| Hotline: 0983.970.780

Xây dựng thương hiệu cá lồng ở Duy Ninh

Thứ Ba 07/11/2023 , 17:23 (GMT+7)

Quảng Bình Nông dân xã Duy Ninh, huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình phát triển mô hình nuôi cá lồng đặc sản ở cuối nguồn sông Kiến Giang cho hiệu quả cao.

Những năm gần đây, Hội Nông dân xã Duy Ninh (huyện  Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), đã xây dựng thành công mô hình nuôi cá lồng ven sông Kiến Giang. Đoạn sông này là nơi giao thoa gữa hai dòng Kiến Giang và Long Đại để hợp nhất tạo thành dòng Nhật Lệ đổ ra biển.

Trao đổi với chúng tôi, ông Phạm Minh Cảnh, Chủ tịch UBND xã Duy Ninh cho biết, hiện chính quyền địa phương quan tâm và tạo điều kiện cho bà con  phát triển nghề nuôi cá lồng.

“Chúng tôi hỗ trợ bà con xây dựng thương hiệu cá lồng Duy Ninh và đưa vào đề án sản phẩm OCOP. Từ sản phẩm này để nâng cao chất lượng, tiếp cận gần hơn với khách hàng, tạo đột phá trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ”, ông Cảnh nói thêm.

Nuôi cá lồng trên sông Kiến Giang cho người dân thu nhập khá. Ảnh: T.Phùng

Nuôi cá lồng trên sông Kiến Giang cho người dân thu nhập khá. Ảnh: T.Phùng

Từ những hộ nuôi đầu tiên, đến nay, đã có 22 hộ dân nuôi (chủ yếu tập trung ở thôn Phú Ninh), với hơn 60 lồng cá ở ngã ba sông này. Bà con nuôi chủ yếu các loại cá đặc sản như chẽm, cá dìa… đang được khách hàng ưa chuộng và giá bán khá cao.

Gia đình ông Phạm Minh Đậu (ở thôn Phú Ninh, xã Duy Ninh), là một trong những hộ nuôi cá lồng đầu tiên ở đây. Ông cho hay, đoạn ngã ba sông, giao giữa các sông Kiến Giang - Long Đại - Nhật Lệ nên có dòng nước lợ, phù hợp với nuôi các loài cá chẽm, cá dìa, cá chình.

“Ban đầu, tôi dành thời gian đi xem và học hỏi kinh nghiệm của những người nuôi cá lồng ven sông. Học cách nuôi từng loại cá đặc sản và về làm mô hình nuôi. Ban đầu chỉ thả vài trăm con nuôi thử, ai ngờ cá lớn nhanh, sớm cho lợi nhuận cũng khá”, ông Đậu kể.

Sau vài vụ đầu thành công, ông Đậu vay thêm Ngân hàng chính sách xã hội huyện 50 triệu đồng, mở rộng 9 lồng cá, thả 3.000 con cá giống đặc sản.

“Sau 6 tháng, cá đạt trọng lượng từ 1 đến 1,3kg, bán với giá 100 - 120 ngàn đồng/kg cá chẽm và 300 - 320 ngàn đồng/kg cá dìa, thu lợi 100 triệu đồng sau khi trừ chi phí”, ông Đậu bộc bạch.

Cá dìa đặc sản với giá bán cao và được thị trường ưa chuộng. Ảnh: T. Phùng

Cá dìa đặc sản với giá bán cao và được thị trường ưa chuộng. Ảnh: T. Phùng

Cũng nuôi cá lồng trên đoạn sông này, ông Phạm Văn Thông (thôn Phú Ninh), cho biết, được sự chỉ dẫn của ông Đậu, gia đình ông đã vay vốn đầu tư 10 lồng nuôi cá. Ban đầu, ông thả giống cá chẽm (bà con còn gọi là cá trồi). Sau này, ông thả nuôi thêm các loại cá đặc sản khác.

“Khi cá nuôi được 6 tháng thì có thể bán được. Nếu để lên 8 tháng là thời điểm cá lớn nhanh và có giá bán cao hơn. Từ nuôi cá, mỗi năm gia đình tôi có nguồn thu lãi hơn 100 triệu đồng”, ông Thông chia sẻ.

Ông Hoàng Văn Sỹ, Trưởng thôn Phú Ninh (cũng là thành viên nuôi cá lồng), cho biết, cá nuôi ở đoạn sông này được nước từ dòng Long Đại đổ về nên môi trường khá ổn định. Nguồn thức ăn cho cá nuôi chủ yếu là các loại cá biển chứ không dùng thức ăn công nghiệp. Vì vậy, chất lượng cá cao hơn những vùng nuôi khác.

Theo ông Sỹ, mỗi lồng cá có diện tích khoảng 9m2 và có khung thép đặt nổi trên hệ thống phao. Bà con dùng lưới A10-A 12 (do Thái Lan sản xuất) để buông vây xung quanh với độ sâu khoảng 3m. Nếu sau 8 tháng nuôi, bà con có thể chuyển sang nuôi hai năm thì dùng lồng có lưới A 15 với sợi to hơn để vượt bão vượt lũ được an toàn.

Không dùng thức ăn công nghiệp cho cá. Ảnh: T.Phùng

Không dùng thức ăn công nghiệp cho cá. Ảnh: T.Phùng

“Cá nuôi hai năm sẽ đạt trọng lượng đến 4 - 5 kg/con. Khi đó giá bán có thể lên đến 200 ngàn đồng/kg. Bà con cũng có lãi lớn, nhưng rủi ro cũng nhiều nên việc nuôi cá hai năm chưa nhiều. Gia đình nào có điều kiện thì nuôi cá hai năm mới bán”, ông Sỹ cho hay.

Hiện tại, dù sản lượng cá tăng trưởng tốt nhưng đầu ra đang gặp khó do lượng tiêu thụ chưa được ổn định. Theo ông Ông Hoàng Văn Sỹ, Trưởng thôn Phú Ninh thì bà con hiện đang gặp khó khăn trong việc tiêu thụ cá và mong muốn chính quyền địa phương sớm xây dựng thương hiệu “cá lồng Duy Ninh” để nâng cao chất lượng sản phẩm và tiếp cận gần hơn với khách hàng.

“Chúng tôi đã thành lập Tổ Hợp tác nuôi cá lồng để có điều kiện hỗ trợ nhau trong việc đảm bảo an toàn, chất lượng cá nuôi. Đồng thời cũng tìm kiếm liên kết tiêu thụ sản phẩm cho bà con ổn định hơn”, ông Sỹ nói.

Xem thêm
100 tấn cá chết ở hồ Sông Mây: 'Nước cạn đáy, mật độ nuôi quá dày nên thiếu oxy'

ĐỒNG NAI Nguyên nhân cá chết hàng loạt ở hồ Sông Mây là do nước hồ cạn đáy, mật độ cá nuôi quá dày nên thiếu oxy và đơn vị nuôi thủy sản còn chủ quan.

Dựa vào dân để giám sát tàu cá vi phạm

Nhân dân là tai mắt trong việc phát hiện tàu cá vi phạm. Do vậy, cần dựa vào dân, lấy dân làm gốc trong thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU.

Xuất khẩu thủy sản 2 tháng đầu năm tăng 22,3%

Theo ước tính của Tổng cục Thống kê, trong 2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 1,3 tỷ USD, tăng 22,3% so với cùng kỳ năm 2023.

Có máy tời kéo thuyền, ngư dân khỏe re

QUẢNG TRỊ Chiếc máy tời nhỏ gọn nổ xình xịch, kéo theo thuyền đánh cá lên bờ một cách nhẹ nhàng. Ngư dân vì thế giảm được sức người trong khai thác hải sản.