| Hotline: 0983.970.780

Nuôi bò lai góp sức đưa huyện miền núi Minh Hóa đi lên

Thứ Sáu 21/10/2022 , 07:25 (GMT+7)

Huyện miền núi Minh Hóa (Quảng Bình) xác định phát triển chăn nuôi bò là hướng đi chính để tăng thu nhập cho người dân, trong đó bò lai là giống chủ đạo.

Empty

Người dân huyện miền núi Minh Hóa chú trọng phát triển đàn bò lai để tăng thu nhập. Ảnh: Tâm Phùng.

Phát huy tiềm năng

Những năm qua, huyện Minh Hóa đã đưa ra các chương trình hành động thiết thực nhằm thực hiện nhiệm vụ phát triển chăn nuôi nhằm phát huy tốt tiềm năng, thế mạnh của vùng, hướng đến mục tiêu nâng cao thu nhập và cải thiện mức sống cho người dân trên địa bàn.

Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, ông Đinh Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa chia sẻ: "Nhận thấy có nhiều lợi thế để phát triển đàn gia súc, chúng tôi đã tích cực tuyên truyền, vận động người dân mạnh dạn chuyển đổi hình thức từ nuôi bò cóc sang bò lai Sind nhằm tạo đột phá trong công tác xóa đói giảm nghèo”.

Để nâng cao chất lượng đàn bò, huyện Minh Hóa đã chủ động lồng ghép các chương trình, dự án (30a, 135…) quá đó thực hiện hiệu qủa mô hình chăn nuôi bò lai Sind. Quá trình triển khai, Phòng NN-PTNT huyện đã tăng cường chỉ đạo các xã, thị trấn và hướng dẫn, khuyến khích các hộ nuôi quan tâm, nâng cao chất lượng đàn bò. Đồng thời mở nhiều lớp tập huấn thụ tinh nhân tạo bò để nâng cao trình độ kỹ thuật, trang bị thêm kiến thức cần có cho bà con nông dân.

Empty

Huyện Minh Hóa phát huy tiềm năng, thế mạnh sẵn có để nâng tổng đàn bò lai, phát triển kinh tế từ chăn nuôi. Ảnh: Tâm Phùng

Theo ông Đinh Văn Hương, Phó Chủ tịch UBND huyện Minh Hóa, địa phương đã phê duyệt hỗ trợ kinh phí cho các hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo với số tiền gần 6 tỷ đồng để triển khai tổng cộng 32 dự án chăn nuôi bò lai Sind. Căn cứ vào nhu cầu thực tiễn, các xã sẽ phân bổ đến các đối tượng tham gia đúng định mức sau: Hộ nghèo không quá 10 triệu đồng, hộ cận nghèo không quá 8 triệu đồng và hộ mới thoát nghèo không quá 6 triệu đồng, số tiền còn lại người dân đối ứng:

“Việc hỗ trợ vốn cho người dân mua bò giống đảm bảo chất lượng để phát triển chăn nuôi không chỉ giúp họ mạnh dạn thay đổi tư duy làm kinh tế, vươn lên thoát nghèo bền vững mà còn là tiền đề thúc đẩy liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị, phù hợp với yêu cầu trong xu thế mới”, ông Hương nhấn mạnh.

Bà Cao Thị Hằng, Phó trưởng Phòng NN-PTNT huyện Minh Hóa cho biết, nhờ định hướng phù hợp chỉ sau 6 năm địa phương đã nâng quy mô đàn bò lên trên 14.000 con, bao gồm 5.000 con bò lai Sind: “Nhiều xã có tổng đàn bò lai cao như Hóa Hợp, Xuân Hóa, Hồng Hóa, Trung Hóa… đây là cơ sở thúc đẩy mạnh mẽ quá trình phát triển kinh tế - xã hội theo hướng nhanh hơn, hiệu quả hơn”.

Chúng tôi cất công tìm về xã Xuân Hóa, địa phương đang dẫn đầu toàn huyện với tỷ lệ 701 bò lai Sind/tổng đàn bò 792 con. Rồi các xã khác như Hóa Hợp (570 bò lai Sind/tổng đàn bò 1.123 con), Hồng Hóa (654 bò lai Sind/1.306 con), Trung Hóa (567 bò lai Sind/1.636 con), Tân Hóa (360 bò lai Sind/746 con), Yên Hóa (478 bò lai Sind/955 con)… từ bức tranh toàn cảnh, nhận thấy tín hiệu chung vô cùng khả quan.

Empty

Nhiều hộ nghèo, cận nghèo ở huyện Minh Hóa nhờ phát triển chăn nuôi bò đã có cuộc sống ổn định, thoát nghèo. Ảnh: Tâm Phùng.

Các số liệu thống kê chỉ nói lên một phần, khác biệt phải kể đến quá trình thay đổi "chóng mặt" về tư duy, nhận thức của nhà nông. Đơn cử như trước đây, cứ sau mỗi mùa vụ là người dân lại đốt, phơi rơm rạ tràn lan ra đường đi, đồng nghĩa gi tăng nguy cơ mất an toàn giao thông. Kể từ khi đẩy mạnh phát triển nuôi giống bò lai Sind, các hộ đã chủ động thu gom, tích trữ làm thức ăn cho bò phòng thời điểm thời giá rét hay những lúc cấp bách khác.

So sánh mặt bằng chung toàn tỉnh, ông Trần Công Tám, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Quảng Bình nhìn nhận việc cải tạo chất lượng đàn bò ở huyện Minh Hóa còn khá khiêm tốn. Tuy nhiên, nếu nhìn vào mức độ tăng dân đàn bò lai Sind qua từng năm thì đây là tín hiệu đáng mừng, phù hợp với định hướng phát triển chăn nuôi của tỉnh đặt ra.

Giàu lên nhờ bò lai

Nằm trong số những hộ tiên phong nuôi bò lai Sind, ông Đinh Xuân Sòng (thôn Cây Da, xã Xuân Hóa) cho hay: “Trước đây, gia đình từng nuôi bò cóc với quy mô trên chục con mỗi lứa nhưng hiệu quả kinh tế mang lại không cao. Khoảng chục năm trở lại đây đã chuyển sang nuôi bò lai Sind với quy mô 10 con/lứa, tình hình thay đổi tức thì. Trọng lượng tối đa của một con bò cóc khi trưởng thành chỉ đạt khoảng 2 tạ/con, trong khi bò lai Sind nặng từ 4-5 tạ/con. Nếu tính theo giá thị trường, nuôi bò lai Sind thường cho hiệu quả cao gấp 2-3 lần so với nuôi bò cóc”.

Chung cách làm, các hộ Đinh Thị Thương, Đinh Dương Luận (thôn Cầu Lợi) cũng thường xuyên duy trì trên dưới 10 còn bò lai Sind/hộ, tính ra mỗi năm lãi ròng trên 150 triệu đồng từ việc bán bò.

Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số làm ăn khá giỏi trên địa bàn huyện Minh Hóa ngày càng tăng, hiện toàn huyện có hơn 200 hộ trong diện này. Đáng chú ý, trên 100 hộ có thu nhập từ 40 - 50 triệu đồng/năm, 70 hộ có thu nhập từ 70 - 150 triệu đồng/năm đến từ chăn nuôi bò.

Empty

Đời sống của bà con đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện Minh Hóa ngày càng sung túc nhờ nuôi bò lai. Ảnh: Thanh Nga

Xã Hóa Sơn vốn là vùng rẻo cao của huyện miền núi Minh Hóa. Nhiều năm trước con đường độc đạo vào Hóa Sơn phải đi qua eo Lập Cập lởm chởm đá và ngược dốc. Bà con muốn nuôi bò để phát triển kinh tế cũng không dễ. Khi bò lớn chỉ có giết thịt rồi mang đi chứ không thể lùa qua eo đá được. Từ khi tuyến đường được mở rộng, eo Lập Cập hạ thấp độ cao giúp cho việc đi lại dễ dàng hơn, đó cũng là điều kiện cần thiết để người dân manh dạn áp dụng chăn nuôi bò. Nhắc đến đây, Chủ tịch UBND xã, ông Cao Văn Tuyên hồ hởi: “Hiện đàn bò của xã đã vượt mức 600 con rồi đấy, con số này cao nhất từ trước đến nay. Nhận thấy tiềm năng vượt trội, nhiều hộ đã chủ động vay vốn, mạnh dạn đầu tư vào phát triển đàn bò, cách làm này đang đi đúng hướng”.

Sau khi tham dự các lớp tập huấn về bò lai và về chính sách cải tạo đàn bò, gia đình ông Đinh Văn Lưu (xã Hóa Sơn) đã quyết định chuyển hướng. Ban đầu chỉ mua 2 con bò cái lai Sind về nuôi, được Trạm Khuyến nông huyện tư vấn kỹ thuật và phối giống cho bò bằng phương pháp thụ tinh nhân tạo, gia đình ông Lưu lãi thêm 2 con bê lai, xuất bán mỗi con thu về hơn 15 triệu đồng.

Lấy ngắn nuôi dài, cứ thế sau quá trình đầu tư đều đặn đến nay ông Lưu đã có trong tay trên chục con bò, tổng giá trị tài sản không hề nhỏ, hàng năm chỉ việc xuất bán bê lai thôi đã đút túi trên 150 triệu đồng.

Thấy tiềm năng, hàng chục hộ khác cũng lân la, học hỏi, một trong số đó phải kể đến trường hợp của ông Đinh Văn Con: “Với nhà nông chúng tôi hiệu quả kinh tế chính là thước đó, đó là lý do gia đình chuyển từ nuôi bò địa phương sang bò lai gần 3 năm nay. Thực tế cho thấy giá bán bê lai hay bò lai lấy thịt đều tăng hơn 2 lần so với bò cóc, trong khi chi phí tương nhau, thậm chí chăm bò lai còn dễ thở hơn nhiều”, ông Con tâm đắc.

Không chỉ đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, nhiều nhà nông điển hình ở huyện miền núi Minh Hóa đã vươn mình mạnh mẽ với thu nhập cao ngất ngưỡng. Từ những điều mắt thấy tai nghe, phải thấy rằng nuôi bò lai Sind là hướng đi đúng đắn.

Xem thêm
Trách nhiệm chủ chó, mèo đang bị bỏ ngỏ

Người nuôi để chó, mèo thả rông, không rọ mõm khi chăn dắt… khiến việc chó cắn người đi đường, mất an toàn giao thông, gây mất mỹ quan ngày càng trở nên phổ biến.

Ra mắt bộ giống chè mới và giải pháp canh tác chè bền vững

PHÚ THỌ Bộ giống chè mới và các kỹ thuật canh tác chè đã được giới thiệu tại Diễn đàn 'Kết nối sản xuất và tiêu thụ chè chất lượng cao' tổ chức sáng 5/11.

Nhiều giống cây trồng và công nghệ mới phục vụ nông nghiệp đô thị

TP.HCM Nhiều giống cây trồng đã được Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Nông nghiệp công nghệ cao nghiên cứu, lai tạo thành công, chuyển giao cho nhiều đơn vị tại TP.HCM và các tỉnh.