| Hotline: 0983.970.780

Nuôi cá đặc sản trên sông Kiến Giang

Thứ Tư 23/10/2024 , 09:15 (GMT+7)

QUẢNG BÌNH Nhánh sông Kiến Giang chảy qua trước làng Phú Ninh đã được bà con tận dụng phát triển nghề nuôi cá chình cho thu nhập cao.

Cách đây gần 20 năm, đoạn sông Kiến Giang trước thôn Phú Ninh (xã Duy Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình) nổi lên cái cồn nhỏ.

Theo năm tháng, cồn nổi lớn dần và kéo dài thành hình thoi, chia đoạn sông Kiến Giang thành 2 nhánh. Nhánh chính chảy xiết phía bên kia bãi cồn, nhánh phụ nhỏ hơn nằm về phía làng Phú Ninh.

Cách đây chừng mười năm, người làng Phú Ninh mang mô hình nuôi cá lồng trên sông từ những miền quê khác về trên đoạn nhánh sông này. Ban đầu vài hộ nuôi, sau này mỗi năm mỗi đông thêm.

Đoạn nhánh sông Kiến Giang nơi bà con thôn Phú Ninh nuôi cá chình. Ảnh: T. Phùng.

Đoạn nhánh sông Kiến Giang nơi bà con thôn Phú Ninh nuôi cá chình. Ảnh: T. Phùng.

Ông Phạm Minh Đậu, Chi hội trưởng Chi hội Nuôi trồng thủy sản thôn Phú Ninh cho hay, trước đây bà con chủ yếu nuôi cá chẽm, cá trồi… Nay bà con mở rộng đối tượng nuôi như cua, cá chình. Điều đặc biệt là mấy năm gần đây, một số bà con đã mạnh dạn đầu tư nuôi các chình - loài cá đặc sản có giá trị kinh tế cao, tuy chưa được nhiều về số lượng nhưng đánh giá ban đầu có hiệu quả cao.

Đưa chúng tôi ra lồng bè nuôi cá, ông Phạm Văn Hán (một trong những hộ nuôi các chình) bảo rằng dù là cá chình nuôi nhưng cũng chẳng khác gì cá tự nhiên vì bà con không dùng thức ăn công nghiệp mà chỉ có cá nục suông biển mua về chế biến thành thức ăn cho cá chình.

“Khi cá giống mới thả chỉ bằng ngón tay người lớn thì thức ăn là cá biển được băm nhỏ. Sau chừng 5 - 6 tháng cá lớn thêm thì cá nục suông được thái miếng cho ăn mỗi ngày. Thông thường bà con cho ăn vào lúc xẩm tối vì khi đó cá ăn mạnh nên thức ăn thất thoát ít hơn.

Ông Phạm Văn Hán: 'Cá chính được bà con nuôi 2 năm mới xuất bán và cho lãi khoảng 1,2 triệu đồng mỗi con'. Ảnh: T. Đức.

Ông Phạm Văn Hán: “Cá chính được bà con nuôi 2 năm mới xuất bán và cho lãi khoảng 1,2 triệu đồng mỗi con”. Ảnh: T. Đức.

Cá chình sau 2 năm nuôi có trọng lượng khoảng 3 ký thì cho lãi khoảng 1,2 triệu đồng. Tính ra, mỗi lồng cá 100 con cho lãi khoảng 60 triệu đồng mỗi năm. Cá chúng tôi bán có giá 800 ngàn đồng mỗi ký nhưng thương lái mua về có thể bán lại cho người tiêu dùng với giá 1,2 triệu đồng/ký”, ông Hán cho hay.

Nếu như cá chình nuôi thâm canh khoảng 12 tháng là xuất bán thì cá chình bà con ở Phú Ninh nuôi phải trên 2 năm mới có thể bán được. Lúc này cá có trọng lượng từ 2,6 - 3kg mỗi con.

Có khi bà con để đến 3 năm thì cá có trọng lượng từ 5 - 6kg vì càng về sau cá chình càng ăn khỏe và nhanh lớn. Khi đó, cá có giá bán trên 1 triệu đồng mỗi ký. Tuy nhiên, do thiên tai rủi ro cao nên bà con cũng hạn chế việc kéo dài thời gian nuôi, phần lớn cá khoảng 2 năm là bà con xuất bán.

Hiện phần lớn lồng bè của bà con ở đây đều kết cấu bằng chất liệu ống thép tròn làm đà gác lên hệ thống phao nhựa. Mỗi lồng bè có diện tích khoảng 20 - 27m2, xung quanh được bao lưới nilon với chiều sâu từ 2 - 3m.

Một khu dân cư đổi mới ở thôn Phú Ninh. Ảnh: T. Đức.

Một khu dân cư đổi mới ở thôn Phú Ninh. Ảnh: T. Đức.

Khi mùa mưa lũ về, bà con kéo lồng bè vào sát bờ hoặc kéo dần lên theo mực nước lũ và chằng néo chắc chắn để không bị trôi theo lũ. Tuy nhiên, cũng đã có trường hợp lưới bao lồng bị thủng và cá thất thoát nhiều.

Ông Lê Văn Đặng, Chủ tịch UBND xã Duy Ninh cho hay, chính quyền rất khuyến khích và có chính sách hỗ trợ bà con phát triển nuôi trồng thủy sản trên sông Kiến Giang. Tuy vậy việc nuôi vẫn còn tự phát nên bà con mong có sự hỗ trợ về kỹ thuật cũng như vật liệu phù hợp từ ngành nông nghiệp để yên tâm mở rộng diện tích lồng bè nuôi.

Xem thêm
Tập huấn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản

CÀ MAU Ngày 19/12 tại TP Cà Mau, Cục Kiểm ngư phối hợp với Sở NN-PTNT Cà Mau tổ chức tập huấn hướng dẫn thực hiện đồng quản lý trong bảo vệ nguồn lợi thủy sản.

Xuất khẩu thủy sản Việt Nam 11 tháng đạt 9,2 tỷ USD

Với đà tăng trưởng hiện tại, ngành thủy sản Việt Nam năm 2024 có thể hoàn thành mục tiêu đạt 10 tỷ USD xuất khẩu, tăng 11,5% so với năm 2023.

Xây dựng nông thôn mới ở các làng, nơi ven biển thành nơi đáng sống

Đây là mục tiêu mà Cục trưởng Cục Thủy sản Trần Đình Luân chia sẻ về câu chuyện chuyển đổi nghề cho ngư dân vùng ven biển.