| Hotline: 0983.970.780

Nuôi lươn không bùn, 5m2 lãi 20 triệu đồng/năm

Thứ Hai 07/10/2024 , 17:15 (GMT+7)

HÀ TĨNH Nuôi lươn không bùn giúp kiểm soát tốt môi trường, hạn chế được rủi ro, có thể nuôi dưới nhiều hình thức như trong bể xi măng, bể composite hay trong bể lót bạt.

Lươn là đối tượng thủy sản có giá trị cao về dinh dưỡng, được thị trường rất ưa chuộng. Đặc biệt, nuôi lươn có thể tận dụng diện tích ở quy mô nông hộ để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Tại Hà Tĩnh, mô hình nuôi lươn không bùn là hướng đi phù hợp, đã được nhiều người dân mạnh dạn đầu tư nuôi và cho nhiều kết quả tích cực, lợi nhuận cao.

Nuôi lươn không bùn có thể tận dụng diện tích ở quy mô nông hộ để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nuôi lươn không bùn có thể tận dụng diện tích ở quy mô nông hộ để phát triển kinh tế gia đình, tăng thu nhập. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Cải tạo chuồng lợn nuôi lươn

Cơ sở nuôi lươn không bùn của anh Lê Văn Đức tại thôn Quý Hải, xã Thạch Ngọc là một trong những mô hình thành công tại huyện Thạch Hà (Hà Tĩnh). Năm 2023, anh lặn lội vào tỉnh Hậu Giang học tập kinh nghiệm tại các mô hình nuôi lươn thành công tại đây và đặt mua con giống về nuôi. Anh thuê trang trại với diện tích 1,5ha và đầu tư xây dựng 22 bể nuôi lươn không bùn bằng xi măng, trong đó có 16 bể nuôi lươn thịt cùng 6 bể ươm nuôi con giống.

Theo anh Đức, lươn có đặc tính ưa tối, thích trú ẩn, thường sống chui rúc trong bùn, ruộng, mương, đồng cỏ… nên khi nuôi bằng kỹ thuật không bùn trong bể xi măng, anh Đức đã tạo nơi trú ẩn cho lươn bằng cách làm các giá thể bằng dây nilon đen. Anh lát gạch men dưới đáy bể nhằm tạo môi trường trơn, nhẵn, hạn chế làm xây xát khi lươn vận động.

Anh Lê Văn Đức tự ươm, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn cho các hộ nuôi trên địa bàn. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Anh Lê Văn Đức tự ươm, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn cho các hộ nuôi trên địa bàn. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Anh Đức cho biết, nuôi lươn không bùn không quá khó, chỉ cần nắm vững kỹ thuật là thành công. Với 16 bể nuôi lươn thịt, mỗi bể 9m2, anh thả lươn giống ban đầu với mật độ 400 con/m2 (con giống đạt 500 con/kg). Sau hơn 11 tháng nuôi anh thu hoạch lứa đầu tiên đạt hơn 10 tấn lươn thương phẩm, trọng lượng đạt 3 - 5 con/kg, thu về gần 1,2 tỷ đồng, sau khi trừ chi phí lãi hơn 600 triệu đồng.

Hiện tại, anh đang nuôi lứa tiếp theo, dự kiến hơn 1 tháng nữa sẽ cho thu hoạch, sản lượng ước đạt gần 5 tấn lươn thương phẩm và 10 vạn con độ tuổi từ 1 - 2 tháng. Ngoài ra, anh còn ươm, cung cấp giống và hướng dẫn kỹ thuật nuôi lươn cho các hộ nuôi trên địa bàn.

Trước đây, gia đình bà Đào Thị Mai tại thôn Xuân Sơn, xã Lưu Vĩnh Sơn (huyện Thạch Hà) chủ yếu chăn nuôi lợn. Do dịch bệnh, giá cả và đầu ra khó khăn nên chuồng đã bỏ trống nhiều năm nay. Sau khi tham quan các mô hình nuôi lươn thành công trên địa bàn, gia đình bà đã cải tạo chuồng nuôi lợn thành các bể nuôi lươn không bùn.

Nuôi lươn không bùn rất hiệu quả, đầu tư bể nuôi cũng đơn giản, chi phí thức ăn ít, không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Nuôi lươn không bùn rất hiệu quả, đầu tư bể nuôi cũng đơn giản, chi phí thức ăn ít, không tốn nhiều thời gian chăm sóc. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Cuối năm 2023, bà đặt mua hơn 1 vạn con giống về nuôi. Theo bà Mai, mô hình nuôi lươn rất hiệu quả, đầu tư bể nuôi cũng đơn giản, chi phí thức ăn ít, không tốn nhiều thời gian, mỗi ngày chỉ phải bỏ ra khoảng 15 phút cho lươn ăn và thay nước, làm sao đảm bảo nước luôn sạch và trong thì lươn sẽ đỡ bệnh. Nhờ chịu khó học hỏi kỹ thuật, mô hình nuôi lươn không bùn của bà Mai đã thành công. Sau gần 1 năm, bà Mai chuẩn bị thu hoạch lứa đầu tiên với sản lượng ước đạt gần 2 tấn lươn thương phẩm, thu về gần 300 triệu đồng. 

5m2 lãi 20 triệu đồng/năm

Mỗi năm, trang trại lươn Bình An tại xã Thạch Đài (Thạch Hà, Hà Tĩnh) cung cấp ra thị trường hơn 25 tấn lươn thịt. Anh Phạm Ngọc Dung - chủ trang trại lươn Bình An cho biết: Nhận thấy lươn là đối tượng thủy sản có giá trị cao về dinh dưỡng, được thị trường rất ưa chuộng, có thể nuôi dưới nhiều hình thức như trong bể xi măng, bể composite hay trong bể lót bạt, đầu năm 2023, anh đầu tư hơn 1,5 tỷ đồng để mua 45 bể composite cùng các dụng cụ nuôi, thức ăn và lươn giống. Mỗi năm anh chia thả giống 3 lần, cách nhau 1 - 2 tháng.

Hệ thống nuôi lươn không bùn bằng bể composite của trang trại lươn Bình An. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Hệ thống nuôi lươn không bùn bằng bể composite của trang trại lươn Bình An. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Theo anh Dung, ưu điểm của nuôi lươn không bùn là ít tốn công chăm sóc, ít tốn diện tích, đầu ra thuận lợi và giá cả luôn ổn định ở mức cao. Mặt khác lươn ít nhiễm bệnh do không tiếp xúc với vi khuẩn trong môi trường bùn đất, mỗi ngày chỉ phải bỏ ra khoảng vài tiếng đồng hồ cho lươn ăn và thay nước.

Để đảm bảo nguồn nước nuôi lươn an toàn, giúp lươn phát triển khỏe mạnh, anh Dung đã xây dựng hệ thống xả nước bài bản. Anh thường xuyên chú trọng phòng trị các bệnh thường gặp và khử khuẩn bể nuôi. Toàn bộ nước thải của lươn anh cho vào bể lắng, bể này nuôi cá trê và thả bèo, đồng thời dùng thêm men vi sinh xử lý các chất thải, thức ăn thừa của lươn giúp nguồn nước luôn sạch, giảm ô nhiễm môi trường.

Ngoài cám công nghiệp, anh còn cho lươn ăn giun quế, cá xay và lòng đỏ trứng gà, vừa giảm lượng cám vừa cung cấp chất dinh dưỡng tốt nhất giúp lươn khỏe mạnh, nhanh lớn. 

Sau khoảng 9 - 11 tháng nuôi, lươn thương phẩm đủ tuổi, thịt dai, ngon, giàu chất dinh dưỡng, mỗi con đạt trọng lượng từ 3 - 400gam thì có thể xuất bán, giá hiện nay từ 120 đến 150 nghìn đồng/kg. Với tổng số 45 bể composite, diện tích mỗi bể 5m2, sau khi trừ chi phí anh Dung thu lãi bình quân mỗi bể khoảng hơn 20 triệu đồng/năm.

Tính trung bình mỗi năm, mỗi bể nuôi 5m2 sau khi trừ chi phí anh Dung thu lãi khoảng hơn 20 triệu đồng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Tính trung bình mỗi năm, mỗi bể nuôi 5m2 sau khi trừ chi phí anh Dung thu lãi khoảng hơn 20 triệu đồng. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Với kinh nghiệm và kỹ thuật chăm sóc bài bản nên chất lượng lươn thương phẩm của trang trại lươn Bình An luôn được khách hàng đánh giá cao và được thương lái thu mua tận nơi. Anh Dương Trí Quang, thương lái tại chợ thành phố Hà Tĩnh cho biết: "Mỗi ngày chúng tôi thu mua từ 2 - 3 tạ lươn, lươn tại trang trại Bình An đẹp, màu sáng, lươn đồng đều, được người tiêu dùng rất ưa chuộng".

Theo ông Trương Huy Dũng, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh: Nuôi lươn không bùn có chi phí đầu tư thấp, tận dụng được nguồn lao động nhàn rỗi, kiểm soát được dịch bệnh, hạn chế được rủi ro, trong khi thị trường tiêu thụ rộng. Việc ứng dụng khoa học kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn mở ra hướng đi mới ở các địa phương, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng cao của người dân.

Chất lượng lươn thương phẩm của trang trại lươn Bình An luôn được khách hàng đánh giá cao và được thương lái thu mua tận nơi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Chất lượng lươn thương phẩm của trang trại lươn Bình An luôn được khách hàng đánh giá cao và được thương lái thu mua tận nơi. Ảnh: Ánh Nguyệt.

Tuy nhiên trong quá trình nuôi, các hộ còn gặp không ít khó khăn, hạn chế về kỹ thuật thiết kế bể nuôi, cách lựa chọn con giống đảm bảo, đặc biệt là quy trình chăm sóc trong từng giai đoạn phát triển của lươn. Thời gian qua, Trung tâm Khuyến nông Hà Tĩnh đã thường xuyên hướng dẫn, hỗ trợ người dân về mặt kỹ thuật như quá trình lựa chọn con giống, quá trình chăm sóc, giúp các hộ nuôi lươn an toàn và hiệu quả.

Thành công của các mô hình nuôi lươn không bùn đã mở ra hướng đi mới, giúp khai thác tốt các diện tích sẵn có tại nông hộ, nâng cao thu nhập cho bà con. Tuy nhiên, để mô hình được nhân rộng cần phải làm tốt công tác tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, đồng thời phải liên hệ nguồn giống đảm bảo, đảm bảo đầu ra ổn định cho người dân.

Xem thêm
Khó tháo nút thắt môi trường trong chăn nuôi tập trung

Nghệ An Huyện Yên Thành có thế mạnh về chăn nuôi tập trung với tổng đàn gia súc, gia cầm lớn, tuy nhiên điều này cũng làm gia tăng mức độ ô nhiễm môi trường.

Biên Hòa phát hiện, xử lý các lò mổ lậu

Đồng Nai Lực lượng liên ngành thành phố Biên Hòa đang tăng cường kiểm tra, xử lý các điểm giết mổ không phép trên địa bàn, nhất là trong giai đoạn cuối năm.

Cải tạo đồi cằn trồng na trái vụ, giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha

Lào Cai Từ những vùng đất đồi cằn cỗi, nhờ dày công cải tạo đất, áp dụng đồng bộ kỹ thuật chăm sóc, cây na đã cho ra quả trái vụ, giá trị hơn 1 tỷ đồng/ha/năm.

Bảo tồn giống bưởi cơm của xứ Mường

Hòa Bình Sớm đó, khi thảm cỏ còn đẫm sương đêm, tôi cùng anh Lương Văn Thảo (xóm Má 1, xã Bắc Phong, huyện Cao Phong, Hòa Bình) leo lên quả đồi cao trước mặt.