| Hotline: 0983.970.780

Nuôi dúi

Thứ Năm 09/06/2011 , 11:14 (GMT+7)

Mấy năm trở lại đây, một số hộ dân ở tỉnh Vĩnh Phúc đã thuần hóa nuôi dưỡng thành công loài dúi, hứa hẹn mô hình phát triển kinh tế mang lại lợi nhuận cao.

Dúi là động vật thuộc họ gặm nhấm phân bố ở hầu khắp các vùng nước ta. Hình thù bên ngoài dúi không khác chuột là mấy nhưng khi trưởng thành trọng lượng của dúi có thể đạt 3kg/con. Thịt dúi thơm ngon và nhiều chất dinh dưỡng nên được ưa chuộng. Mấy năm trở lại đây, một số hộ dân ở tỉnh Vĩnh Phúc đã thuần hóa nuôi dưỡng thành công loài dúi, hứa hẹn mô hình phát triển kinh tế mang lại lợi nhuận cao.

>> Những vật nuôi mới lạ

Ăn ít đẻ nhiều

Theo sự giới thiệu của ông Nguyễn Lân Hùng – Tổng thư ký Hội các ngành sinh học Việt Nam, chúng tôi tìm về tỉnh Vĩnh Phúc, địa phương có mô hình nuôi dúi sinh sản thành công từ nhiều năm nay. Vào thăm trang trại dúi lớn nhất Vĩnh Phúc của gia đình anh Dư Văn Hai, thôn Bản Long, xã Minh Quang, huyện Tam Đảo, chúng tôi không khỏi bất ngờ trước quy mô nuôi dúi của gia đình anh. Với hai khu trang trại rộng gần 10 ha, anh Hai dành toàn bộ để phục vụ đàn dúi hơn 1.000 con. Vốn xuất thân từ một gia đình thuần nông nghèo, lớn lên lấy vợ, sinh con anh Hai đã nuôi đủ các loại động vật. Anh rút ra bài học kinh nghiệm, dù nuôi con gì nếu chúng ăn tốn ngũ cốc, nguy cơ dịch bệnh lại cao như hiện nay ít khi người chăn nuôi có được thành công bền vững.

Năm 1999, tình cờ có người dân đi rừng đào được dúi đem bán, anh Hai mua về ăn thử thấy thịt dúi thơm ngon, da dúi dày và giòn như da lợn rừng song giá chỉ đắt hơn thịt bò một chút nên nảy sinh ý định nhân nuôi. Là động vật gặm nhấm, những tưởng nuôi dúi dễ như nuôi chuột đồng, không ngờ đưa vào chuồng được vài hôm là dúi của anh Hai chết như ngả rạ. Nhiều lần dúi con đẻ ra lớn lên được vài lạng đến 1kg nhưng chỉ một lần sơ suất cho thức ăn không đúng khẩu vị là đàn dúi lại lăn đùng ra chết. Hết lứa này đến lứa khác, số tiền anh Hai ném vào con dúi lên tới cả chục triệu đồng. Phải mãi đến năm 2003, khi nắm bắt được đặc tính, thức ăn của loài dúi anh Hai mới bước đầu có được thành công. Anh cho biết, dúi ăn rất ít, một tuần chỉ cần chăn một vài lần song một năm dúi đẻ được từ 2 - 4 lứa; mỗi lứa 3 - 5 con nên nuôi rất nhàn.

Anh Hai khẳng định, vị trí và tương lai của con dúi khác hoàn toàn so với nhím và dế. Nếu như mô hình nuôi dế “chết yểu” bởi không có đầu ra thương phẩm thì thịt dúi bao nhiêu cũng được nhà hàng, khách sạn tiêu thụ hết vì thịt dúi là đặc sản vừa ngon, vừa bổ hợp khẩu vị người Việt. Với con nhím, chủ yếu hiện nay bán giống là chính vì giá nhím thịt quá cao, con dúi lại khắc phục được nhược điểm của nhím bởi giá dúi giống và giá dúi thịt phải chăng, người tiêu dùng hoàn toàn có thể chấp nhận được làm thức hàng ngày.

Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc, CLB nuôi dúi của anh Hai đã có gần 30 thành viên, trước đây đều là thành viên của CLB nuôi dế, nhưng con dế không trụ được nên tất cả chuyển sang nuôi dúi và đang gặt hái được thành công to lớn. Hộ nào nuôi ít cũng vài trăm con dúi đẻ, nhiều như gia đình anh Dư Văn Hai số dúi đẻ lên tới cả nghìn con. Tiếng tăm đồn xa, người dân từ khắp nơi tò mò tới mua dúi giống và dúi thịt. Anh Hai cười bảo, tất cả người nuôi lẫn người ăn khi tới tìm hiểu về con dúi đều rất khoái con vật này.

Quy trình nuôi dúi

Anh Hai cho hay, hiện CLB nuôi dúi của Vĩnh Phúc đang nuôi cả vạn con dúi, đủ cung cấp dúi giống và dúi thịt cho thị trường với số lượng lớn, giá cả phải chăng. Nếu ai có nhu cầu, có thể liên hệ trực tiếp với anh Dư Văn Hai theo địa chỉ trên hoặc số điện thoại - 0987804488.

Theo chia sẻ của anh Hai, nuôi dúi không biết cách rất khó thành công, nhưng khi đã nắm bắt được quy trình, kỹ thuật, tôn trọng đặc tính tự nhiên của loài dúi thì không nuôi con gì nhàn và đơn giản hơn. Với trên 10 năm kinh nuôi dúi, anh Hai vui vẻ phổ biến kinh nghiệm nuôi loài vật này cho người dân như sau:

Chuồng nuôi dúi: Đặc tính ngoài tự nhiên dúi luôn sống trong hang, đào đất nên chuồng nuôi cần rộng rãi, cao ít nhất 60 cm và phải trát để dúi không đào khoét chạy mất. Sàn chuồng nên lát gạch để không bị hấp hơi nước và dúi không thể đào hang. Đặc biệt, chuồng dúi phải có mái che cẩn thận, không được để ánh nắng chiếu trực tiếp sẽ làm dúi bị mù hoặc bị dính nước mưa dúi sẽ chết. Chuồng nuôi xây xong phải để một khoảng thời gian mới đem thả đề phòng dúi liếm phải nước xi măng. Ngoài ra, phân dúi trong chuồng không cần phải dọn, mùa đông phân sẽ giữ ấm cho dúi còn mùa hè phân có chức năng làm mát.

Thức ăn cho dúi: Dúi là loài gặm nhấm nên thức ăn của chúng chỉ nên dùng ba loại sau: Tre bánh tẻ, chít (bông lau) và mía. Các loại thức ăn này sẽ giúp dúi tiêu hóa tốt và mài bộ răng ngày nào cũng dài ra vài mi li mét của chúng. Đối với các loại thực ăn tinh bột như ngô, khoai, sắn… chỉ nên cho dúi ăn một tháng tối đa hai đến ba lần, nếu cho ăn nhiều dúi sẽ đi ngoài, cũng không được cho dúi ăn cỏ voi vì chúng sẽ bị chết vì tắc ruột.

Chăm sóc dúi sinh sản: Tuổi thọ của dúi dao động 5 - 7 năm. Thời gian để dúi từ lúc sinh đến lúc đẻ là 32 tuần (8 tháng). Một năm dúi đẻ từ 2 - 4 lứa; mỗi lứa từ 2 - 6 con. Trước khi đẻ, dúi cái thường nằm riêng ra một góc chuồng, khi đó bà con nên tách dúi ra một ô chuồng riêng để tránh bị các con dúi khác tấn công. Anh Hai khuyến cáo, chỉ nên để lại tối đa 3 con dúi con để tránh việc chúng bú nhiều gây chết dúi mẹ. Tuy nhiên, anh lưu ý người dân nên để dúi con được ba ngày tuổi mới được sờ vào nếu không dúi mẹ sẽ cắn chết toàn bộ dúi con vì phải hơi người. Khi dúi con được 32 ngày tuổi tiến hành tách mẹ và xuất bán làm giống, nuôi đạt đến trọng lượng 2,5 – 3kg có thể đem bán thịt.

Xem thêm
Quan điểm trái chiều về kiểm kê khí nhà kính lĩnh vực chăn nuôi

Hội Chăn nuôi Việt Nam kiến nghị chưa đưa lĩnh vực, cơ sở chăn nuôi vào danh mục phải kiểm kê khí nhà kính trong giai đoạn hiện nay.

Cục trưởng Cục Thú y: ‘Không có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật’

Trước thông tin có lợi ích nhóm trong hoạt động kiểm dịch động vật, Cục trưởng Cục Thú y Nguyễn Văn Long đã đối thoại với các doanh nghiệp để làm rõ tin đồn này.

Lãi gấp đôi khi chuyển sang trồng rau thủy canh

HẢI PHÒNG Mạnh dạn chuyển sang ứng dụng công nghệ mới trong trồng rau, Hợp tác xã nông nghiệp Thái Sơn đã thu được lợi nhuận gấp đôi bình thường ngay trong vụ đầu tiên.

Bình luận mới nhất