| Hotline: 0983.970.780

Hoạt động khuyến nông ở Hà Nội dần ổn định sau sáp nhập các trạm

Thứ Ba 20/08/2024 , 10:28 (GMT+7)

Tôi tò mò về chuyện hoạt động khuyến nông của Hà Nội sẽ như thế nào sau khi chuyển giao 18 Trạm Khuyến nông cho cấp huyện quản lý nên tìm về Chương Mỹ.

Khuyến nông với việc cải tạo vùng đồi gò

Mấy chủ trang trại trồng bưởi Diễn tham gia vào mô hình thử nghiệm dùng chế phẩm sinh học Ento Pro để diệt ruồi vàng đục quả ở xã Trần Phú, huyện Chương Mỹ, TP Hà Nội khi gặp lại anh Nguyễn Văn Hùng-Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện cứ tay bắt, mặt mừng mãi. Chẳng gì họ đã quen nhau tới gần 20 năm, gắn bó  với nhau biết bao kỷ niệm buồn, vui về giống cây có múi này.

Anh Hùng trước đây là cán bộ là Phòng Nông nghiệp và PTNT mà sau đổi thành Phòng Kinh tế, phụ trách mảng trồng trọt, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Quãng từ năm 2008-2010 huyện Chương Mỹ có chủ trương cải tạo vùng đồi gò ở các xã bán sơn địa như Nam Phương Tiến, Tân Tiến, Hoàng Văn Thụ, Hữu Văn, Trần Phú vốn chuyên trồng sắn, hiệu quả kinh tế thấp, chuyển sang trồng cây ăn quả lâu năm. Đối tượng được chọn lựa là giống bưởi Diễn.

Phòng Kinh tế đã kết hợp với Viện Nghiên cứu Rau quả cùng UBND các xã vận động người dân chuyển đổi cơ cấu, chọn một số diện tích làm vườn ươm, trồng cây bưởi dại làm gốc ghép với mắt bưởi Diễn rồi cấp phát, hỗ trợ. Thấy vườn cây phát triển xanh tốt, lớn lên theo từng tháng, từng năm, bà con khấp khởi mừng trong bụng. Nhưng chẳng may mấy năm liền bưởi Diễn ra hoa mà không hề đậu quả. Hiện tượng này được bà con ví von gọi là “bưởi đặt vòng”, khiến cho nhiều chủ vườn chán nản, bỏ bê cây.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chương Mỹ kiểm tra bẫy ruồi vàng trong vườn bưởi ở xã Trần Phú. Ảnh: Dương Đình Tường.

Cán bộ Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện Chương Mỹ kiểm tra bẫy ruồi vàng trong vườn bưởi ở xã Trần Phú. Ảnh: Dương Đình Tường.

Để khắc phục tình trạng bưởi mất mùa hoặc ra quả cách năm, Sở Nông nghiệp-PTNT Hà Nội đã mời các nhà khoa học, các chuyên gia nông nghiệp cùng vào cuộc làm rõ nguyên nhân, đưa ra những giải pháp khắc phục. Đó cũng là thời điểm mà anh Hùng chuyển sang làm ở Trạm Khuyến nông huyện Chương Mỹ. Anh lại sát cánh cùng các đồng nghiệp hướng dẫn cho bà con cách thụ phấn bổ sung cho bưởi Diễn, cũng như cách không trồng thuần một giống mà trồng xen giống để chúng thụ phấn chéo. Tình trạng bưởi không đậu quả chấm dứt. Nếu so với trồng sắn trước đây thì thu nhập cây bưởi Diễn gấp 7-10 lần nên các chủ vườn ở vùng bán sơn địa rất phấn khởi khi nắm được bí quyết chủ động cho bưởi ra hoa, đậu quả.

Khi sáp nhập ba Trạm Khuyến nông, Trạm Chăn nuôi Thú y, Trạm Trồng trọt và BVTV thành Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp huyện thì vẫn là họ, đồng hành với nông dân trong việc hướng dẫn các kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh theo hướng VietGAP, hướng hữu cơ, áp dụng các chế phẩm sinh học vào sản xuất. Trong quá trình ấy, không ít hộ có của ăn của để nhờ vào cây bưởi Diễn. Huyện Chương Mỹ cũng đã hình thành được vùng trồng bưởi tập trung với diện tích cả ngàn ha, xây dựng được một số thương hiệu riêng, đưa quả bưởi tham gia vào chương trình OCOP của thành phố.

Một điều mà anh Hùng cũng như các đồng nghiệp còn trăn trở là dù mô hình trồng bưởi theo chuẩn VietGAP nhưng khi sản phẩm bán ra thị trường vẫn chỉ ngang với bưởi thông thường nên chưa thực sự khuyến khích được người dân tham gia. Thêm vào đó, mấy năm gần đây giá bưởi hạ thấp chỉ còn 5.000-7.000đ/quả lại khó bán nên các nhà vườn đang rất cần kết nối để tiêu thụ sản phẩm.

Hoạt động khuyến nông trong thời kỳ mới

Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp Chương Mỹ là một trong những đơn vị được đánh giá là hoạt động tốt nhất, được UBND huyện quan tâm nhất so với các trung tâm khác trên địa bàn Hà Nội. Sau khi thành phố chuyển giao 18 Trạm Khuyến nông về huyện quản lý nhiều người không khỏi lo lắng khi số lượng viên chức, lao động bị giảm hơn một nửa; Số cán bộ khuyến nông có năng lực, kinh nghiệm làm việc trực tiếp tại cơ sở không còn nhiều; Lực lượng hiện tại đa số là cán bộ trẻ, có nhiệt huyết nhưng chưa tích luỹ được nhiều kinh nghiệm, nhất là khi làm việc trực tiếp với nông dân. Những lo lắng ấy là hoàn toàn có cơ sở.

Thu hoạch thủy sản. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.

Thu hoạch thủy sản. Ảnh: Trung tâm Khuyến nông Hà Nội.

Tuy nhiên Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã nhận được sự quan tâm chỉ đạo thường xuyên của Thành uỷ, HĐND, UBND thành phố; Sự chỉ đạo trực tiếp của Sở NN-PTNT; Sự giúp đỡ của Trung tâm Khuyến nông Quốc gia. Nhờ đó mà hoạt động khuyến nông ở các quận, huyện, thị xã dần đã dần đi vào nề nếp, được sự ủng hộ của nông dân.

Trung tâm là đơn vị thường trực, phối hợp với các phòng ban thuộc Sở NN-PTNT, các phòng, ban của UBND huyện Phú Xuyên và các đơn vị liên quan tổ chức thành công hội thi “Người vận hành máy cấy giỏi vụ mùa năm 2024” vào ngày 26/6. Với 10 đội thi thuộc 3 huyện gồm Phú Xuyên (8 đội), Ứng Hòa (1 đội) và Thường Tín (1 đội) tham gia, đây là một trong những nội dung để đẩy mạnh tuyên truyền cho Nghị quyết số 08 của HĐND thành phố.

Trung tâm đã tổ chức được 6 diễn đàn Khuyến nông @ Nhịp cầu nhà nông. Tại mỗi diễn đàn các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các đơn vị cục, vụ, viện và chủ trang trại, nông dân tiêu biểu trên địa bàn huyện tham gia trao đổi, tư vấn những thông tin, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay; giúp nông dân tiết kiệm chi phí, thời gian tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất.

Hoạt động của khuyến nông hiện đại không chỉ là tập huấn kỹ thuật mà còn là kết nối thị trường. Đi theo hướng đó, Trung tâm đã tổ chức 1 diễn đàn Khuyến nông @ Liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp ở huyện Phúc Thọ.

Tại đây, các chuyên gia trong lĩnh vực nông nghiệp đã thông tin về vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, những mô hình thành công trong thực tiễn sản xuất. Các hộ sản xuất, kinh doanh đã được hỗ trợ tư vấn, giải đáp về đẩy mạnh kết nối tiêu thụ nông sản an toàn một cách hiệu quả nhất, giải pháp để phát triển nông nghiệp bền vững với giá trị kinh tế cao.

Thông qua diễn đàn huyện Phúc Thọ đã ký kết biên bản ghi nhớ với các tổ chức, doanh nghiệp, hiệp hội hoạt động lĩnh vực nông nghiệp; một số doanh nghiệp đã ký kết hợp tác phân phối, ghi nhớ hợp tác trong tiêu thụ sản phẩm nông sản trên địa bàn.

Trung tâm đã tổ chức 1 đoàn đi tham dự hội nghị giao ban câu lạc bộ khuyến nông đô thị và 1 đoàn học tập, trao đổi tiến bộ khoa học kỹ thuật tại tỉnh Lâm Đồng. Tham mưu Sở NN-PTNT thành lập, tổ chức đoàn cán cán bộ đi học tập, trao đổi tiến bộ khoa học kỹ thuật và tham dự lễ hội sen Đồng Tháp lần thứ II.

Anh Nguyễn Văn Hùng (phải) kiểm tra gà trong một trang trại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Anh Nguyễn Văn Hùng (phải) kiểm tra gà trong một trang trại. Ảnh: Dương Đình Tường.

Phối hợp cùng Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, Quỹ Thiện Tâm thông qua Trung tâm Khuyến nông Quốc gia khảo sát, đánh giá đề xuất của các hợp tác xã đăng ký thực hiện mô hình kinh tế nông nghiệp điển hình; Triển khai dự án phát triển nông nghiệp theo hướng hỗ trợ các mô hình nông nghiệp điển hình để phát triển kinh tế và tạo sinh kế cho các hộ nghèo khó khăn.

Các mô hình được chia thành 8 nhóm chính như: Phát triển liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm; Phát triển sản xuất rau, hoa, quả, theo hướng hữu cơ, VietGAP, ứng dụng công nghệ cao; Sản xuất nông nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, phù hợp với nhu cầu thị trường; Phát triển cơ giới hoá; Phát triển liên kết sản xuất chăn nuôi gia cầm gắn với tiêu thụ sản phẩm; Phát triển chăn nuôi gia súc theo hướng nâng cao giá trị và thích ứng với biến đổi khí hậu; Chăn nuôi lợn an toàn dịch bệnh, giảm thiểu tác động đến môi trường; Nuôi thủy sản theo phương pháp VietGap; Nuôi thủy sản áp dụng công nghệ cao; Nuôi các đối tượng thủy đặc sản khôi phục nguồn lợi thủy sản nội đồng; Nuôi thủy sản lồng bè.

Để nâng cao kiến thức cho nông dân mỗi năm Trung tâm Khuyến nông Hà Nội xuất bản khoảng 50.000 bản các loại ấn phẩm tuyên truyền chuyên ngành nông nghiệp; đồng thời phối hợp tuyên truyền với các cơ quan báo chí từ Trung ương đến thành phố.

Xem thêm
Trở thành chủ trại gà sau một cú… chết hụt

HÀ NỘI Thoát chết sau một tai nạn, anh Cận thuyết phục vợ bỏ nghề thợ xây, về nhà chăn nuôi bởi làm nông tuy mạo hiểm về kinh tế nhưng ít mạo hiểm về tính mạng.

Kiểm soát dịch bệnh gặp khó do vắng thú y cơ sở

ĐBSCL Thiếu vắng hệ thống thú y cơ sở khiến công tác phòng chống dịch, kiểm dịch, kiểm soát giết mổ, vệ sinh thú y gặp nhiều khó khăn.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất chanh dây Hoàng kim VN77

ĐẮK LẮK Công ty Cổ phần Đầu tư Vạn Hòa tổ chức hội thảo giới thiệu giống chanh dây Hoàng kim VN77 và xây dựng chuỗi liên kết xuất khẩu.

Chuyển giao giống cà phê chất lượng cao phục vụ tái canh

ĐẮK LẮK Bên cạnh công tác nghiên cứu, việc chuyển giao giống cà phê cho người dân, doanh nghiệp được Viện Khoa học kỹ thuật Nông lâm nghiệp Tây Nguyên chú trọng.

Bình luận mới nhất