| Hotline: 0983.970.780

Nghệ An cần nhân rộng mô hình nuôi chạch lấu công nghiệp

Thứ Sáu 08/12/2023 , 13:38 (GMT+7)

Trung tâm giống thủy sản Nghệ An đã nghiên cứu và ứng dụng thành công mô hình nuôi chạch lấu thương phẩm, từ đó mở ra hướng đi mới đầy khả quan.

Mô hình thử nghiệm nuôi chạch lấu tại Trung tâm giống thủy sản Nghệ An cho kết quả khả quan.

Mô hình thử nghiệm nuôi chạch lấu tại Trung tâm giống thủy sản Nghệ An cho kết quả khả quan.

Dù là đối tượng nuôi mới nhưng chạch lấu tức thì ‘bén’ duyên với đất Nghệ nhờ khả năng thích nghi tuyệt vời, qua đó mở ra hướng phát triển kinh tế đầy tiềm năng cho vùng đất này

Chạch lấu là loài cá nước ngọt có thân màu xanh đậm hoặc đen xám, ưa sống trong môi trường có hàm lượng ôxy hòa tan cao. Loài này kích thước tương đối lớn, thịt ngon, có mùi thơm đặc trưng, có thể chế biến thành nhiều món ăn ngon, bổ dưỡng.

Giá trị thương phẩm cao, được xem là một đối tượng nuôi đặc sản nên giá bán chạch lấu trên thị trường khá “chát”, dao động từ 350.000 - 400.000 đ/kg (kích cỡ thương phẩm 300 - 400 g/con), dù vậy luôn được khách hàng đón nhận.

Dù là đối tượng nuôi mới nhưng chạch lấu thích nghi cực nhanh với điều kiện tại Nghệ An. Ảnh: VK.

Dù là đối tượng nuôi mới nhưng chạch lấu thích nghi cực nhanh với điều kiện tại Nghệ An. Ảnh: VK.

Nhận thấy tiềm năng to lớn của chạch lấu, nhiều tỉnh thành trên cả nước đã phát triển mạnh phong trào nuôi thương phẩm thông qua nhiều hình thức (nuôi thâm canh trong ao đất, nuôi trong bể xi măng, nuôi trong lồng bè), lưu vực càng lớn giá trị mang lại càng cao.  

Nghệ An với lợi thế vượt trội về diện tích nuôi trồng thủy sản nước ngọt, đặc biệt là tiết diện mặt nước các hồ chứa trải dài rộng khắp là môi trường cực kỳ phù hợp để phát triển phong trào nuôi thương phẩm cá chạch lấu theo quy mô công nghiệp.

Nhằm đánh giá chính xác, chân thực nhất, Trung tâm giống thủy sản Nghệ An đã triển khai mô hình nuôi thương phẩm cá chạch lấu. Dù được nuôi trong môi trường mới với sự khác biệt nhất định về điều kiện khí hậu, thời tiết nhưng chạch lậu cho thấy quá trình thích nghi cực tốt. Qua theo dõi loài này ghi nhận tốc độ sinh trưởng, phát triển nhanh, đặc biệt là ít dịch bệnh.

Cá chạch lấu vốn là loài ăn tạp, trong môi trường tự nhiên rất ưa thích các sinh vật đáy, các loài giun, ấu trùng côn trùng và côn trùng trưởng thành, tôm tép, cá con, thậm chí mùn bã hữu cơ và một số loài thực vật khác, đó là ưu điểm vượt trội khi đưa vào môi trường hơi hướng nhân tạo.

Nuôi chạch lấu trong áo cần sử dụng thức ăn công nghiệp viên nổi có hàm lượng Protein 40%. Khẩu phần cho ăn bằng 3 - 5% khối lượng cá nuôi trong ao, kết hợp bổ sung thêm trùn quế (tỷ lệ 10% so với thức ăn công nghiêp hàng ngày).

Kích thước chạch lấu trưởng thành rất bắt mắt, ấn tượng. Ảnh: VK.

Kích thước chạch lấu trưởng thành rất bắt mắt, ấn tượng. Ảnh: VK.

Hàng ngày cần trộn thêm Bio-Vitamin C, vi sinh hỗ trợ đường ruột vào thức ăn nhằm tăng cường sức đề kháng. Thông thường bố trí cho ăn 2 lần/ ngày vào buổi sáng và chiều (buổi sáng lúc 7 - 8 giờ; buổi chiều lúc 17 - 18 giờ). Ngoài ra cần chú trọng quản lý chặt chẽ bể nuôi, ao nuôi, phải vệ sinh hàng ngày ngày, định kỳ tạt vi sinh 1 kỳ/ tuần, duy trì nguồn nước chất lượng.

Quy trình nuôi trải qua nhiều bước, trong đó khâu chuẩn bị ao nuôi vỗ cá bố mẹ cần lưu ý hút cạn hết nước, bắt hết cá tạp, sửa sang lại bờ, cống cấp thoát, bón vôi 7 - 10 kg/100 m2, phơi đáy ao 2 - 3 ngày, sau đó cấp nước vào ao qua lưới lọc, độ sâu cần đạt 1,2 - 1,5 m.

Tạo giá thể cho cá trú ẩn bằng cách dùng ống nhựa Ø 48 - 60 mm cắt thành từng khúc có chiều dài 0,5 - 0,6 m, bó lại thả xuống đáy ao, số lượng tùy thuộc số cá bố mẹ trong ao, mỗi bó cho 4 - 5 ống, đồng thời sử dụng lưới thưa làm thành giá thể để chạch trú ẩn. Ngoài ra, cần bố trí giàn quạt nước 6 cánh, công suất 1,5 Kw để đảo nước cũng như tăng cường hàm lượng oxy, đảm bảo cho chạch phát dục tốt nhất.

Đây là mô hình cần được nhân rộng. Ảnh: Việt Khánh.

Đây là mô hình cần được nhân rộng. Ảnh: Việt Khánh.

Được biết, quy trình sinh sản nhân tạo giống cá chạch lấu được Trường Đại học Cần Thơ và Đại học An Giang nghiên cứu, hoàn thiện quy trình công nghệ và ứng dụng thành công vào thực tiễn ở một số tỉnh thành phía Nam. Đây là bàn đạp để Trung tâm giống thuỷ sản Nghệ An tiếp cận, nghiên cứu, ứng dụng vào sản xuất thử nghiệm, từ đó tiến đến chủ động nguồn giống (sản xuất 25.000 - 30.000 con giống, kích cỡ 8 - 10 cm/con) đảm bảo chất lượng, số lượng, giá thành hợp lý cho số đông người nuôi.

Thạc sỹ Trương Văn Toản, Trưởng phòng Kế hoạch Kỹ thuật Trung tâm Giống thủy sản khẳng định kết quả từ mô hình ứng dụng tiến bộ KHCN thử nghiệm cho thấy chạch lấu là đối tượng nuôi có nhiều lợi thế vượt trội, nếu được mở rộng quy mô sản xuất rất đáng để kỳ vọng.

Mô hình đã được Trung tâm giống thủy sản Nghệ An triển khai theo đúng đề cương, kế hoạch, đảm bảo mục tiêu và tiến độ đề ra. Tỷ lệ thành thục, tỷ lệ đẻ (đạt 43,3 - 80%), thụ tinh (đạt 54,3 – 61,6%), nở đạt (45,5 – 49,7%), sản xuất (25.246 con cá chạch giống, kích cỡ 8 - 10 cm/con) khá ấn tượng. Kết quả thực tế được Sở NN-PTNT và Trung tâm Khuyến nông ghi nhận, đánh giá rất cao.

Tổng hòa cho thấy cá chạch lấu có tốc độ tăng trưởng khá nhanh, ít nhiễm bệnh, cho năng suất cao, thích nghi tốt trong điều kiện sinh thái mới, đảm bảo chất lượng nuôi thương phẩm. Quan trọng nhất, đây là đối tượng nuôi tiềm năng cần được nhân rộng trên địa bàn Nghệ An.

Được nuôi trong điều kiện phù hợp, diện tích mặt nước đủ lớn thì giá trị của chạch lấu mang lại còn ấn tượng hơn nữa. Ảnh: Việt Khánh. 

Được nuôi trong điều kiện phù hợp, diện tích mặt nước đủ lớn thì giá trị của chạch lấu mang lại còn ấn tượng hơn nữa. Ảnh: Việt Khánh. 

Xem thêm
Nuôi ba ba, gặp mưa bão lịch sử vẫn lãi khá

HẢI DƯƠNG Mỗi năm thị xã Kinh Môn (Hải Dương) này cung ứng ra thị trường khoảng 60 tấn ba ba thịt, doanh thu ước đạt 21 - 24 tỷ đồng.

Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.