| Hotline: 0983.970.780

Thoát nghèo nhờ cây sầu riêng

Thứ Bảy 07/10/2023 , 13:34 (GMT+7)

KHÁNH HÒA Nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cây sầu riêng đã bén duyên trên huyện miền núi Khánh Sơn, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Đồng bào ấm no nhờ sầu riêng

Sơn Bình là một trong 7 xã của huyện miền núi Khánh Sơn gồm 4 thôn Cô Lắc, Liên Hòa, Liên Bình, Xóm Cỏ. Toàn xã có 5 dân tộc: Kinh, Raglai, Mường, Tày, Hoa cùng sinh sống, trong đó dân tộc Raglay chiếm trên 75% dân số toàn xã.

Ông Văn Tấn Đạt, thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình cho biết, nhờ sầu riêng mà gia đình trở nên khá giả hơn. Ảnh: KS.

Ông Văn Tấn Đạt, thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình cho biết, nhờ sầu riêng mà gia đình trở nên khá giả hơn. Ảnh: KS.

Những năm trước đây, tỷ lệ hộ nghèo và hộ cận nghèo của xã này chiếm hơn 61%. Tuy nhiên những năm gần đây, theo ông Nguyễn Quốc Phong, Chủ tịch UBND xã Sơn Bình cho biết, nhờ sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, cùng với thực hiện đẩy mạnh chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả sang cây ăn quả, nhất là cây sầu riêng đã giúp bà con trên địa bàn thu nhập hiệu quả, tỷ lệ hộ nghèo ngày càng thuyên giảm. Tính đến cuối năm 2022, toàn xã Sơn Bình còn 307 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 30%.

“Hiện nay tổng diện tích cây lâu năm trên địa bàn xã Sơn Bình 511 ha, trong đó 380 ha sầu riêng đang thời kỳ kinh doanh, với tổng sản lượng hơn 3.000 tấn. Có thể nói, cây sầu riêng đã giúp nhiều bà con thoát nghèo, vươn lên khá giả”, ông Phong chia sẻ.

Điển hình như gia đình ông Văn Tấn Đạt, thôn Liên Hòa, xã Sơn Bình trước đây thuộc hộ nghèo trong xã. Do đông con (5 người) và không biết trồng cây gì để mang lại hiệu quả kinh tế nên cuộc sống gia đình ông cứ lay lắt, thiếu thốn trăm bề.

Nhờ sầu riêng mà nhiều gia đình ở Sơn Bình thoát nghèo. Ảnh: KS.

Nhờ sầu riêng mà nhiều gia đình ở Sơn Bình thoát nghèo. Ảnh: KS.

Mãi đến năm 2008, khi địa phương hỗ trợ cho gia đình ông và bà con đồng bào thiểu số phát triển cây sầu riêng thì cuộc sống mới bớt khó khăn.

Theo ông Văn Tấn Đạt, nhờ khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp, cây sầu riêng đã bén duyên tại xã Sơn Bình nói riêng và huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa) nói chung, giúp nhiều hộ dân vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Đến nay, gia đình ông Đạt đã phát triển 5ha sầu riêng, trong đó 2ha đã cho thu quả, bình quân mỗi năm thu về lợi nhuận từ 700 - 800 triệu đồng. Riêng năm nay, nhờ sầu riêng được mùa, được giá lên đến 70 - 80 ngàn đồng/kg sầu Mongthong (cao nhất từ trước đến nay) nên gia đình ông thu về hơn 2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí ông lãi hơn 1,5 tỷ đồng.

Chỉ căn nhà mái Thái trị giá 1,5 tỷ đồng đã cất xong vào năm ngoái, ông Đạt bảo, đó là nhờ sầu riêng mà ra, chứ trước đây, gia đình phải sống trong căn nhà đơn sơ, lụp sụp. Không chỉ gia đình ông Đạt, nhiều gia đình khác trong huyện Khánh Sơn cũng đổi đời nhờ cây sầu riêng.

Ông Bo Bo Khá cho biết, cây sầu riêng giúp bà con đồng bào ấm no hơn. Ảnh: KS.

Ông Bo Bo Khá cho biết, cây sầu riêng giúp bà con đồng bào ấm no hơn. Ảnh: KS.

Ông Bo Bo Khá ở tổ dân phố Hạp Thịnh, thị trấn Tô Hạp cũng khẳng định, nhờ cây sầu riêng mà đời sống người dân, nhất là bà con đồng bào ấm no hơn. “Trước đây, người dân tộc thiểu số ở huyện chỉ biết trồng mía, cà phê. Nay, bà con trồng sầu riêng, thu nhập cao hơn nên hiện cùng nhau phát triển diện tích”, ông Khá chia sẻ.

Như gia đình ông Khá hiện phát triển sầu riêng lên đến 2ha, trong đó 120 cây đang trong thời kỳ kinh doanh. Vụ sầu riêng năm nay, ông thu 200 triệu đồng, rất phấn khởi.

Tiếp tục hỗ trợ người dân thoát nghèo

Theo ông Nguyễn Quốc Đông, Phó Chủ tịch UBND huyện Khánh Sơn, địa phương là một huyện miền núi, đa số là người đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, tỷ lệ hộ nghèo cao, trình độ tiếp cận với các ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất còn nhiều hạn chế. Cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất chưa thật sự thuận lợi; doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp hiệu quả chưa cao.

Trước tình hình chung đó, để hỗ trợ người dân trong việc thoát nghèo trong thời gian tới và tạo ra các cơ hội tạo thu nhập ổn định, huyện sẽ tập trung tuyên truyền vận động người dân tham gia triển khai thực hiện đồng bộ và có hiệu quả các chương trình trên địa bàn huyện như: Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới. Đồng thời, chú trọng hỗ trợ phát triển sản xuất nâng cao thu nhập ổn định cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Gia đình ông Bo Bo Khá hiện phát triển sầu riêng lên đến 2ha. Ảnh: KS.

Gia đình ông Bo Bo Khá hiện phát triển sầu riêng lên đến 2ha. Ảnh: KS.

Tuy nhiên để thực hiện tốt nhiệm vụ giảm nghèo, huyện sẽ tập trung vào các thế mạnh sẵn có như hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp trên cơ sở xác định các cây trồng chủ lực (chẳng hạn như sầu riêng), kết hợp du lịch cộng đồng, du lịch canh nông được xem là quan trọng và có tiềm năng mang lại hiệu quả kinh tế.

Bên cạnh đó, huyện sẽ từng bước nâng cao nhận thức, chuyển đổi tư duy của người dân về phát triển kinh tế nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới và thực hiện chuyển đổi số trong nông nghiệp; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp của địa phương.

Cùng với đó, phát triển mạnh về cây chủ lực của địa phương, gia tăng giá trị cho sản phẩm của huyện thông qua Chương trình OCOP; hình thành các vùng trồng cây ăn quả tập trung đạt chuẩn cấp mã số vùng trồng và thực hiện liên kết các chuỗi giá trị, các nhóm cộng đồng phát triển sản xuất để góp phần hoàn thành các Chương trình mục tiêu quốc gia trong giai đoạn 2021 - 2025. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ cao trong thâm canh cây trồng chủ lực của địa phương để nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm, hướng đến xuất khẩu cho cây trồng chủ lực gồm sầu riêng, chuối, bưởi da xanh, mía tím.

Thực hiện mục tiêu Nghị quyết số 09-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, đến năm 2025, hai huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh phải thoát nghèo. Đến nay, tỉnh Khánh Hòa còn 10.826 hộ nghèo, chiếm 3,2%, giảm 2.051 hộ, mức giảm hộ nghèo đạt 0,66%. Trong đó, huyện Khánh Sơn còn 3.062 hộ, Khánh Vĩnh 4.211 hộ.

Xem thêm
Xuất khẩu rau quả Việt Nam năm 2024 sẽ đạt 7,2 tỷ USD

Tổng Thư ký Vinafruit cho biết, kim ngạch xuất khẩu rau quả Việt Nam tăng từ 3,3 tỷ USD năm 2022 lên 5,6 tỷ USD năm 2023 và sẽ đạt 7,2 tỷ USD năm nay.

1.900 người tham gia Ngày hội việc làm huyện Đại Từ năm 2024

Thái Nguyên Sáng 28/11, huyện Đại Từ tổ chức Ngày hội việc làm kết nối cung cầu lao động, Tư vấn hướng nghiệp năm 2024.

Hộp quà bất ngờ từ Vinamilk mang niềm vui ấm áp đến trẻ em vùng cao

'Hộp quà bất ngờ' của Vinamilk đã xuất hiện tại Trường Mầm non Sinh Long huyện miền núi Na Hang, tỉnh Tuyên Quang vào một ngày trời trở rét đậm.