| Hotline: 0983.970.780

Nuôi heo đen, nghề giảm nghèo của người dân vùng cao

Thứ Tư 11/10/2023 , 10:32 (GMT+7)

Trong các nghề nông nghiệp ngành chức năng đào tạo cho người dân huyện An Lão (Bình Định) để làm ăn thoát nghèo có nghề nuôi heo bản địa (heo đen) cho thu nhập cao…

Hiệu quả từ việc đào tạo nghề nông nghiệp

Nghe chúng tôi muốn tận mắt nhìn thấy những đổi thay của đồng bào dân tộc thiểu số ở những thôn bản vùng sâu, vùng xa trên địa bàn huyện An Lão (Bình Định), anh Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện hăng hái đưa chúng tôi về xã An Trung, để “mục sở thị” nghề nuôi heo bản địa (heo đen), một nghề đem lại đồng bào vùng cao thu nhập ổn định.

Trên đường đi, anh Biểu trò chuyện: Công tác đào tạo nghề ở An Lão tập trung vào những loại cây trồng và vật nuôi chủ lực. Trong những năm qua, để góp phần giảm nghèo bền vững cho bà con, ngành chức năng huyện An Lão phối hợp với Trung tâm Giáo dục thường xuyên huyện đào tạo cho người dân các địa phương vùng sâu, vùng xa những nghề nuôi heo đen, nuôi trâu, bò và trồng cây có múi.

Riêng năm 2023, An Lão đã mở 14 lớp dạy nghề nông nghiệp với 455 học viên theo học, gồm các nghề: Nuôi heo rừng, nuôi heo thả, nuôi và phòng trị bệnh cho trâu bò, trồng bưởi da xanh. Khi được hỗ trợ giống, bà con đã nắm được quy trình sản xuất nên chăn nuôi, trồng trọt đạt hiệu quả.

Heo đen nuôi ở An Lão (Bình Định) sống trong môi trường thả rông, ăn phụ phẩm nông nghiệp nên thịt rất ngon, có giá trị cao. Ảnh: V.Đ.T.

Heo đen nuôi ở An Lão (Bình Định) sống trong môi trường thả rông, ăn phụ phẩm nông nghiệp nên thịt rất ngon, có giá trị cao. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo anh Biểu, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế - xã hội các vùng đồng bào dân tộc thiểu số, huyện An Lão cấp giống heo đen để bà con nuôi. Từ 3 - 4 con giống ban đầu, ở An Lão hiện nay có nhiều hộ đã nhân đàn heo đen lên đến 30 - 40 con. Nuôi heo đen được xác định là nghề giảm nghèo bền vững cho bà con ở đây.

Theo anh Phạm Minh Tâm, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện An Lão, heo đen là vật nuôi chủ lực của đồng bào dân tộc thiểu số ở huyện này vì đây là vật nuôi bản địa, dễ nuôi, phù hợp với tập quán của bà con.

“Giá trị của heo đen luôn cao hơn các giống heo khác, nuôi 1 con heo đen khoảng 9 tháng bà con bán được 4 - 5 triệu đồng. Một năm nuôi mấy lứa heo mỗi hộ kiếm được 40 - 50 triệu đồng, lấy tiền nuôi heo bà con đầu tư chăm sóc rừng trồng. Đến kỳ khai thác rừng trồng bà con cầm được số tiền lớn xây dựng được nhà cửa khang trang”, anh Tâm chia sẻ.

Phát triển mạnh nghề nuôi heo đen

Chị Đinh Thị Phúc, cán bộ nông nghiệp xã An Trung (huyện An Lão) đưa chúng tôi đi thăm một số mô hình nuôi heo đen ở thôn 8. Heo được nuôi trong chuồng xây dựng đơn sơ, chuồng chủ yếu chỉ để chúng tránh mưa tránh nắng chứ không gian sinh hoạt của chúng rất rộng, cả vườn rừng mênh mông. Heo đen không tăng trọng nhanh và to lớn như heo nuôi ở miền xuôi, nhưng giá trị của chúng rất cao, vì chất lượng thịt ngon và được thị trường chấp nhận.

Anh Phạm Minh Tâm, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện An Lão đi thăm mô hình nuôi heo đen của 1 hộ dân ở thôn 8 xã An Trung. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Phạm Minh Tâm, Phó Trưởng phòng phụ trách Phòng Dân tộc huyện An Lão đi thăm mô hình nuôi heo đen của 1 hộ dân ở thôn 8 xã An Trung. Ảnh: V.Đ.T.

“Heo đen nuôi thả rông, không cho ăn cám công nghiệp như heo nuôi ở miền xuôi, chúng chỉ được cho ăn các loại phụ phẩm nông nghiệp nên chi phí đầu vào thấp, thịt rất chất lượng. Là giống heo bản địa, nên heo đen đã thích ứng với thời tiết, khí hậu tại địa phương, lại có sức đề kháng cao nên chống chọi với dịch bệnh rất tốt”, chị Đinh Thị Phúc cho hay.

Theo anh Đỗ Đình Biểu, để mô hình ngày càng được nhân rộng, sau khi được cấp giống heo đen, nuôi trong thời gian 1 năm trở lại hộ dân phải đối ứng bằng tiền 15% giá trị con heo để tiếp tục đầu tư cho hộ khác; đối với đại gia súc và cây trồng thì sau 1 năm hộ nông dân đối ứng 20%.

Trước đây, việc mua giống heo đen để cấp cho người dân phải được tổ chức đấu thầu, doanh nghiệp trúng thầu muốn mua giống ở địa phương nào cũng được. Bây giờ dự án đã cho phép mua heo tại chỗ, nên trước khi xây dựng dự án, ngành chức năng và các địa phương xem xét trên địa bàn đang có bao nhiêu hộ nuôi heo đen, tổng đàn bao nhiêu con, số lượng có đáp ứng được dự án không, nếu đủ con giống để mua thì triển khai. Ở An Lão vườn rừng nhiều, nhiều hộ nuôi heo đen trang trại nên hiện nay giống heo đen không thiếu để phục vụ cho dự án.

Anh Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão tại nhà 1 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 8 xã An Trung ăn nên làm ra nhờ chăn nuôi và trồng rừng. Ảnh: V.Đ.T.

Anh Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão tại nhà 1 hộ dân đồng bào dân tộc thiểu số ở thôn 8 xã An Trung ăn nên làm ra nhờ chăn nuôi và trồng rừng. Ảnh: V.Đ.T.

“Mua giống heo đen tại chỗ có nhiều cái lợi, trước tiên là chúng phù hợp với thời tiết, khí hậu, điều kiện sống tại địa phương nên dễ ăn, dễ nuôi, phát triển nhanh. Mua heo giống ở nơi khác về đây nuôi điều kiện sống đổi khác nên nuôi ít hiệu quả hơn”, anh Đỗ Đình Biểu chia sẻ.

“Heo đen là sản phẩm chủ lực của huyện An Lão, hiệu quả kinh tế mang lại rất cao, hiện đang được tiêu thụ trong và ngoài tỉnh, góp phần không nhỏ trong công tác giảm nghèo bền vững của địa phương. Heo đen của An Lão được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao, được Cục Sở hữu trí tuệ chứng nhận quyền sở hữu sản phẩm”, anh Đỗ Đình Biểu, Trưởng phòng NN-PTNT huyện An Lão.

Xem thêm
Ông Đinh Thế Huynh nhận huy hiệu 50 năm tuổi Đảng

Trao quyết định và tặng hoa, ông Trần Cẩm Tú chúc mừng ông Đinh Thế Huynh đón nhận Huy hiệu 50 năm tuổi Đảng - phần thưởng cao quý của Đảng.

Nhiều dự án nông nghiệp do Ngân hàng Thế giới tài trợ đạt kết quả tốt

Chiều 22/11, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Lê Minh Hoan tiếp Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới vùng Đông Á – Thái Bình Dương Manuela V. Ferro.

Nhận quà khủng, chủ xe VF 6 chốt cọc với mức giá từ 579 triệu đồng

VF 6 đang là mẫu xe đáng mua nhất phân khúc khi chi phí bỏ ra cho chiếc xe chưa đến 600 triệu đồng nhưng giá trị nhận được thì vượt xa con số này.

Hơi ấm cộng đồng giúp người dân Lục Yên gượng dậy sau bão

Yên Bái Vượt qua những đau thương, mất mát do thiên tai càn quét, những ngày này chính quyền và người dân ở huyện Lục Yên đang gượng dậy khôi phục sản xuất, dựng lại nhà ở.