Mô hình nuôi lươn không bùn của anh Đặng Minh Hiệp ở thôn Phú Khánh (xã Hàm Mỹ, huyện Hàm Thuận Nam, Bình Thuận) nằm cách khá xa khu dân cư.
Tại đây, trên diện tích 1.000m2, anh Hiệp xây dựng mô hình nuôi lươn không bùn trong bể xi măng, phía trên bể có mái che và cho ăn hoàn toàn bằng thức ăn công nghiệp. Nguồn nước xử lý trong quá trình nuôi lươn được anh thu gom đưa xuống ao nuôi cá trê và cá diêu hồng để tận dụng nguồn thức ăn dư thừa.
Anh Hiệp cho biết, đây là mô hình được anh tìm hiểu qua sách báo, truyền hình, mạng xã hội. Năm 2019, anh bắt đầu đặt mua con giống ở ĐBSCL về nuôi thử. Ban đầu, anh gặp nhiều khó khăn về kỹ thuật nên nuôi lươn hay bị bệnh nấm rồi chết, gây hao hụt nhiều.
Để khắc phục tình trạng này, anh đã tập trung tìm hiểu kinh nghiệm nuôi lươn từ những người nuôi ở tỉnh bạn. Trong quá trình nuôi, anh cũng đã tích lũy, đúc rút được kinh nghiệm nên hiện có thể nắm bắt được từng giai đoạn phát triển của lươn.
Hiện anh Hiệp có 24 ô nuôi lươn với kích thước từ 3 - 6m2/ô. Trong đó 5 ô nuôi nhỏ (3m2/ô) anh sử dụng ương con giống, còn lại các ô 6m2 để nuôi lươn thương phẩm và nuôi lươn sinh sản.
Điểm chung các bể nuôi là bên trong và đáy bể đều được ốp gạch men, điều này giúp cho lươn không bị tổn thương, trầy xước. Mặt khác, đáy bể được thiết kế có cống thoát nước để thuận tiện trong việc thay nước và vệ sinh. Để tránh lươn chui ra ngoài qua miệng cống thoát nước, anh Hiệp dùng nắp bịt kín lại. Xuyên suốt quá trình nuôi lươn không bùn, trong bể lúc nào cũng thả giá thể bằng nilon để lươn có nơi trú ẩn.
Theo anh Hiệp, mỗi ngày anh thay nước sạch sẽ cho lươn nuôi trước và sau khi cho ăn. Việc làm này giúp lươn tránh vi khuẩn xâm nhập, cũng như thúc đẩy sinh trưởng và phát triển tốt, nhanh lớn, ít dịch bệnh.
“Tôi cho lươn ăn hoàn toàn thức ăn công nghiệp từ lúc nhỏ cho đến khi thu hoạch. Trong đó đối với lươn giống, ban đầu tôi luyện cho ăn cám bột (cám cá chình). Khi lớn lên, tùy theo kích cỡ mà cho lươn ăn bằng cám viên (cám cá chẽm) phù hợp”, anh Hiệp chia sẻ.
Cũng theo anh Hiệp, từ ngày nắm bắt kỹ thuật nuôi lươn sinh sản và ấp trứng lươn nở thành công, anh đã chủ động hoàn toàn con giống, giúp mô hình nuôi khép kín. Đồng thời giúp anh thả nuôi lươn theo cách cuốn chiếu quanh năm.
Theo kinh nghiệm của anh Hiệp, để lươn đẻ trứng có tỷ lệ nở cao và cho ra lươn giống khỏe, phải chọn những con lươn khỏe mạnh, có màu vàng, không dị tật, kích cỡ khoảng 1,5 lạng. Lươn đẻ trong ổ mà kiểm tra thấy trứng màu vàng sậm là đủ tuổi, sẽ đưa lên bể ấp.
Quy trình ấp trứng lươn cũng đơn giản, chỉ cần những cái chậu và sử dụng máy sục khí oxy để kích thích trứng lươn nở dễ dàng hơn. Thời gian ấp trứng lươn khoảng 4 - 5 ngày sẽ cho ra lứa lươn con. Sau đó, lươn con được đưa xuống bể nuôi dưỡng khoảng 2 - 3 tháng để đạt kích cỡ lươn giống rồi tiến hành nuôi lươn thịt.
“Hiện mỗi bể kích thước 6m2 tôi nuôi lươn thịt với thời gian từ 8 - 10 tháng là đạt kích cỡ xuất bán. Khi ấy, lươn đạt trọng lượng từ 3 - 4 con/kg và mỗi bể nuôi xuất từ 3 - 4 tạ. Với giá lươn thịt khoảng 140 ngàn đồng/kg, mỗi ngày trung bình tôi xuất bán từ 15 - 20kg, sau khi trừ chi phí lãi 30 - 40 ngàn đồng/kg”, anh Đặng Minh Hiệp chia sẻ.
Anh Hiệp cho biết thêm, hiện các chợ tại TP Phan Thiết (Bình Thuận) và các nhà hàng, quán nhậu đều có nhu cầu lớn về lươn thịt và đều đặt hàng nhưng nguồn cung hiện tại anh không đáp ứng xuể. Do đó thời gian tới, anh sẽ tiếp tục nhân rộng mô hình, cũng như nâng cao chất lượng lươn để tiến tới xây dựng sản phẩm OCOP.
Ông Nguyễn Ngọc Nguyện, Phó Chủ tịch UBND xã Hàm Mỹ cho biết, hiện toàn xã có 3 hộ nuôi lươn không bùn trong bể xi măng rất hiệu quả. Sắp tới, địa phương sẽ phối hợp với cơ quan chuyên môn để phổ biến, hướng dẫn bà con trong xã tham quan, học hỏi mô hình này nếu có nhu cầu nuôi. Đồng thời tổ chức sản xuất lại các mô hình có để sự liên kết, tiêu thụ hiệu quả hơn.