| Hotline: 0983.970.780

Hướng đi bền vững cho vật nuôi đặc sản

Thứ Hai 08/05/2023 , 15:51 (GMT+7)

Thành công từ mô hình nuôi dúi của gia đình ông Lê Trọng Lệ tạo ra chuỗi liên kết bền vững trong hoạt động chăn nuôi đặc sản giúp bà con có thu nhập cao.

Trại dúi đặc sản của ông Lê Trọng Lệ ở Triệu Sơn, Thanh Hóa mỗi năm cho thu nhập cả tỷ đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Trại dúi đặc sản của ông Lê Trọng Lệ ở Triệu Sơn, Thanh Hóa mỗi năm cho thu nhập cả tỷ đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Biết chấp nhận thất bại mới có thành công

Trại dúi của gia đình ông Lê Trọng Lệ nằm trên địa bàn xã Vân Sơn, huyện Triệu Sơn, tỉnh Thanh Hóa. Năm 2008, ông Lệ đã mạnh dạn đầu tư vốn xây dựng chuồng trại với quyết tâm làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Thời gian đầu khi bắt tay thực hiện mô hình, ông Lệ nhiều lần thất bại do chưa có nhiều kinh nghiệm chăm sóc.

"Năm 2010, trại dúi của tôi chết khoảng 200 con giống vì bị bệnh viêm phổi, gây thiệt hại cả trăm triệu đồng. Dúi chết đồng nghĩa với việc gia đình hết vốn liếng để tái đầu tư. Trong lúc khó khăn, tôi bàn với vợ cắm sổ đỏ, vay mượn, tiếp tục mua con giống", ông Lệ chia sẻ.

Rút kinh nghiệm từ những lần thất bại, ông Lệ mạnh dạn đầu tư khoa học kỹ thuật, quyết tâm gỡ lại những gì đã mất. Từ năm 2011 trở đi, trại dúi của ông bắt đầu đi vào hoạt động ổn định và cho thu nhập khá. Cũng trong năm đó, ông Lệ xuất bán lứa dúi giống đầu tiên cho thu nhập khoảng 300 triệu đồng.

Sau hơn chục năm gắn bó với nghề, ông Lệ đã mở rộng quy mô nuôi dúi từ 1 cơ sở ban đầu lên 4 trang trại quy mô hơn 500m2. Từ 30 cặp dúi sinh sản ban đầu, đến nay, ông Lệ đã nhân đàn thành công và duy trì số lượng hơn khoảng 2.000 con bao gồm cả dúi giống và dúi thịt, đem về thu nhập cho gia đình hơn 1 tỷ đồng/năm.

Dúi thương phẩm nuôi 6 - 7 tháng có thể xuất chuồng, giá dúi thương phẩm từ 800 - 1 triệu đồng/kg. Ảnh: Việt Khánh.

Dúi thương phẩm nuôi 6 - 7 tháng có thể xuất chuồng, giá dúi thương phẩm từ 800 - 1 triệu đồng/kg. Ảnh: Việt Khánh.

Ông Lệ cho biết, dúi giống sau 3 tháng có thể xuất chuồng. Giá dúi bán ra thị trường khoảng 3 triệu đồng/cặp, tùy theo thời điểm và cân nặng; dúi thương phẩm nuôi 7 - 8 tháng có thể xuất chuồng. Giá dúi thương phẩm từ 800 - 1 triệu đồng/kg. Trung bình, mỗi tháng gia đình ông bán ra thị trường hàng chục cặp dúi giống và dúi thương phẩm, cho thu nhập cả trăm triệu đồng.

Theo ông Lệ, khó khăn lớn nhất khi nuôi thú rừng là người nuôi không hiểu biết về đặc tính của con vật. Do vậy, muốn chăn nuôi loài động vật này cần có sự kiên trì, bền bỉ, thậm chí phải chấp nhận thất bại.

“Dúi là con vật ít khi bị nhiễm dịch bệnh, song lại dễ mắc bệnh đường ruột, đường hô hấp. Đây là loại động vật ăn ít, thức ăn chủ yếu là mía, ngô, thân cây tre. Thức ăn cho dúi tuyệt đối không được để ôi, thiu. Mỗi ngày dúi ăn hai lần vào buổi sáng và chiều, mỗi lần một khúc mía hoặc tre. Không nên cho dúi ăn quá no, hoặc để quá đói.

Mỗi năm dúi sinh sản 2 lần, mỗi lần từ 2 - 5 con. Một con dúi trưởng thành có trọng lượng 5 - 6kg. Quá trình chăm sóc, người nuôi dúi cần phải nhận biết chính xác thời điểm dúi cái mang thai và phải tách dúi mẹ chuồng khác trước khi sinh sản, để tránh ảnh hưởng đến con non sau khi sinh", ông Lệ chia sẻ kinh nghiệm. 

Cũng theo ông Lệ, chuồng trại phải luôn thoáng mát và vệ sinh sạch sẽ và tránh ánh sáng trực tiếp (trong tự nhiên ngày dúi ngủ trong hang, tối mới ra ngoài đi kiếm ăn). Mỗi chuồng nuôi rộng khoảng 50cm, dài 0,8 - 1m, xây tường cao 70cm bên trong trát xi măng thật láng hoặc ốp gạch men. Chuồng dúi phải có hệ thống đèn sưởi, quạt làm mát để luôn sẵn sàng đáp ứng với sự thay đổi thời tiết. Thông thường dúi thích ứng tốt ở nhiệt độ 27 - 30 độ C.

Đối với dúi sinh sản, ông Lệ đặc biệt lưu ý: “Dúi con được khoảng 60 ngày tuổi tách mẹ. Nếu dúi con tách mẹ sớm sẽ chậm phát triển, còn tách muộn sẽ làm gián đoạn vòng sinh sản của dúi mẹ. Sau khi tách mẹ dúi vẫn còn yếu, sức đề kháng chưa cao nên phải phải cho dúi con ăn bổ sung thêm các loại thực phẩm có nhiều chất dinh dưỡng để tăng cường đề kháng. Khi dúi sinh sản được 2 - 2,5 tháng, tách dúi con sang chuồng nuôi thương phẩm. Mỗi chuồng nuôi có thể nhốt khoảng 3 đến 6 con tùy theo kích cỡ, trọng lượng".

Ông Lệ cũng là người đầu tiên tại xã Vân Sơn thành công với mô hình nuôi dúi. Ngoài dúi giống và dúi thương phẩm, ông Lệ tiếp tục đầu tư nuôi hơn 200 con don để bán giống và thịt. Chuồng don của gia đình ông Lệ hằng năm cũng cho thu nhập cả trăm triệu đồng.

Ngoài dúi, ông Lệ còn đầu tư thêm 200 con don sinh sản, mỗi năm chuồng don của gia đình cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Ngoài dúi, ông Lệ còn đầu tư thêm 200 con don sinh sản, mỗi năm chuồng don của gia đình cho thu nhập cả trăm triệu đồng. Ảnh: Quốc Toản.

Hướng đi bền vững

Để đảm bảo đầu ra cho các sản phẩm, ông Lệ đã tự tìm tòi, chủ động liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh để tiêu thụ hàng hóa. Hiện nay, con dúi do trang trại ông tự nhân giống đã có mặt tại nhiều trang trại trong và ngoài tỉnh. Riêng dúi thịt của gia đình ông đã có mặt tại nhiều nhà hàng, khách sạn và được du khách hết sức ưa chuộng.

“Thịt dúi được xem là đặc sản, có hương vị thơm ngon và hàm lượng dinh dưỡng cao, có thể chế biến được nhiều món ăn, nên được thực khách rất ưa chuộng. Do đó, đầu ra cho sản phẩm dúi luôn rất tốt. Có thời điểm dúi thịt không đủ để cung cấp cho các nhà hàng, khách sạn vì cầu lớn hơn cung”, ông Lệ chia sẻ.

Ngoài ra, trang trại của gia đình ông Lệ cũng là đầu mối cung cấp con giống, hướng dẫn về kỹ thuật và cam kết bao tiêu toàn bộ sản phẩm cho bà con nông dân. Mô hình liên kết, hỗ trợ nông dân trong chăn nuôi do ông xây dựng đã tập hợp được hàng chục hộ dân tham gia học tập và làm theo. Trại dúi của gia đình ông cũng vì thế mà được nhiều người dân từ các tỉnh bạn đến tham quan, đặt hàng.

Việc nhân rộng mô hình nuôi dúi của gia đình ông đã góp phần tạo công ăn việc làm, thu nhập, nâng cao mức sống của nhiều bà con trong và ngoài tỉnh.

“Trong sản xuất nông nghiệp nói chung, chăn nuôi nói riêng, đầu ra là yếu tố quan trọng nhằm đảm bảo sản xuất bền vững. Người nông dân sẽ không dám mạo hiểm đầu tư vào con vật này khi chưa hiểu về đặc tính của nó. Tuy nhiên, khi gia đình cam kết hỗ trợ con giống, kỹ thuật bao tiêu sản phẩm thì các hộ đã mạnh dạn tham gia đầu tư và có lời. Việc liên kết sản xuất, tạo ra chuỗi giá trị bền vững trong chăn nuôi thì người nông dân mới yên tâm sản xuất và làm giàu”, ông Lệ cho biết.

Từ loài động vật hoang dã sau khi được thuần chủng, dúi trở thành con nuôi mang lại giá trị kinh tế cao, mở ra hướng mới phát triển kinh tế mới cho bà con nông dân tại xã Vân Sơn.

Thức ăn chủ yếu của dúi là gốc tre và mía. Ảnh: Lê Khánh.

Thức ăn chủ yếu của dúi là gốc tre và mía. Ảnh: Lê Khánh.

Ông Lê Bá Thành, Chủ tịch UBND xã Vân Sơn cho biết, gia đình ông Lệ là hộ dân đầu tiên tại xã Vân Sơn nuôi thành công dúi và đem lại hiệu quả kinh tế cao. Hiện nay, trên địa bàn xã có một số mô hình liên kết trong sản xuất sản nông nghiệp, trong đó có hình thức liên kết giữa các nhóm hộ với nhau, giữa nông dân với doanh nghiệp. Đây là một trong hướng đi mới trong sản xuất nông nghiệp, phù hợp với đặc điểm và điều kiện của địa phương.

"Từ việc liên kết này, người nông dân có thể giúp đỡ, hỗ trợ nhau trong sản xuất, giúp tăng năng suất, chất lượng vật nuôi, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm và từng bước nâng cao thu nhập cho gia đình. Đây là tiền đề quan trọng giúp hình thành các chuỗi giá trị trong chăn nuôi đáp ứng nhu cầu của thị trường”, ông Thành nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo ông Thành, việc mở rộng mô hình phát triển chăn nuôi chung chung, nuôi dúi nói riêng trên địa bàn xã còn gặp nhiều khó khăn, do chăn nuôi còn mang tính tự phát, đầu ra chưa ổn định và phụ thuộc quá lớn vào thị trường.

“Muốn mở rộng chăn nuôi bắt buộc phải có quỹ đất và hoàn thiện các thủ tục, quy trình về thuê đất, chuyển đổi mục đích sử dụng đất để phù hợp với quy hoạch. Tuy nhiên, việc mở rộng các trang trại chăn nuôi tại địa phương còn gặp khó khăn do quỹ đất hạn chế. Các hộ dân cũng chưa thật sự mạnh dạn đầu tư các sản phẩm nông nghiệp mới do hạn chế về nguồn vốn và kỹ thuật chăn nuôi”, ông Thành chia sẻ.

Hiện, toàn tỉnh Thanh Hóa phát triển được khoảng 2,25 triệu con nuôi đặc sản với các đối tượng con nuôi phổ biến như: lợn mán, lợn rừng, vịt Cổ Lũng, ba ba, gà Đông Tảo, thỏ, dê, nhím... với hơn 1.000 hộ được cấp phép nuôi. Để phát triển các mô hình này, ngành chuyên môn đã tổ chức các lớp tập huấn, nâng cao kỹ thuật chăn nuôi nhằm giúp người dân có điều kiện phát triển con nuôi đặc sản quy mô lớn theo định hướng thị trường. Các mô hình này hiện là sinh kế bền vững cho bà con nông dân tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Xem thêm
Bí kíp nuôi công an toàn dịch bệnh tại các khu du lịch sinh thái

Hải Phòng Công hiện được nuôi làm cảnh tại nhiều khu du lịch sinh thái, do hằng ngày công tiếp xúc nhiều với khách du lịch nên công tác phòng chống dịch bệnh vô cùng quan trọng.

Dư địa lớn để Sơn La sản xuất nông nghiệp công nghệ cao

Với trên 210 nghìn ha trồng trọt, tỉnh Sơn La mới chỉ có hơn 51ha trồng rau trong nhà màng công nghệ cao, chiếm 0,02% tổng diện tích.

Đầu tư nhà màng cho Mộc Châu: Đã làm, phải lớn

Sơn La Nông dân Mộc Châu có đủ năng lực sản xuất nông nghiệp công nghệ cao. Vì vậy việc hỗ trợ đầu tư hệ thống nhà lưới, nhà màng cần thực hiện ở quy mô lớn.