| Hotline: 0983.970.780

Nuôi gà gia công, ăn chắc mặc bền

Thứ Ba 28/11/2023 , 10:22 (GMT+7)

Liên kết nuôi gà gia công với doanh nghiệp lớn, thu nhập không cao bằng tự nuôi, nhưng an toàn, phù hợp với những người trẻ, mới khởi nghiệp, ít kinh nghiệm và ít vốn.

 Lê Xuân Thuận đang kiểm tra nhiệt độ trong khu vực úm gà 6 ngày tuổi. Ảnh: Phúc Lập.

 Lê Xuân Thuận đang kiểm tra nhiệt độ trong khu vực úm 6 ngày tuổi. Ảnh: Phúc Lập.

Đó là trường hợp của chàng trai trẻ Lê Xuân Thuận, xã Minh Hưng, huyện Chơn Thành, Bình Phước. Thuận đang nuôi gia công gà lông màu cho công ty nước ngoài.

Trang trại gà của vợ chồng Thuận nằm trong khuôn viên hơn 6.000m2, hiện đang có 2 trại nuôi gà, mỗi trại có diện tích hơn 1.300m2. Bên trong các trại chia thành 3 ô, mỗi ô thả 7.000 con gà, nuôi dưới đệm lót sinh học.

Thuận cho biết, trước khi ký hợp đồng gia công, phía công ty sẽ đến khảo sát điều kiện chăn nuôi của mình. Sau đó đầu tư con giống, thức ăn cho mình. Định kỳ họ xuống kiểm tra, tiêm phòng và tư vấn kỹ thuật.

Năm 2020, Thuận được người anh vợ hỗ trợ vay vốn ban đầu để đầu tư chuồng trại khép kín hết hơn 1 tỷ đồng. Theo yêu cầu của phía công ty, trại gà trang bị đầy đủ các trang thiết bị hiện đại như máng ăn tự động, hệ thống làm mát, hệ thống gas tạo máy sưởi, xử lý chất thải, điện chiếu sáng, quy mô mỗi lứa khoảng 21.000 con gà.

Tại trang trại, dù đàn gà mới 6 ngày tuổi, còn đang úm, nhưng bằng mắt thường có thể nhận ra bộ lông của chúng không đồng nhất. Thuận cho biết, phía công ty giao nhiều giống gà chứ không phải chỉ 1 loại. Đó là gà tam hoàng, lương phượng, Bình Định.

“Thực ra, nếu nuôi không khéo không có ăn đâu. Nếu không muốn nói là lỗ. Sau mỗi lứa gà gần 2 tháng, với mỗi trại 18.000 con, mình phải giao lại cho công ty 30 tấn gà hơi. Như vậy, nuôi làm sao để trọng lượng gà thành phẩm phải đạt bình quân 1,7kg mới đủ sản lượng.

Trường hợp dư Thuận hưởng, thiếu phải đền. Mỗi trại như thế này họ trả công 130 triệu đồng/lứa. Nhưng số tiền này chi phí gần hết rồi. Ví dụ tiền gas để úm gà con mỗi lứa hết khoảng 18 triệu, tiền điện gần 20 triệu, tiền trấu 15 triệu, thuê mặt bằng 20 triệu/tháng, tiền công thuê đội bắt từng con gà nhỏ thuốc mắt, 500 đồng/con, tính ra cũng 20 triệu 1 trại này chứ không ít." Thuận chia sẻ.

Đây là mô hình nuôi gà lông màu, bao gồm nhiều giống như tam hoàng, Lương phượng. Ảnh: Hồng Thủy.

Đây là mô hình nuôi gà lông màu, bao gồm nhiều giống như tam hoàng, Lương phượng. Ảnh: Hồng Thủy.

Cũng theo Thuận, mỗi lứa gà chỉ nuôi dưới 2 tháng, nhưng sau khi xuất chuồng, còn phải thu dọn phân, trấu, tổng vệ sinh chuồng trại, khoảng 1 tháng sau công ty mới giao giống tiếp, vì thế, một năm chỉ nuôi được 3 lứa rưỡi chứ không được 4 lứa.

Như vậy, mỗi lứa gà mất 3 tháng, tức là 60 triệu tiền mặt bằng. Chỉ tính các khoản chi chính thôi đã hết hơn trăm triệu rồi. Đó là chưa tính nếu phải thuê nhân công phải trả mỗi tháng 10 triệu, 3 tháng 30 triệu. Ngoài ra còn những chi phí lặt vặt khác nữa. Cho nên, muốn có ăn thì phải nuôi tốt để giảm hao hụt và tăng trọng tốt, nếu gà đạt trọng lượng bình quân từ 1,8-2kg/con lời kha khá, phần sản lượng dôi dư.

Thuận cho biết, để có thêm thu nhập, anh phải tăng đàn, nuôi thêm. Bình quân mỗi trại anh có thể dư từ 1 đến gần 2 tấn từ sản lượng và số gà dôi dư do nuôi thêm. Với mỗi tấn tương đương 37 triệu đồng, bình quân mỗi tháng Thuận thu nhập khoảng 30 triệu đồng.

“Như diện tích này, công ty giao 18 ngàn con, mình có thể bỏ thêm vào nuôi khoảng 2 ngàn con nữa. Chứ thả nhiều quá cũng không được. Ngoài ra, sau mỗi lứa gà, số phân trấu cũng bán được 30 triệu đồng”.

Thuận cho biết, do ít vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh chọn cách khởi nghiệp an toàn. Ảnh: Hồng Thủy.

Thuận cho biết, do ít vốn, chưa có nhiều kinh nghiệm nên anh chọn cách khởi nghiệp an toàn. Ảnh: Hồng Thủy.

Theo Thuận, nuôi gia công trại lạnh thu nhập có thể thấp nhưng an toàn. “Nếu có vốn tự đầu tư, nuôi trại hở, thì rủi ro không ít, ngoài vấn đề dịch bệnh khó lường, giá cả thị trường bấp bênh nên lời nhiều và lỗ cũng không ít.

Còn nuôi gia công thế này có thể an tâm về vấn đề dịch bệnh, vì phía công ty tiêm vacxin định kỳ, giám sát thường xuyên, có chuyện gì họ xử lý ngay. Vấn đề nữa là không phải lo đầu ra”, Thuận nói.

“Nếu có vốn, mình tự đầu tư trại lạnh, nuôi đúng quy trình sẽ an tâm về phòng dịch bệnh, lời nhiều. Nhưng nuôi số lượng lớn phải tính đến đầu ra, chứ nếu không, đàn gà vài chục ngàn đến cả trăm ngàn con, chỉ cần xuất chậm 1 ngày là tốn hàng chục triệu chi phí rồi. Bản thân em chưa có vốn, kinh nghiệm chưa nhiều nên chọn cách an toàn là nuôi gia công. Khi nào mình “đủ lông đủ cánh”, có vốn thì mới dám nghĩ đến chuyện đầu tư làm lớn”, Lê Xuân Thuận tâm sự.

Xem thêm
Giám sát sức khỏe đàn vật nuôi thời điểm giao mùa

ĐBSCL Ngành chuyên môn khuyến cáo người dân chú trọng tiêm phòng vacxin đầy đủ cho vật nuôi để an toàn trong thời điểm giao mùa và dịp người chăn nuôi tăng đàn phục vụ Tết.

Hà Nội xây dựng mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch

Mô hình sản xuất rau an toàn gắn với du lịch sinh thái và trải nghiệm ở Văn Đức đã tích hợp được đa giá trị, nâng cao khả năng sản xuất, tiêu thụ.

Giống sắn HN1 năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá

Chi cục Trồng trọt và BVTV Bình Thuận triển khai 2 mô hình trồng giống sắn HN1 tại các huyện Đức Linh và Hàm Tân đều cho năng suất vượt trội, kháng bệnh khảm lá.