| Hotline: 0983.970.780

Khuyến nông Hà Nội khẳng định tốp đầu cả nước

Thứ Hai 25/12/2023 , 17:34 (GMT+7)

Không chỉ luôn dẫn đầu với các mô hình đa dạng, tạo giá trị gia tăng mà Hà Nội còn là Chủ nhiệm Câu lạc bộ Khuyến nông đô thị với nhiều ý tưởng mới.

Thủ đô nhưng quy mô nông nghiệp gấp 2 - 3 lần một số tỉnh

Dù là Thủ đô nhưng diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội có quy mô gấp ba lần so với tỉnh Hưng Yên, Hà Nam, gấp hai lần so với tỉnh Hải Dương. Địa bàn hoạt động rộng, nông nghiệp phát triển đúng định hướng, ngoài tăng về số lượng, còn tăng về chất lượng, sản xuất theo hướng đa giá trị, an toàn, xanh, sạch và có trách nhiệm.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (ngoài cùng bên phải) tặng chữ mang thông điệp cho đội ngũ Khuyến nông Hà Nội tại hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2023 của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội diễn ra ngày 25/12/2023. Ảnh: Dương Đình Tường.

Ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia (ngoài cùng bên phải) tặng chữ mang thông điệp cho đội ngũ Khuyến nông Hà Nội tại hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2023 của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội diễn ra ngày 25/12/2023. Ảnh: Dương Đình Tường.

“Nếu nông nghiệp Hà Nội không sản xuất theo hướng an toàn sẽ không có thị trường, đó vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội. Hà Nội đã chuyển đổi tư duy sản xuất trong nông nghiệp, tạo ra được nhiều giá trị gia tăng.

Vừa rồi tôi có nghe tâm tư của cán bộ Trạm Khuyến nông huyện Mỹ Đức trước việc sắp tới phải sáp nhập thành Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp. Dù thế nào thì sức mạnh của khuyến nông là từ hệ thống, nếu không có khuyến nông viên cơ sở thì không thể làm được. Vì thế phải xây dựng quy chế phối hợp từ trung ương xuống cơ sở, hỗ trợ để tăng cường hoạt động cho khuyến nông viên cơ sở vì đây là trung tâm, là hạt nhân của hệ thống.

Tôi mong muốn Hà Nội xây dựng được đội ngũ khuyến nông chuyên nghiệp, không chỉ đơn thuần về chuyên môn mà còn về thị trường, về kết nối theo chuỗi, về chuyển đổi số. Hoạt động khuyến nông cộng đồng cần lôi kéo được các doanh nghiệp, tổ chức, đoàn thể cùng vào cuộc. Hà Nội cũng cần kết hợp hài hòa giữa phát triển nông nghiệp với đô thị”, ông Lê Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã phát biểu như vậy tại hội nghị tổng kết công tác khuyến nông năm 2023 của Trung tâm Khuyến nông Hà Nội diễn ra ngày 25/12/2023.

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội đã xây dựng và tổ chức thực hiện tổng số 18 mô hình tại 79 điểm trên địa bàn với 804 hộ, hợp tác xã tham gia. Trong đó, tiêu biểu về trồng trọt có mô hình sản xuất cúc chi gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 3ha triển khai tại thị xã Sơn Tây. Hiện cây bắt đầu cho thu hoạch, dự kiến năng suất từ 8,0 – 8,5 tấn hoa tươi/ha (tương đương 1,2 – 1,3 tấn hoa khô/ha), với giá doanh nghiệp thu mua 600 triệu đồng/tấn hoa khô, trừ toàn bộ chi phí, lợi nhuận ước đạt hơn 200 triệu đồng/ha trong thời gian khoảng 5 tháng. Kết quả đó là tiền đề cho việc quy hoạch vùng sản xuất tập trung, hình thành chuỗi sản xuất khép kín từ sản xuất đến tiêu thụ và chế biến sản phẩm cây dược liệu, đáp ứng sản xuất nông nghiệp bền vững.

Ở mô hình thâm canh bưởi theo tiêu chuẩn VietGAP quy mô 13ha do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai tại 3 điểm trên địa bàn các huyện Ba Vì, Phúc Thọ, Đan Phượng, kết quả các mẫu đất, nước tưới và mẫu sản phẩm quả được đưa đi phân tích các chỉ tiêu kim loại nặng, dư lượng thuốc BVTV và nitrat đều dưới ngưỡng theo quy định của sản xuất VietGAP. Cây sinh trưởng phát triển tốt, ít sâu bệnh, tỷ lệ quả loại 1 cao hơn, mẫu mã đẹp hơn so với sản xuất đại trà và có chứng nhận VietGAP, tạo sự yên tâm cho người tiêu dùng nên vụ thu hoạch năm nay giá bán dự kiến sẽ cao hơn so với sản xuất đại trà từ 3.000 – 5.000 đồng/quả, cho hiệu quả kinh tế cao hơn so với ngoài mô hình từ 15 – 20%.

Nhiều mô hình nuôi thủy sản do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đã phát huy hiệu quả cao, được nông dân đón nhận, nhân rộng. Ảnh: Tư liệu.

Nhiều mô hình nuôi thủy sản do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội triển khai đã phát huy hiệu quả cao, được nông dân đón nhận, nhân rộng. Ảnh: Tư liệu.

Ngoài hiệu quả kinh tế, mô hình còn đem lại hiệu quả xã hội và hiệu quả môi trường, làm thay đổi nhận thức, tạo thói quen ghi chép nhật ký cho nông dân, tạo ra sản phẩm an toàn, chất lượng, góp phần bảo vệ sức khỏe cộng đồng và môi trường sinh thái. Bên cạnh đó, khi có chứng nhận VietGAP, sẽ là tiền đề cho việc hợp tác với các nền tảng thương mại điện tử, tích hợp hệ thống truy xuất nguồn gốc (dán tem truy xuất nguồn gốc), được nhiều người tiêu dùng biết đến, thuận lợi cho việc tiêu thụ sản phẩm, tạo niềm tin với người tiêu dùng.

Mô hình chăn nuôi gà lông màu thương phẩm theo hướng VietGAP gắn với tiêu thụ sản phẩm quy mô 30.000 con gà Mía lai được Khuyến nông Hà Nội triển khai tại 7 điểm trên địa bàn các huyện Ba Vì, Ứng Hoà, Mỹ Đức, Phúc Thọ, Chương Mỹ và thị xã Sơn Tây vừa qua cũng cho kết quả rất mỹ mãn. Đàn gà có tỷ lệ sống đạt trên 96%, hiện các hộ đang xuất bán, trọng lượng trung bình trên 2,2kg/con, có chất lượng thịt thơm ngon, dai thịt; được chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học và được cấp chứng nhận VietGAP nên rất được thị trường ưa chuộng. Hoạch toán kinh tế cho thấy sau khi trừ mọi chi phí, mô hình chăn nuôi gà Mía cho lợi nhuận từ 50 - 60 triệu đồng/1.000 con, hiệu quả cao hơn 10 – 15% so với phương pháp nuôi truyền thống.

Mô hình thâm canh khoai tây vụ đông ghi nhiều dấu ấn của Khuyến nông Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Mô hình thâm canh khoai tây vụ đông ghi nhiều dấu ấn của Khuyến nông Hà Nội. Ảnh: Tư liệu.

Phát triển đi vào chiều sâu

Ngoài các mô hình mới, Hà Nội còn nổi tiếng từ lâu trong hệ thống khuyến nông với “đặc sản” quỹ khuyến nông. Số dư của quỹ đến 31/12/2022 là 213 tỷ đồng, trong đó kinh phí quỹ khuyến nông nguồn phát triển sản xuất là 156,8 tỷ đồng, kinh phí quỹ khuyến nông nguồn phát triển cơ giới hóa là 56,2 tỷ đồng. Đây là bệ đỡ cho các cá nhân, hợp tác xã trong việc mở rộng phát triển sản xuất.

Không chỉ đẩy mạnh phát triển sản xuất, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội còn tổ chức 4 diễn đàn khuyến nông @ liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp tại huyện Phú Xuyên, Mỹ Đức, Thạch Thất và thị xã Sơn Tây. Các diễn đàn đã thu hút khoảng 1.000 đại biểu tham gia, gồm các nhà quản lý, nhà khoa học, đại diện các đơn vị cục, vụ, viện, các đơn vị thuộc sở, giám đốc HTX, chủ trang trại, nông dân tiêu biểu và một số doanh nghiệp.

Tại các diễn đàn, các cơ sở sản xuất tiêu biểu có dịp giới thiệu các sản phẩm chất lượng, các doanh nghiệp phân phối có dịp tìm kiếm các cơ sở sản xuất uy tín để liên doanh liên kết, người tiêu dùng có dịp tiếp cận với các sản phẩm chất lượng, tăng cường kỹ năng nhận diện sản phẩm an toàn và kênh phân phối uy tín, từ đó đã đi đến ký kết biên bản ghi nhớ giữa các đơn vị thu mua và nhà cung cấp.

Tại các diễn đàn, 17 biên bản ghi nhớ đã được ký kết. Sau ký kết, các đơn vị, doanh nghiệp đã trực tiếp xuống làm việc với các cơ sở sản xuất để tìm hiểu thêm về sản phẩm và trao đổi về phương hướng tiêu thụ. Chính từ những biên bản ghi nhớ ban đầu, các đơn vị đã tiến hành ký kết hợp đồng mua bán, nhiều sản phẩm tìm được đầu mối tiêu thụ.

Nhịp cầu nhà nông do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức đã trở thành diễn đàn có chất lượng để nông dân kết nối với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học... Ảnh: Dương Đình Tường.

Nhịp cầu nhà nông do Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức đã trở thành diễn đàn có chất lượng để nông dân kết nối với doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước, nhà khoa học... Ảnh: Dương Đình Tường.

Năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội cũng tổ chức được 6 diễn đàn khuyến nông @ nhịp cầu nhà nông tại huyện Thường Tín, Thạch Thất, Phúc Thọ, Thanh Oai, Mê Linh, Sóc Sơn. Tại đây, người sản xuất được các nhà khoa học, nhà quản lý, các chuyên gia tư vấn, trao đổi những thông tin, kinh nghiệm trong sản xuất nông nghiệp hiện nay, qua đó giúp nông dân tiết kiệm chi phí, giảm thời gian tiếp cận và áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật phục vụ sản xuất. Qua đây, nhiều câu hỏi của nông dân trên các lĩnh vực trồng trọt - BVTV, chăn nuôi - thú y, nuôi trồng thủy sản, thông tin thị trường và các chính sách phát triển nông nghiệp… được giải đáp.

Bên cạnh đó, năm 2023, Trung tâm Khuyến nông Hà Nội tổ chức 2 tọa đàm khuyến nông với chủ để “Ứng dụng công nghệ số - chìa khóa mở cánh cửa nông nghiệp hiện đại” tại huyện Chương Mỹ và “Sản xuất xanh tiêu dùng xanh” tại Sóc Sơn để cùng chia sẻ cách tiếp cận và áp dụng công nghệ số vào sản xuất; đưa ra giải pháp để nông dân bắt nhịp với thời đại số.

Phương hướng hoạt động của Khuyến nông Hà Nội trong thời gian tới là bám sát định hướng, chỉ đạo của Trung ương và Thành phố về nông nghiệp và phát triển nông thôn; tuyên truyền chủ trương, chính sách thực hiện xây dựng nông thôn mới gắn với cơ cấu lại ngành nông nghiệp và phát triển kinh tế nông thôn; nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nông dân giai đoạn 2021 – 2025; giới thiệu các các sản phẩm nông sản chủ lực, các sản phẩm theo chuỗi trên địa bàn Thành phố...

Đồng thời chuyển giao tiến bộ kỹ thuật thông qua các mô hình trình diễn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, tăng hiệu quả kinh tế từ 10 – 20% so với ngoài mô hình.

Xem thêm
Đàn ngựa bạch của người hùng cứu trạm bơm Cống Bún

Bắc Giang Ít người biết, cha con ở Bắc Giang cứu trạm bơm Cống Bún trong trận bão Yagi hôm nào đang sở hữu đàn ngựa bạch có nguồn gốc từ Mông Cổ…

Thanh, kiểm tra đột xuất các cơ sở giết mổ động vật dịp Tết Ất Tỵ

Thời gian qua, các phương tiện thông tin truyền thông liên tục phản ánh về việc phát hiện các cơ sở giết mổ trong quá trình hoạt động vi phạm pháp luật về bảo vệ môi trường và an toàn thực phẩm.

Trường Sơn Bio tái tạo nông nghiệp sạch vì sức khỏe cộng đồng

ĐBSCL Mục tiêu của TSBIO giúp tái sinh nền đất, cải tạo môi trường nông nghiệp, sản sinh ra các sản phâm nông nghiệp hữu cơ, không còn tồn dư của các loại thuốc BVTV.

Chọn tạo thành công hàng chục dòng thuần giống cà chua Beef

Việc nghiên cứu thành công các dòng thuần cà chua Beef có ý nghĩa rất lớn để từng bước chủ động sản xuất hạt giống cà chua Beef F1 cho sản xuất trong nước.

Bình luận mới nhất