Nhờ tận dụng nguồn tài nguyên bản địa ở vùng đệm Vườn Quốc gia Tràm Chim, ở huyện Tam Nông (Đồng Tháp), ông Trần Văn Sơn, ở ấp Phú Hòa, xã Phú Thành B, đã tiên phong khởi nghiệp từ mô hình nuôi le le và vịt trời đem lại nguồn thu nhập gần 200 triệu đồng/năm.
Đối với mô của ông Sơn, đã dành riêng ra khoảng 3.000m2 đất quanh nhà, đào ao, bao lưới, lập trang trại để khởi nghiệp với mô hình nuôi vịt trời và le le.
Đây là hai loài động vật hoang dã nên khi nuôi và bán cho khách hàng, ông Sơn phải phải đăng ký với cơ quan chức năng.
Từ 20 cặp le le giống và 60 con vịt trời ban đầu, sau hơn 2 năm nuôi đến nay trong trang trại của ông Sơn đã có hàng trăm con le le lớn nhỏ và vịt trời các loại.
Ngồi trong trang trại cho le le, vịt trời ăn, ông Trần Văn Sơn vui vẻ chia sẻ: Hiện, trang trại của ông Sơn nhân giống hơn 300 con le le, với khoảng 300 con vịt trời.
Hiện đối với vịt trời thương phẩm cứ 10-15 ngày cho xuất bán cho thương lái từ 30-40 con, với giá bán từ 220-230 nghìn đồng/con (mỗi con nặng từ 1-1,2kg).
Le le cũng đang tăng đàn, hiện có trên 50 cặp bố mẹ và le le hậu bị khoảng 100 con sang năm sẽ cho sinh sản tiếp tục.
Nói về kỹ thuật nuôi le le, vịt trời ông Sơn chia sẻ thêm, đối với 2 vật nuôi này khi chúng còn nhỏ cho ăn thức ăn công nghiệp có nhiều độ đạm.
Khi lớn, cho ăn bổ sung thêm nhiều loại thức ăn hiện có dễ tìm ở địa phương như: lúa, rau muống, lục bình và chuối bằm.
Le le, vịt trời nuôi thương phẩm từ 3-5 tháng trở lên có thể xuất bán và đối với le le và vịt trời bố mẹ nuôi từ 8-9 tháng bắt đầu cho sinh sản.
Le le thường đẻ vào tháng 9 đến tháng 3 năm sau (âm lịch), số lượng đẻ của le le từ 8 - 10 trứng/lần, nếu cho le le ăn đầy đủ dinh dưỡng thì mỗi ổ đẻ tăng lên 12-13 trứng.
Về vịt trời, thời gian sinh sản cũng giống như le le, thường đẻ một ổ khoảng 12 trứng.
Bên cạnh đó, ông Sơn còn dùng máy ấp trứng le le, vịt trời để bán con giống ra thị trường cả ĐBSCL. Hiện, 2 lò ấp trứng le le, vịt trời của ông Sơn đang hoạt động ngày đêm, với công suất ấp mỗi lò từ 300 - 400 trứng.
“Nuôi le le với vịt trời, hai đối tượng này rất dễ nuôi, vì nó là động vật hoang dã cho nên sức đề kháng rất cao, ít dịch bệnh. Yêu cầu người nuôi cho ăn đầy đủ thức ăn chúng nhanh lớn và cho đẻ trứng tốt.
Nuôi le le, vịt trời sẽ cho thu nhập ổn định, sau khi trừ chi phí mỗi tháng bỏ túi từ 10-15 triệu đồng”, ông Trần Văn Sơn cho biết.
Ông Nguyễn Thanh Hồng, Trưởng Phòng NN-PTNT huyện Tam Nông, Đồng Tháp nhận xét, mô hình nuôi le le, vịt trời của ông Trần Văn Sơn là mô hình mới cần phát triển, ban đầu gia đình ông Sơn được sự hỗ trợ của địa phương, đã cải tạo đất ruộng thành trang trại nuôi.
Từ những con giống ban đầu, đến nay trang trại của ông Sơn tăng lên hàng trăm con. Ngoài việc bán le le và vịt trời thương phẩm, gia đình ông Sơn còn bán con giống mỗi năm lên hàng trăm con ra thị trường tạo thu nhập ổn định, vươn lên thoát nghèo.
Ngoài ra mô hình của ông Sơn đạt giải 3, cuộc thi ý tưởng dự án khởi nghiệp sáng tạo cấp huyện và đang được địa phương hỗ trợ nhân rộng, mở rộng quy mô, xây dựng thương hiệu cho địa phương để góp phần vào việc xây dựng nông thôn mới.
Mới đây, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong đến thăm mô hình nuôi le le, vịt trời của gia đình ông Trần Văn Sơn đã được Bí thư tỉnh ủy Đồng Tháp đánh giá cao ý tưởng khởi nghiệp độc đáo và tính sáng tạo, cách làm mới cho địa phương.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp còn yêu cầu chính quyền địa phương và gia đình ông Sơn xem xét, theo dõi và chuyển giao kinh nghiệm và kỹ thuật nuôi cho những người có nhu cầu nuôi le le, vịt trời.
Từ đó để góp phần chuyển đổi cơ cấu vật nuôi phù hợp với thổ nhưỡng và khí hậu nhằm nâng cao thu nhập kinh tế gia đình, thoát nghèo, ổn định cuộc sống, thúc đẩy nền kinh tế xã hội ở địa phương phát triển.