghiệm, đa số ngư dân sử dụng thức ăn tươi, mật độ nuôi tại các vùng nuôi chưa đảm bảo dẫn đến môi trường nuôi bị ô nhiễm; khoa học công nghệ trong sản xuất giống còn hạn chế, chưa chủ động hoàn toàn về con giống sản xuất nhân tạo, con giống sản xuất chưa đáp ứng được nhu cầu nuôi thương phẩm.

Nuôi biển cần vốn đầu tư lớn, thời gian nuôi dài nhưng sự tham gia của các doanh nghiệp lớn còn ít; trong khi đó lao động tham gia nuôi biển thiếu hiểu biết về khoa học kỹ thuật và hạn chế về ý thức giữ gìn, bảo vệ môi trường vùng nuôi.

Tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ người nuôi chuyển đổi lồng nuôi bằng gỗ sang lồng HDPE để thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: LK.

Tỉnh sẽ xây dựng chính sách hỗ trợ người nuôi chuyển đổi lồng nuôi bằng gỗ sang lồng HDPE để thích ứng biến đổi khí hậu. Ảnh: LK.

Chuyển đổi sang lồng HDPE

Để giải quyết những tồn tại, hạn chế đó trên, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết, trước mắt, tỉnh sẽ ban hành văn bản xác định các khu vực nuôi trồng thủy sản trên biển địa bàn tỉnh để có cơ sở thống kê, sắp xếp lại số lượng lồng bè tại các vịnh, đầm.

Sau đó, tỉnh xem xét ban hành các quy chuẩn kỹ thuật địa phương về vật liệu sử dụng làm phao nổi đối với lồng bè nuôi trồng thủy sản trên biển tại tỉnh nhằm chuyển đổi lồng bè truyền thống sang lồng sang lồng nuôi sử dụng vật liệu phù hợp.

Bên cạnh đó, hiện tỉnh Khánh Hòa đã giao Sở NN-PTNT xây dựng chính sách và lộ trình hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu mới HDPE có khả năng chống chịu với sóng gió, thích ứng với biển đổi khí hậu, đảm bảo điều kiện an toàn thủy sản nuôi, bảo vệ môi trường sinh thái.

Ngoài ra, tại kế hoạch 10823/KH-UBND ngày 28/10/2021 của UBND tỉnh về Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh cũng đã đề cập đến các nhiệm vụ, giải pháp nhằm hỗ trợ đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao phục vụ công tác quản lý, nghiên cứu và sản xuất cho nuôi biển.

Liên quan về kế hoạch này, người đứng đầu UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết thêm đối với vùng ven bờ, tỉnh Khánh Hòa sẽ thực hiện giao mặt nước biển cho người dân theo Điều 44, Luật Thủy sản 2017 để người nuôi trồng thủy sản yên tâm đầu tư sản xuất ổn định đời sống.

Cùng với đó tuyên truyền hướng dẫn chuyển đổi từ hình thức nuôi bằng lồng bè gỗ truyền thống sang lồng bằng vật liệu mới (HDPE) chịu được sóng gió, đảm bảo an toàn và mỹ quan kết hợp với mô hình du lịch biển. Đồng thời, nuôi các loại giống mới có giá trị kinh tế, các sản phẩm chủ lực, kết hợp nuôi đa loài để tăng hiệu quả vừa giảm ô nhiễm môi trường.

Thu hoạch cá bớp trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: LK.

Thu hoạch cá bớp trên vịnh Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa. Ảnh: LK.

Đối với vùng biển hở, tỉnh sẽ kêu gọi các doanh nghiệp có kinh nghiệm có tiềm lực đầu tư nuôi công nghiệp bằng lồng bè hiện đại để tăng nhanh hơn nữa sản lượng nuôi công nghiệp; đồng thời đẩy mạnh nghiên cứu áp dụng khoa học kỹ thuật và trong nuôi thương phẩm.

Cùng với đó tỉnh Khánh Hòa cũng sẽ định hướng sản xuất, nuôi trồng thủy sản chủ lực của tỉnh chuyển nhanh sang sản xuất thủy sản hàng hóa, nâng cao giá trị các loài thủy sản trên đơn vị diện tích, truy xuất được nguồn gốc, đảm bảo nguyên liệu cho công nghiệp chế biến, xuất khẩu.

Đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng các vùng nuôi trồng thủy sản tập trung; phát triển các vùng nuôi trồng thủy sản theo hướng trang trại, công nghiệp, gắn với chế biến. Ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trong nuôi trồng thủy sản, đảm bảo an toàn dịch bệnh vừa nâng cao hiệu quả kinh tế. Nghiên cứu, đánh giá việc sử dụng thức ăn trong thủy sản lồng bè hiện nay.

Cũng như hình thành các tổ liên kết nuôi trồng thủy sản tiến tới thành lập các Hợp tác xã trong nuôi trồng thủy sản và liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm để ổn định thu nhập cho người dân.

Đẩy mạnh nuôi biển công nghiệp

Với định hướng nuôi biển ở Khánh Hòa, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, sẽ giảm dần diện tích nuôi lồng bè ven bờ, phát triển nuôi vùng biển hở công nghệ cao.

Tỉnh Khánh Hòa sẽ giảm dần diện tích nuôi lồng bè ven bờ, phát triển nuôi vùng biển hở công nghệ cao. Ảnh: KS.

Tỉnh Khánh Hòa sẽ giảm dần diện tích nuôi lồng bè ven bờ, phát triển nuôi vùng biển hở công nghệ cao. Ảnh: KS.

Bên cạnh việc xây dựng chính sách hỗ trợ ngư dân chuyển đổi lồng nuôi sử dụng vật liệu truyền thống sang lồng nuôi sử dụng vật liệu HDPE như đã nói trên, tỉnh cũng đưa ra một số giải pháp để phát triển nuôi biển quy mô công nghiệp.

Cụ thể, tỉnh sẽ thực hiện khảo sát vùng biển hở của tỉnh để xác định các vị trí tiềm năng phát triển nuôi biển, từ đó nghiên cứu, thực hiện một số mô hình nuôi biển tiên tiến thí điểm ở các vùng biển hở làm cơ sở để nhân rộng nghề nuôi biển công nghiệp gắn với bảo vệ môi trường.

Tỉnh sẽ tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển quy mô công nghiệp. Ảnh: KS.

Tỉnh sẽ tạo điều kiện thu hút doanh nghiệp đầu tư nuôi biển quy mô công nghiệp. Ảnh: KS.

Đồng thời tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các doanh nghiệp trong, ngoài tỉnh đầu tư chế tạo các thiết bị, phương tiện nuôi biển công nghiệp (lồng nuôi HDPE, phao, lưới bằng vật liệu mới, thiết bị giám sát môi trường tự động, hệ thống cho ăn thông minh…).

Tỉnh Khánh Hòa cũng đẩy mạnh thu hút các doanh nghiệp xuất giống quy mô lớn, sản xuất thức ăn công nghiệp, doanh nghiệp tổ chức hậu cần dịch vụ cho nghề nuôi biển công nghiệp theo hướng bền vững…

Cùng với đó, xây dựng cơ chế liên kết giữa hoạt động nuôi biển với các ngành kinh tế khác để cùng phát triển. Tổ chức sản xuất nuôi biển xa bờ kết hợp với quốc phòng - an ninh, đảm bảo phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo.

Ông Nguyễn Tấn Tuân, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa cho biết, tỉnh đang xây dựng Đề án thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Khánh Hòa trong đó đề xuất một số chính sách phát triển nuôi biển công nghiệp như: Chính sách về giao khu vực biển và cấp phép nuôi trồng thuỷ sản trên biển; Chính sách hỗ trợ một lần sau đầu tư đối với tổ chức, cá nhân đầu tư nuôi trồng thủy sản trên biển.

Xem thêm
Điều động 1 kíp tàu tuần tra, phòng chống khai thác IUU

Từ ngày 22/4, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu điều động 1 kíp tàu tuần tra, kiểm soát kết hợp tuyên truyền phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển do đơn vị quản lý.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.

Bình luận mới nhất

Tòa soạn chuyển cho tôi ý kiến bình luận của bạn đọc Kỳ Quang Vinh từ Cần Thơ, nguyên văn như sau: “Tôi cám ơn TS Tô Văn Trường đã có cái đầu lạnh của một người làm khoa học. Tôi thấy nội dung chính của bài báo là rất đáng suy nghĩ và làm theo. Tôi chỉ có một thắc mắc về kiểm soát lưu lượng bình quân ngày lớn nhất qua tuyến kênh là 3,6 m3/s”. Bạn đọc nên hiểu con số 3,6 m3/s chỉ là mở van âu thuyền cho nước đầy vào âu thuyền như thiết kế trong báo cáo của Campuchia. Chuyện mất nước trong bài báo tôi đã nói rõ rồi, đương nhiên hạn tháng 3-4 sẽ bị tác động lớn nhất theo tỷ lệ phần trăm vì lưu lượng thời kỳ này là thấp nhất. Lưu ý là ba kịch bản diễn giải như trường hợp 1 lưu lượng max bình quân ngày là 3,6 m3/s qua âu nghĩa là vận hành có kiểm soát theo thông báo của Campuchia. Các trường hợp 2 và 3 là vượt ra ngoài thông báo của Campuchia nghĩa là mở tự do bằng kịch bản 2 cộng gia tăng sản lượng nông nghiệp. Nhẽ ra, tôi nên viết rõ hơn là trường hợp 3 phải là như trường hợp 2 mở tự do kết hợp với gia tăng phát triển nông nghiệp. Tòa soạn cũng chuyển cho tôi bình luận của bạn đọc Nat về vị trí 3 tuyến âu, việc sử dụng nước và đánh giá chung là tác động của kênh đào Funan Techo không đáng kể đến đồng bằng sông Cửu Long. Điều tôi quan ngại nhất là khi Campuchia có ý định làm đập kiểm soát nguồn nước ở Biển Hồ hay là làm thủy điện ở sát gần biên giới Việt Nam. Trả lời bạn đọc thì mất thời gian trong khi quỹ thời gian của tôi rất eo hẹp nhưng cũng là niềm vui vì sản phẩm của mình làm ra được nhiều người quan tâm, đón đọc và bình luận. Tòa soạn cho biết ngay lúc đang buổi trưa 25/4 có gần nghìn người đang đọc bài viết của tiến sĩ Tô Văn Trường.
+ xem thêm