| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá chình công nghệ cao trên vùng đất cát

Thứ Tư 16/03/2022 , 13:13 (GMT+7)

Một hộ dân tại Quảng Bình đã ứng dụng công nghệ cao nuôi cá chình trên cát thành công rồi chế biến thành đặc sản mang lại giá trị kinh tế cao.

Bể cá chình thương phẩm của Cty TNHH dịch vụ Kim Long Việt Nam. Ảnh: TP.

Bể cá chình thương phẩm của Cty TNHH dịch vụ Kim Long Việt Nam. Ảnh: TP.

Đang là cán bộ Công ty Xăng dầu Quảng Bình, anh Lê Hà Giang bỏ ngang chuyển sang nghề nuôi cá chình. Ban đầu, anh Giang nhờ vào tài liệu nuôi loại cá này để học và làm.

Dù đi công tác đâu, chị Trương Thị Thủy Thanh (vợ anh Giang) cũng cố tìm sách nói về cá chình mang về cho chồng. “Hồi đó tài liệu ít lắm. Một số sách chỉ nói nuôi cá chình phải tạo hang hóc cho cá ở”, anh Giang nhớ lại.

Từ những ngày khởi đầu cho đến gần 10 năm ròng, anh Giang đúc rút được kinh nghiệm nuôi cá chình trong ao đá, tiến lên nuôi trong bể xi măng rồi đến nuôi ao lót bạt. Vụ cá cuối năm 2016, anh Giang tính toán sẽ có số thu lớn. Trận mưa lớn gây lũ quét qua cuốn sạch hơn chục tấn cá đến kỳ thu hoạch. Hơn 3 tỷ bạc trôi theo lũ chỉ trong một đêm. Hai vợ chồng anh Giang trắng tay, quay về lại điểm xuất phát ban đầu.

Không từ bỏ đam mê, đầu năm 2017, hai vợ chồng anh Giang vào tận Nha Trang học hỏi kinh nghiệm nuôi cá chình. Được người thầy đang thực hiện dự án nuôi cá chình công nghệ cao Hoàng Văn Duật tiếp thêm ý chí vượt lên khó khăn và hỗ trợ về công nghệ nuôi mới. Hai vợ chồng quay về Quảng Bình thành lập Công ty TNHH dịch vụ Kim Long Việt Nam và chọn vùng đồi cát ven biển ở huyện Lệ Thủy làm trang trại nuôi cá chình công nghệ cao.

Anh Giang kiểm tra kích cỡ sinh trưởng của cá chình. Ảnh: T.P.

Anh Giang kiểm tra kích cỡ sinh trưởng của cá chình. Ảnh: T.P.

Thay vì đào hồ, công nghệ nuôi mới được áp dụng với loại hình bể xi măng nổi trên mặt đất. Khu nuôi được che kính bằng nhà lợp mái chống nóng và hạn chế ánh sáng tối đa.

Theo anh Giang, điều khác biệt ở đây là các hồ nuôi được che chắn để yên trong khoảng tối, hạn chế tiếng động và ánh sáng đến mức tối đa. Có như vậy cá sẽ không bị đánh động nhiều và không bỏ ăn. Hôm chúng tôi đến, anh Giang đang chỉ đạo mọi người dồn cá. Bể cá lớn 1 tấn được che bởi tấm lưới rê dồn hết cá vào đó. Cá được phân loại lớn, vừa và nhỏ để điều chỉnh nguồn thức ăn.

"Qua 5 năm triển khai nuôi cá chình theo mô hình công nghệ cao, thức ăn chủ yếu được sử dụng nguồn chế biến công nghiệp sạch. Nếu sử dụng nguồn thức ăn tạp sẽ ảnh hưởng lớn đến nguồn nước và khó kiểm soát được những vi khuẩn có hại cho cá. Như vậy, rất khó kiểm soát được dịch bệnh. Khi cá đã bị dịch bệnhphải sử dụng các loại kháng sinh hoặc thuốc khác. Nếu như vậy sẽ làm ảnh hưởng lớn đến chất lượng cá thương phẩm”, anh Giang giảng giải.

Không chỉ cung cấp cá thịt thương phẩm ra thị trường, công ty còn cung ứng cá chình cá giống cho thị trường. 6 hồ trong trang trại (mỗi hồ có dung tích 30m3 nước), được dùng làm ươm, nuôi cá giống. Theo anh Giang, mỗi năm, đã sản xuất được gần 4 vạn cá giống. Giống cá chình của anh Giang còn bán ra thị trường ở Quảng Trị, Hà Tĩnh, Hải Phòng…

Bể cá chình đã nuôi đủ trọng lượng để xuất bán. Ảnh: T.P.

Bể cá chình đã nuôi đủ trọng lượng để xuất bán. Ảnh: T.P.

Ngoài việc xuát bán cá chình thương phẩm, Công ty Kim Long Việt Nam mở thêm hướng kinh doanh phục vụ bằng sản phẩm cá chình đã qua khâu sơ chế. Khách hàng chỉ mua hộp cá về và nấu lên là đưa đến bàn ăn với các sản phẩm đa dạng như cá chình kho, cá chình nướng, cá chình nấu lẩu.

Hai năm liền, dịch Covid-19 làm ảnh hưởng lớn đến sản xuất và tiêu thụ sản phẩm cá chình. Anh Giang nhanh chóng chuyển hướng mở nuôi thêm cá lóc, ếch… để bán nhanh hơn nhằm thực hiện lấy ngắn nuôi dài. Trong năm 2021 vừa rồi, doanh thu của công ty đạt khoảng 6 tỷ đồng.

Đầu năm nay, anh Giang đã kết nối với một doanh nghiệp để xuất khẩu cá chình mun. Đây là tín hiệu tốt sau đại dịch. Nói về định hướng tới, anh Giang cho hay, đã đầu tư gần 2 tỷ đồng để nâng cấp hồ, thiết bị nhằm áp dụng công nghệ mới tăng quy mô sản xuất. Trong đó, vừa đầu tư cá lóc, ếch và đưa sản lượng cá chình mun phục vụ xuất khẩu và khách nước ngoài như Hàn Quốc, Nhật Bản… ưa chuộng. Phần còn lại tiếp tục duy trì cá chình hoa phục vụ nhu cầu nội đại.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.