| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá chạch sụn trong bể lót bạt, nhàn mà thu nhập cao

Thứ Năm 30/05/2024 , 11:17 (GMT+7)

GIA LAI Mô hình nuôi cá chạch sụn trong bể lót bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, mở ra hướng phát triển chăn nuôi mới ở vùng Đông Trường Sơn thuộc tỉnh Gia Lai.

Với lợi thế có nhiều ao hồ, đặc biệt có hồ thủy điện An Khê với nguồn nước luôn ổn định, tháng 5/2023, Hội Nông dân xã Xuân An (thị xã An Khê, tỉnh Gia Lai) triển khai mô hình nuôi cá chạch trên địa bàn. Theo đó, Hội đã phối hợp với cơ quan chuyên môn tổ chức các lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật nuôi cá chạch cho hội viên nông dân có nhu cầu.

Sau khi tham gia lớp tập huấn và tham khảo kiến thức nuôi cá chạch từ sách báo cũng như các mô hình thực tế, tháng 6/2023, ông Nguyễn Hùng Hiệu (thôn An Xuân 3, xã Xuân An) xây dựng 9 bể nuôi chạch với kích thước dài 8m, rộng 2m, sâu 50 - 70cm, phần đáy lót bạt giữ nước. Tiếp theo, ông mua 10.000 con chạch sụn giống, trong đó thả 3.000 con xuống ao tự nhiên, số còn lại nuôi trong bể lót bạt. “Mục đích là để tìm hiểu cá chạch nuôi trong môi trường tự nhiên so với nuôi trong bể lót khác nhau ra sao”, ông Hiệu giải thích.

Vợ chồng ông Nguyễn Hùng Hiệu thu hoạch cá chạch sụn nuôi trong bể lót bạt. Ảnh: Đ.L. 

Vợ chồng ông Nguyễn Hùng Hiệu thu hoạch cá chạch sụn nuôi trong bể lót bạt. Ảnh: Đ.L. 

Sau một thời gian quan sát, ông Hiệu nhận thấy chạch nuôi trong ao tự nhiên ăn sinh vật phù du, mùn bã hữu cơ, có thể 2 - 3 ngày mới phải cho ăn. Tuy nhiên, nuôi chạch trong ao khó quản lý, khó đánh bắt và thất thoát nhiều. Còn chạch nuôi trong bể lót bạt phải thường xuyên thay nước, nhất là vào mùa nắng nóng tảo sinh sôi, phát triển nhanh thì 3 - 4 ngày phải thay nước 1 lần. Tuy nhiên cá chạch nuôi trong bể lót dễ dàng theo dõi quá trình sinh trưởng, phát triển, kịp thời phát hiện nấm bệnh gây hại và thu hoạch thuận lợi, tỷ lệ hao hụt thấp...

Để khắc phục những hạn chế khi nuôi chạch trong bể lót bạt, ông Hiệu bổ sung một số khoáng chất để nước trong bể lót giống với môi trường tự nhiên, cân bằng độ pH, đồng thời ông còn thả bèo cái vào bể nhằm tạo bóng mát, giúp chạch có chỗ ẩn nấp, hạn chế dịch bệnh lây lan.

“Cá chạch thường mắc các bệnh như đầy hơi gây phình bụng do ăn quá no, bệnh nấm mang làm khả năng hấp thụ oxy kém, chậm lớn. Do đó, phải sử dụng nguồn nước sạch, môi trường nuôi thả đảm bảo thoáng đãng để chạch sinh trưởng và phát triển ổn định”, ông Hiệu chia sẻ.

Theo ông Hiệu, cá chạch giống mua về nuôi ươm khoảng 1 tháng, sau đó lần lượt tách dần ra và thả vào các bể nuôi theo từng độ tuổi. Với cá chạch lớn, ông Hiệu nuôi 200 con/m2, cho ăn 2 lần/ngày vào sáng sớm và chiều muộn với lượng thức ăn vừa đủ. Thức ăn là cám tổng hợp và một số loại trái cây như chuối, đu đủ, bầu, bí. Nuôi 4 - 6 tháng, cá chạch đạt trọng lượng từ 20 - 30 con/kg là có thể xuất bán.

“Cá chạch thương phẩm được gia đình bán cho người dân và một số nhà hàng, quán ăn trên địa bàn Thị xã với giá 100 - 120 ngàn đồng/kg. Cá chạch sụn có xương mềm, khi kho, chiên, nướng thịt dai, ngọt thơm chẳng thua kém nuôi trong tự nhiên, được người tiêu dùng đánh giá ngon tựa cá đá sông Ba. Do nuôi số lượng có hạn nên nhiều khi không đủ bán. Sắp tới, tôi sẽ xây thêm bể để mở rộng mô hình nuôi cá chạch sụn”, ông Hiệu cho biết thêm.

Từ thành công với mô hình nuôi cá chạch sụn trong bể lót của gia đình ông Nguyễn Hùng Hiệu, không ít bà con trên địa bàn đã đến học hỏi kinh nghiệm, sau đó xây bể nuôi thử, bước đầu đã thu được những kết quả hết sức khả quan.

Sau 4 - 6 tháng nuôi, cách chạch đạt trọng lượng 20 - 30 con/kg, giá bán 100 - 120 ngàn đồng/kg. Ảnh: Đ.L. 

Sau 4 - 6 tháng nuôi, cách chạch đạt trọng lượng 20 - 30 con/kg, giá bán 100 - 120 ngàn đồng/kg. Ảnh: Đ.L. 

Cũng ở thôn An Xuân 3, xã Xuân An, từ tháng 2/2024, anh Cao Minh Diện đã mạnh dạn đầu tư vốn, mua 30.000 con cá chạch sụn giống và chia đều ra 2 bể lót bạt để nuôi. Ngoài cám tổng hợp và củ, quả, anh Diện còn cho chạch ăn trùn quế nên chúng khỏe mạnh, mau lớn.

Cá chạch là loài ăn tạp nên tôi đa dạng thức ăn cho chúng bằng các loại nông sản có sẵn trên địa bàn, gồm các loại rau củ quả không đủ tiêu chuẩn xuất bán, theo đó giảm bớt được chi phí mua thức ăn”, anh Diên chia sẻ.

Cũng theo anh Diên, ngoài thức ăn, anh còn đặc biệt chú trọng đến nguồn nước, chỉ lấy nước từ hồ thủy điện An Khê vào bể nuôi hoặc bơm nước giếng đã qua xử lý. Do đó, đàn cá chạch của gia đình anh luôn sinh trưởng và phát triển tốt.

Đánh giá về mô hình nuôi cá chạch sụn trên địa bàn, bà Đặng Thị Thúy Đào, Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân An cho biết: “Đến nay, xã đã có 10 hộ tham gia mô hình nuôi cá chạch sụn. Mô hình bước đầu mang lại hiệu quả kinh tế cao, phù hợp với trình độ và điều kiện người nuôi, nhất là với những hộ có ít đất sản xuất. Thời gian tới, Hội tiếp tục theo dõi, hỗ trợ những hộ nuôi chạch về kỹ thuật, đồng thời tổ chức cho hội viên nông dân có nhu cầu tham quan học hỏi để nhân rộng mô hình, phát triển nghề nuôi thủy sản trên địa bàn”.

So với một số mô hình chăn nuôi khác trên địa bàn xã, nuôi cá chạch có mức đầu tư ban đầu không lớn, không đòi hỏi kỹ thuật cao, không mất nhiều thời gian chăm sóc, đặc biệt là không đòi hỏi diện tích lớn. Đây là hướng đi mới, mở ra nhiều triển vọng trong việc phát triển kinh tế hộ gia đình ở khu vực Đông Trường Sơn thuộc tỉnh Gia Lai.

Xem thêm
Nuôi 6 vạn gà, mỗi ngày thu về 4 vạn quả trứng

Quảng Ninh Mỗi ngày trang trại gà của bà Phạm Thị Nguyệt Dung thu về 4 vạn quả trứng, cung ứng cho trên 70% các nhà hàng, khách sạn, bếp ăn trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh.

Dịch tả lợn Châu Phi bùng phát, Nghệ An cẩn trọng đặc biệt

Nhận thấy diễn biến của dịch tả lợn Châu Phi hết sức khó lường, UBND tỉnh Nghệ An đã ban hành Chỉ thị ứng phó trên diện rộng.

Giống ớt khổng lồ trồng tại Mộc Châu được thế giới săn đón

Sơn La Trái ớt lớn nhất có thể to bằng cổ tay, khối lượng lên tới 200 - 300g, gồm 4 màu đỏ, vàng, cam và chocolate.