Quê ở tỉnh Quảng Nam, chàng trai Lê Hữu Như Ý kết duyên cùng cô gái Quảng Bình khi cùng nhau làm du lịch tại Đà Nẵng. Khi đại dịch Covid-19 kéo dài, Như Ý quyết định về quê vợ để lập nghiệp tại xã Sơn Hóa (huyện Tuyên Hóa, Quảng Bình) vào cuối năm 2019.
Những ngày ở quê vợ, Như Ý lên mạng internet tìm hiểu về kỹ thuật nuôi dúi. Nhìn quanh làng thấy trồng đầy tre, nứa là phù hợp với thức ăn cho loài vật nuôi này, Như Ý quyết định mua mấy cặp về nuôi thử.
Ban đầu, Như Ý mua dúi giống của người dân trên địa bàn săn bắt được, với dự định nuôi giống dúi tự nhiên thuần chủng. Nhưng sau một thời gian, dúi tự nhiên chậm lớn và hao hụt dần. Hóa ra, dúi vốn khó thích nghi với môi trường nuôi nhốt nên em không thành công.
Rút kinh nghiệm, lần nuôi thứ hai này, Như Ý nhảy xe ra ra tỉnh Thanh Hóa, đến cơ sở bán giống thuần mua 8 cặp mang về nuôi. Nhiều người dân địa phương thấy vậy cứ bán tín bán nghi: “Báu gì, đi nuôi mấy con chuột dúi vớ vẩn”. Nghe vậy, Như Ý càng quyết tâm phải thành công.
Hàng ngày chăm sóc mấy con dúi, Như Ý cũng tranh thủ đọc tài liệu về loài này để chủ động thức ăn, phòng ngừa dịch bệnh. Vừa nuôi vừa tích lũy kinh nghiệm cho đến khi đàn dúi đầu tiên lớn nhanh và được xuất chuồng.
Hơn một năm theo chu kỳ “mua giống, nuôi giống, bán dúi thịt”, đàn dúi mà Như Ý nuôi cứ lần sau tăng thêm số lượng gấp đôi lần trước. Cũng có khi thất bại, nhưng cái lớn nhất là anh đã tích được cho mình kinh nghiệm để có thể bắt tay vào cuộc chơi lớn hơn.
Lần này, Như Ý đã đầu tư 350 triệu đồng để mở rộng quy mô chuồng trại, tăng đàn nuôi lên 500 con. Ngoài ra, để chủ động nguồn giống, anh quyết định đầu tư khu nuôi dúi sinh sản tách riêng với khu nuôi dúi thương phẩm. Có thời điểm, số lượng đàn dúi trong trại của anh lên đến 800 con. Nhiều người dân địa phương gần xa hay tin đến tham quan, học hỏi cách nuôi và mua giống về nuôi thử.
Như Ý chia sẻ: “Dúi là loài động vật dễ nuôi, ít bệnh, lại mang đến giá trị kinh tế cao. Thức ăn của dúi phải khô ráo, không ẩm ướt, không bị ôi, thiu. Chuồng trại nuôi dúi đơn giản, không chiếm nhiều diện tích và gây ô nhiễm môi trường, nhưng phải luôn thoáng mát và vệ sinh sạch sẽ".
Mỗi ô chuồng nuôi dúi được Như Ý dùng gạch lát nền gắn lại với nhau (kích thước chiều rộng và cao: 60 x 60cm). Thức ăn của dúi rất dễ kiếm, chủ yếu là tre, mía, ngô và rau, củ, quả.
“Nuôi trong vòng 3 tháng, mỗi con dúi trưởng thành có thể xuất chuồng và đạt trọng lượng từ 3-4kg. Trung bình mỗi kg dúi thịt có giá khoảng 550.000 đồng. Thịt dúi lành, dễ chế biến và dinh dưỡng cao nên nhiều người đã biết đến và ưa thích”, Như Ý bộc bạch.
Với nuôi dúi sinh sản, Như Ý đã nắm chắc kỹ thuật chọn dúi ghép đôi sinh sản để con giống khỏe mạnh. Theo anh, dúi phải đến 8 tháng tuổi mới bắt đầu sinh sản. Trung bình mỗi năm, dúi sẽ sinh 3 lứa, mỗi lứa từ 2-4 con.
“Dúi sau sinh 1 tháng là đã có thể bán giống. Tùy theo người mua giống, có thể 1 tháng, 2 tháng hay 3 tháng đều bán được”, Ý chia sẻ.
Các loại dúi thương phẩm và dúi giống của anh hiện được tiêu thụ tại nhiều tỉnh, thành, như Hà Tĩnh, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế và một số tỉnh thành phía Nam. Khi hỏi về thu nhập, Như Ý cũng không dấu: “Mỗi năm, trại nuôi dúi của gia đình thu lãi được hơn 300 triệu đồng”.
Tại trang trại của Như Ý đang nuôi 2 loại dúi mốc và dúi má đào. Đây là 2 loại dúi có nhiều ưu điểm vượt trội, như dễ thích nghi với môi trường, lớn nhanh và mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn các loại dúi khác.
Sau 3 năm từ mô hình đến trại nuôi, Như Ý có kế hoạch tiếp tục mở rộng quy mô trang trại để tăng số lượng đàn. “Hiện, em cũng đang hoàn thiện các thủ tục cần thiết để được cấp giấy chứng nhận trang trại và đăng ký nhãn hiệu cho riêng mình”, Như ý cho hay.
Ông Đinh Văn Thương, Trưởng phòng NN-PTNT Tuyên Hóa cho hay, nhận thấy mô hình nuôi dúi là một hướng đi mới, đem lại hiệu quả kinh tế cao cho bà con nông dân, huyện Tuyên Hóa đang có định hưởng triển khai mô hình tại nhiều địa phương.
Từ những mô hình ban đầu, sau đó huyện vận động bà con thực hiện rộng hơn tại những vùng khác. Vì con dúi khá gần gũi với bà con và nguồn thức ăn dồi dào cũng là một thế mạnh để phát triển loại nuôi mới này. Vừa phát triển, huyện Tuyên Hóa vừa xây dựng thương hiệu để có được đầu ra tiêu thụ cho bà con nuôi.