Thâm niên lái xe đường dài, lăn lộn như con thoi khắp trong Nam ngoài Bắc, anh Hoàng Xuân Nam, trú tại xóm 4 (xã Hưng Đạo, huyện Hưng Nguyên, tỉnh Nghệ An) thấm hơn ai hết nỗi gian truân của nghề. Tuổi càng cao sức ì càng lớn, lại thường xuyên chịu cảnh xa nhà khiến anh thực sự đắn đo. Sau nhiều bận tính toán thiệt hơn, anh quyết tâm chuyển đổi nghề nghiệp.
Bước ngoặt đến từ năm 2021, thông qua chương trình của Hội Nông dân, anh Nam được tham quan mô hình nuôi vịt trong phòng lạnh ở huyện Tân Kỳ (Nghệ An). Nhận thấy cách làm này rất tiềm năng, có thể hái ra tiền. Ngặt nỗi nếu gặp biến cố, vốn liếng đổ sông đổ biển, rủi ro cực cao do kinh phí đầu tư quá lớn, với một người thuộc diện tay ngang như anh nguy cơ càng lớn.
Suy đi tính lại, anh xác định không đốt cháy giai đoạn, ngược lại phải thận trọng từng bước một, khi mọi thứ đã trong tầm kiểm soát sẽ tiến tới những mục tiêu xa hơn. Áp dụng nuôi vịt siêu thịt làm điểm khởi đầu là sự lựa chọn đúng đắn, diễn tiến kế tiếp y như lộ trình đã vạch sẵn giúp quãng thời gian chạy "rốt đa" được rút ngắn đáng kể.
Là lính mới, nhưng chỉ sau 2 năm, anh Nam đã biến nghề tay trái thành nghề hái ra tiền trong sự thán phục của tất thảy. Từ con số không tròn trĩnh, nhờ cặm cụi, chịu khó tìm tòi, học hỏi anh đã gầy dựng cho mình vốn liếng kinh nghiệm khá đủ đầy, quả ngọt có được cũng từ đây mà ra.
Vun đắp từng chút một, lúc này trong tay anh là một hệ thống nuôi khá đồng bộ, bề thế được triển khai trên quỹ đất rộng chừng 1ha. Khác với các điểm nuôi truyền thống, anh Nam chủ động bài trí chuồng trại hết sức khoa học, mỗi hạng mục đều đảm bảo chức năng riêng biệt và bổ trợ hoàn hảo cho nhau.
Nổi bật phải kể đến hệ thống “tắm mát” cho vịt sau khi ăn, áp dụng cách này giúp vật nuôi trung hòa được nhiệt độ, qua đó hạn chế tình trạng sốc nhiệt khi nhiệt độ ngoài trời tăng cao. Cùng với đó là hệ thống máng nước bơm tự động, vấn đề ô nhiễm nguồn nước cơ bản được xử lý triệt để.
“Càng nâng cấp, mở rộng càng tốn kém, tính ra gia đình đã đầu tư 1,7 tỷ đồng (bao gồm 300 triệu được Hội Nông dân huyện hỗ trợ) vào chuồng trại cùng các công trình phụ trợ khác. Phần vì đồng vốn eo hẹp, phần chưa thông thạo đường đi nước bước nên thời gian đầu khó khăn bộn bề, cũng may về sau quá trình kinh doanh tương đối thuận lợi nên áp lực giảm tải đi nhiều.
Cùng lúc nuôi 2.000 con vịt không phải chuyện dễ, riêng chi phí thức ăn đã tiêu tốn khoảng 3 triệu/ngày, chưa kể thuốc men, nước uống, vacxin… muốn hạn chế rủi ro nhất thiết phải tiến tới liên kết, khi có đối tác tin cậy cùng song hành thì gánh nặng sẽ được sẻ chia. Đó là lý do tôi lựa chọn và gửi gắm niềm tin vào Công ty CP chăn nuôi C.P. Việt Nam, doanh nghiệp uy tín trong lĩnh vực chăn nuôi”, anh Nam bộc bạch.
Bình quân mỗi năm gia đình anh nuôi 7 - 8 lứa vịt siêu thịt với quy mô tổng đàn trên dưới 2.000 con/lứa. Thị trường 2 năm rồi tương đối ổn định, quá trình tiêu thụ sản phẩm đều như vắt tranh, dao động trong khoảng 14.000 - 16.000 con/năm. Trừ các khoản liên quan, dư sức lãi hàng trăm triệu đồng.
Tiếng lành đồn xa, chỉ trong thời gian ngắn mô hình nuôi vịt siêu thịt của anh Nam đã được biết đến rộng rãi. Ngay trong năm 2023, trang trại đã đón nhiều đoàn đến tham quan, học hỏi kinh nghiệm, trong số đó phải kể đến 2 đoàn của Hội nông dân thị xã Hoàng Mai và Hội nông dân huyện Đô Lương, vốn quy tụ những chuyên gia chăn nuôi có tiếng.
Anh Nam khẳng định, nuôi vịt siêu thịt không quá khó khăn, chỉ cần nắm vững những kiến thức cốt lõi sẽ kiểm soát được tình hình. Nhạy cảm nhất là giai đoạn đầu khi con giống chuyển trạng thái và thay đổi môi trường sống, lúc này đòi hỏi phải được tiêm phòng kịp thời để hồi sức. Khoảng 10 ngày sau lại tiếp tục tiêm bổ sung. Khi vịt lớn dần, sức đề kháng tăng lên chỉ cần dùng nước giải nhiệt, kết hợp theo dõi thường ngày là đủ.
Khi được hỏi về dự định trong tương lai, anh Nam chẳng ngần ngại: “Nghề này khó nói trước, thành bại phụ thuộc vào nhiều yếu tố, đâu phải chỉ mỗi mình quyết định được đâu. Trước mắt tình hình đang tiến triển tốt, cứ đà này tôi dự tính sẽ mở rộng quy mô, từng bước nâng cấp hệ thống chuồng trại để tăng thêm tổng đàn”.
Ông Phạm Hồng Tiến, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Hưng Nguyên đánh giá cao mô hình của anh Hoàng Xuân Nam nhờ tính ổn định vượt trội. Ngay từ khâu chuẩn bị, Hội nông dân đã làm tốt vai trò cầu nối, qua đó tạo dựng mối liên kết bền chặt giữa hộ gia đình và doanh nghiệp.