| Hotline: 0983.970.780

Nuôi đuông dừa, lợi bất cập hại

Thứ Ba 22/10/2013 , 10:30 (GMT+7)

Đuông là loại dịch hại nguy hiểm, khó phòng trừ nên bị nghiêm cấm nhân nuôi, buôn bán dưới mọi hình thức.

Người trồng dừa ở ĐBSCL từng điêu đứng vì nạn đuông dừa (bọ vòi voi) cắn phá dừa nhưng ở Bến Tre đã xuất hiện một số nông dân lén nuôi đuông lấy nhộng bán cho quán ăn, nhà hàng...

Ông Trần Văn Lâm, ấp 2, xã Long Hòa (Giồng Trôm, Bến Tre) đang nuôi gần 30 thùng đuông dừa, nói: "Tôi nghiên cứu kỹ thuật nuôi đuông hơn 1 năm bây giờ mới thành công, đã đến ngày thu hoạch. Nguồn đuông giống thu mua tại địa phương sau đó cho đẻ và tuyển chọn giống thuần không bị nhiễm ký sinh thì số lượng đuông con (sùng và nhộng) thu hoạch mới nhiều.

Ngoài ra, đuông con đều được thu mua hết với giá 500.000 đ/kg. Đuông phát triển thành nhộng chuyển lên TPHCM bán cho nhà hàng, đuông còn ở dạng ấu trùng (sùng) thì cho vào thùng nuôi khi nào lên nhộng thì bán".

Ông Lâm cho biết thêm, năm 2012 con ông đang học đại học ở TPHCM lên mạng thấy người ta nuôi đuông dừa bán cho nhà hàng lãi cao nên đã về tư vấn cho ông làm. Tổng vốn đầu tư khoảng 40 triệu đồng mua giống, nhà che, mùa thùng đựng… Tuy mới thành công thì có thông tin cấm nuôi nên rất lo.


Ông Lâm thu hoạch đuông dừa

Theo quan sát của chúng tôi thì quy trình nuôi đuông của ông Lâm khá an toàn. Nuôi trong thùng mũ, nắp thùng dùi lỗ để thông khí. Mỗi thùng cho 10 con đuông trưởng thành (5 đực, 5 cái), sau khi đuông đẻ trứng, nở con đến thành nhộng là thu hoạch bán. Chỉ lựa lại 10 con để làm giống tiếp. Đuông chưa mọc cánh thì đã thu hoạch bán hết, nên việc phát tán ra môi trường là rất khó.

Ngoài ra, khu vực ông Lâm phủ trong thùng nuôi 1 cái mùng bằng lưới nên đuông khó phát tán ra ngoài. Mặt khác, trong quá trình thu hoạch, những con đuông bố mẹ còn sống sẽ bị giết ngay tại chỗ, không để cho chúng bay ra ngoài.

Ông Lâm nói: "Cách nuôi đuông của tôi là nuôi trong thùng, bảo vệ rất kỹ, còn ở huyện Bình Đại và ở xã Cái Mơn, huyện Chợ Lách người ta lấy nguyên đọt dừa (mới phá để trồng cây có múi) chở về dựng đại ngoài vườn để nuôi mới nguy hiểm. Những cách làm như thế ngành BVTV cần sớm vào cuộc để bảo vệ SX là thiết thực nhất".

Tại ấp Phú Thành, xã Phú Thuận (Bình Đại) đã hình thành một cơ sở chuyên cung cấp đuông dừa cho tất cả các vùng miền trên cả nước. Trên mạng thì rao bán cung cấp đặc sản đuông dừa Bến Tre. Chính vì vậy mà người dân lại lén lút nuôi đuông để thu lợi nhuận...

Ông Nguyễn Văn Tuyến, Phó Chủ tịch UBND xã Lương Hòa (Giồng Trôm) nói: Ngành nông nghiệp tỉnh đến làm việc với ông Lâm thì ông cho biết con giống bắt ngoài tự nhiên và mua của một số hộ dân với giá 3.000 đ/con. Ông nuôi trong nhà lợp lá vách cây tạp, thức ăn cho đuông là cọng dừa xay nhuyễn. Đoàn kiểm tra đã lập biên bản và yêu cầu ông Lâm ký cam kết bảo vệ nghiêm ngặt và không để đuông trưởng thành phát tán ra môi trường.

Sự việc này đã được Chi cục BVTV Bến Tre và Trung tâm BVTV phía Nam báo cáo Cục BVTV. Theo đó, ngày 27/9/2013, Cục BVTV đã có văn bản nghiêm cấm cấm việc nhân, nuôi đuông dừa dưới mọi hình thức.

Ông Hồ Văn Chiến, Giám đốc Trung tâm BVTV phía Nam cho biết: Đuông dừa thuộc họ vòi voi, bộ cánh cứng phân bố rất rộng rãi trên thế giới. Tại châu Á, đuông gây hại dừa ở hầu hết các nước trong đó có VN. Đuông là loại dịch hại nguy hiểm, khó phòng trừ nên bị nghiêm cấm nhân nuôi, buôn bán dưới mọi hình thức.

Đuông còn gây hại cây cọ dầu, chà là, chuối, mía… Con trưởng thành đẻ trứng vào các vết thương ở gốc, thân và bẹ lá dừa ở phần ngọn. Bọ dừa cái trưởng thành có thể đẻ từ 300 - 500 trứng, sau khi đẻ, trứng tiết ra chất dịch nhằm bảo vệ trứng. Trứng có dạnh hình oval, kích thức từ 1 - 2,5 mm, nở từ 3 - 4 ngày sau khi đẻ.

Ấu trùng mới nở có màu trắng, là loại sùng không có chân, khi đẫy sức có màu vàng nhạt với đầu màu nâu, chiều dài ấu trùng từ 40 - 50 mm, ấu trùng tấn công bằng cách ăn nhu mô trong các hang chúng ở.

Ấu trùng đẫy sức hóa nhộng có lớp màng bao phủ tạo thành kén. Giai đoạn nhộng 3 - 4 tuần. Khi trưởng thành đuông là bọ vòi voi có kích thước khá to, chiều dài biến động 23 - 40 mm. Bọ vòi voi trưởng thành có màu nâu đỏ nhạt, trên cánh có sọc nâu đen chạy song song, ở phần đầu có chấm.

Cục BVTV đã có văn bản yêu cầu các địa phương kiểm tra các hộ hộ nuôi đuông dừa, thu gom để tiêu hủy toàn bộ; xác định rõ nguồn gốc giống đang nuôi để xử lý theo pháp luật. Trường hợp nhập khẩu giống côn trùng sống, phải tuân thủ quy trình tại Thông tư 39/2010/TT-BNNPTNT và Thông tư 40/2012/TT-BNNPTNT ngày 15/8/2013 của Bộ NN-PTNT ban hành.

Xử phạt vi phạm theo quy định tại Nghị định 26/2003/NĐ-CP của Chính phủ về quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bảo vệ và kiểm dịch thực vật. Tuyên truyền, phổ biến quy định cấm nhân nuôi, buôn bán đuông dừa.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Xuất khẩu lô thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo

BẮC NINH Công ty CP Đầu tư và Phát triển công nghệ sinh học Visakan, thuộc Hùng Nhơn Group vừa tổ chức Lễ xuất khẩu lô hàng thuốc thú y đầu tiên sang thị trường Hồi giáo.

Có một ngôi làng Nam bộ bên dòng sông Thu Bồn

QUẢNG NAM Trồng đủ các loại cây trái có giá trị, kinh tế vườn giúp cho hơn 80% hộ dân ở làng Đại Bình thu nhập từ hàng chục đến hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Năng suất sắn tăng 30 - 50% nhờ tưới tiết kiệm

Tại Tây Ninh, áp dụng tưới tiết kiệm đã giúp cây sắn tăng năng suất từ 30 - 50% (đạt 40 - 50 tấn/ha), giảm 40% lượng nước tưới so với tưới tràn.