| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà lông màu VietGAHP theo chuỗi giá trị hiệu quả cao

Thứ Ba 05/12/2023 , 09:00 (GMT+7)

Nuôi gà thịt lông màu VietGAHP, liên kết HTX theo chuỗi giá trị cho kết quả cao về kinh tế, xã hội và môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Tuất - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng khai mạc hội nghị. Ảnh: Đinh Mười.

Ông Nguyễn Ngọc Tuất - Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Phòng khai mạc hội nghị. Ảnh: Đinh Mười.

Ngày 5/12, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia phối hợp với Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng tổ chức tổng kết dự án “Xây dựng mô hình chăn nuôi gà thịt lông màu VietGAHP, liên kết hợp tác xã (HTX) theo chuỗi giá trị tại một số tỉnh phía Bắc”.

Hội nghị có sự tham dự của của đại diện lãnh đạo của Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, các tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Giang, Phú Thọ và hơn 100 đại biểu đại diện cho các hợp tác xã có hoạt động chăn nuôi gà trên địa bàn các địa phương nói trên.

Đây là dự án cấp quốc gia, được triển khai từ tháng 3-12/2023, do Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng chủ trì phối hợp với Trung tâm Khuyến nông các tỉnh Thái Nguyên, Hải Dương, Bắc Giang, Phú Thọ để thực hiện với quy mô 43.000 con gà tại 43 hộ.

Các địa phương được lựa chọn để triển khai là những tỉnh, thành có kinh nghiệm và năng lực trong việc triển khai dự án, phù hợp và đáp ứng nhu cầu thực tiễn phát triển sản xuất chăn nuôi gà và các hộ dân có nhu cầu, đáp ứng đủ điều kiện.

Tiến sĩ Vũ Đức Hạnh - Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, chủ nhiệm dự án báo cáo kết quả triển khai. Ảnh: Đinh Mười.

Tiến sĩ Vũ Đức Hạnh - Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, chủ nhiệm dự án báo cáo kết quả triển khai. Ảnh: Đinh Mười.

Tiến sĩ Vũ Đức Hạnh, Trung tâm Khuyến nông Hải Phòng, chủ nhiệm dự án cho biết, mục tiêu triển khai dự án là để hình thành vùng chăn nuôi gà thịt tập trung gắn với chuỗi liên kết nhằm nâng cao năng suất, chất lượng và giá trị sản phẩm.

Qua đó, giúp nhân rộng và nâng cao kiến thức cho người sản xuất về kỹ thuật chăn nuôi theo VieGAHP. Đồng thời nâng cao năng lực, vai trò của HTX liên kết với doanh nghiệp trong tổ chức sản xuất và bao tiêu sản phẩm cho người dân.

Quá trình triển khai dự án có sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị triển khai dự án với chính quyền địa phương trong chỉ đạo, kiểm tra, triển khai mô hình tại cơ sở để dự án triển khai đạt hiệu quả cao.

Nhiều tiến bộ khoa học công nghệ, được ứng dụng vào sản xuất thúc đẩy tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng của sản phẩm, góp phần nâng cao hiệu quả chăn nuôi.

Dự án đã xây dựng mô hình liên kết từ sản xuất, đến tiêu thụ sản phẩm, về tổ chức sản xuất, đã hình thành nhóm hộ liên kết, tổ hợp tác để cùng nhau ứng dụng khoa học kỹ thuật về giống, quy trình chăm sóc, nuôi dưỡng, cùng nhau mua thức ăn chăn nuôi và vật tư đầu vào với số lượng lớn, được giá rẻ.

Bên cạnh đó, sản phẩm VietGAHP do được kiểm soát tốt nên có chất lượng cao hơn hẳn so với sản phẩm thông thường, dễ bán hơn và bán được giá cao hơn so với sản phẩm chưa áp dụng quy trình này.

Cán bộ kỹ thuật dự án thường xuyên hỗ trợ các hộ chăn nuôi trong suốt quá trình triển khai. Ảnh: Đinh Mười.

Cán bộ kỹ thuật dự án thường xuyên hỗ trợ các hộ chăn nuôi trong suốt quá trình triển khai. Ảnh: Đinh Mười.

Trước khi triển khai dự án, các hộ chưa thực hiện chăn nuôi theo quy trình VietGAHP, thiếu an toàn sinh học, nhập giống không rõ nguồn gốc xuất xứ, không thực hiện đầy đủ quy trình vacxin phòng bệnh, nguy cơ lây lan dịch bệnh.

Bên cạnh đó, tỷ lệ nuôi sống thấp chỉ đạt từ 90 - 93%, chi phí thuốc thú y cao, khoảng 10.000 - 12.000 đồng/con. Chất lượng sản phẩm chưa cao, đây cũng là nguyên nhân để thương lái ép giá. Mối liên kết giữa chủ hộ và các thương lái chưa bền vững, kém hiệu quả do chưa có hợp đồng liên kết tiêu thụ sản phẩm. Hiệu quả kinh tế chưa cao.

Sau khi triển khai chăn nuôi theo tiêu chí kỹ thuật của dự án, tỷ lệ nuôi sống đến xuất chuồng cao, đạt 96,93%, cao hơn so với ngoài mô hình từ 2-3%. Khối lượng bình quân khi gà đạt 14 tuần tuổi là 211 kg/con, cao hơn so với ngoài mô hình khoảng 0,3kg/con.

Thông qua dự án, Trung tâm Khuyến nông các tỉnh, thành phố đã kết nối và xúc tiến được việc ký kết hợp đồng giữa nhóm hộ với doanh nghiệp thu mua sản phẩm để tiêu thụ toàn bộ sản phẩm của mô hình. Việc liên kết đã giúp nâng cao hiệu quả kinh tế xã hội, nâng cao thu nhập và tạo việc làm ổn định cho người chăn nuôi.

"Có thể nói, sản xuất theo quy trình dự án, nhóm hộ duy trì sản xuất, cung cấp sản lượng hàng hóa ổn định hơn so với chăn nuôi đơn lẻ như trước, có sản phẩm thường xuyên với số lượng ổn định, nên có khả năng thực hiện được hợp đồng liên kết với các doanh nghiệp, hợp tác xã tiêu thụ sản phẩm, giúp đầu ra sản phẩm ổn định hơn”, Tiến sĩ Vũ Đức Hạnh cho hay.

"Phú Thọ là một trong những địa phương có tham gia nuôi gà theo dự án. Qua đánh giá cho thấy, các mô hình đều cho kết quả cao về hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường, đem lại thu nhập cho người chăn nuôi, góp phần phát triển chăn nuôi gà bền vững và hạn chế tình trạng ô nhiễm môi trường. Thành công của dự án giúp người dân đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và vệ sinh môi trường trong chăn nuôi, là cơ sở để hình thành vùng chăn nuôi tập trung theo hướng hàng hóa. Mô hình có khả năng phát triển và nhân rộng ra sản xuất đại trà", ông Đặng Ngọc Nga, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Phú Thọ chia sẻ.

Xem thêm
Tập trung tiêu độc khử trùng, ổn định tổng đàn sau mưa lũ

THANH HÓA Nhờ áp dụng các biện pháp phòng chống dịch bệnh hiệu quả, sau mưa lũ tổng đàn vật nuôi trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa vẫn được giữ ổn định.

Hợp tác xã lấy phương châm 'ăn xanh - sống lành'

ĐỒNG NAI Với phương châm 'ăn xanh - sống lành', mô hình kinh tế tuần hoàn của HTX Tâm Minh Quang được xem là kiểu mẫu về phát triển nông nghiệp bền vững tại Đồng Nai.

Ứng dụng công nghệ quảng bá mai vàng

TP.HCM Nhiều hộ nông dân trên địa bàn TP.HCM áp dụng khoa học công nghệ vào chăm sóc mai, ứng dụng các nền tảng mạng xã hội để đưa mai đến người chơi khắp cả nước.

Bình luận mới nhất