| Hotline: 0983.970.780

Vì sao 96 tỷ đồng chưa đến tay người chăn nuôi Nghệ An?

Thứ Năm 19/10/2023 , 15:43 (GMT+7)

Dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục khiến Nghệ An phải tiêu hủy lượng lớn gia súc trong 3 năm qua, đến giờ người dân vẫn chưa nhận được tiền hỗ trợ.

Chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Việt Khánh.

Chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ luôn tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh. Ảnh: Việt Khánh.

3 năm chờ đợi mòn mỏi

Huyện miền núi Con Cuông (Nghệ An) có thế mạnh về chăn nuôi, nhưng hình thức nông hộ là chính, quy mô nhỏ lẻ, bình quân mỗi hộ chỉ đôi ba con. Môi trường nuôi không đảm bảo, khó kiểm soát là nguyên nhân chính làm gia tăng và bùng phát dịch bệnh, đặc biệt là dịch tả lợn Châu Phi. Thực trạng này vắt qua nhiều năm đẩy hàng loạt hộ nuôi vào cảnh khánh kiệt, cực chẳng đã nhiều nhà đành bỏ nghề.

Theo ghi nhận, trong 3 năm 2021, 2022 và 2023, toàn huyện Con Cuông đã tiêu hủy trên 2.500 con lợn nhiễm bệnh dịch tả lợn Châu Phi với tổng trọng lượng lên đến 124 tấn. Của đau con xót, các hộ đã chủ động khâu nối với cơ quan chức năng, khẩn trương thống kê mất mát, tiến tới hoàn thiện hồ sơ, thủ tục mong sớm nhận được kinh phí hỗ trợ. Nhu cầu đặt ra thực sự cấp thiết, có điều mọi thứ vẫn đang nằm ngổn ngang trên giấy vì những rào cản vô hình.

Lợn chết tại huyện Con Cuông thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Việt Khánh. 

Lợn chết tại huyện Con Cuông thiệt hại nặng nề do dịch tả lợn Châu Phi. Ảnh: Việt Khánh. 

Lát cắt điển hình tại Con Cuông cũng là tình cảnh chung của tỉnh Nghệ An. Đáng buồn thay, ngành chăn nuôi địa phương và người dân không chỉ điêu đứng bởi dịch tả lợn Châu Phi, thực tế còn trải qua nhiều phen lao đao vì bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò. Áp lực nhân đôi, khốn khó thi nhau bủa vây khiến người nuôi chông chênh, khó trụ vững.

Tại Nghệ An ghi nhận dịch tả lợn Châu Phi từ năm 2019, trong khi viêm da nổi cục xuất hiện 2 năm sau đó (2021). Như thông tin từ cơ quan chức trách, cả 2 đều là bệnh mới, chưa có tên trong danh mục bệnh nguy hiểm quy định theo Thông tư số 07/2016/TT-BNNPTNT về phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn, đồng thời chưa có trong quy định chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 02/2017/NĐ-CP.

Để có căn cứ hỗ trợ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành cơ chế chính sách, đối tượng, mức hỗ trợ theo từng năm (Quyết định số 793/QĐ-TTg ngày 27/6/2019; Quyết định số 2254/QĐ-TTg ngày 30/12/2020). Bám vào đây, UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các đơn vị liên quan làm thủ tục, kịp thời chi trả 100% kinh phí cho các chủ hộ có lợn bị bệnh dịch tả lợn Châu Phi đã tiêu hủy trong 2 năm 2019 và 2020 với số tiền gần 150 tỷ đồng.

Để trống chuồng trại là thực trạng không hiếm gặp tại Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

Để trống chuồng trại là thực trạng không hiếm gặp tại Nghệ An. Ảnh: Việt Khánh.

3 năm tiếp theo, do nhiều yếu tố khách quan, đặc biệt là sự hoành hành dữ dội của đại dịch Covid-19 nên Chính phủ chưa thể ban hành chính sách hỗ trợ, thiếu hành lang pháp lý cần thiết thành thử nội dung trên bị ngưng trệ hoàn toàn.

Rà soát trong thời gian này ghi nhận, bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục đã phát sinh tại nhiều địa phương, số lượng vật nuôi phải tiêu hủy rất lớn, quy đổi giá trị ước tính gần trăm tỷ đồng (dịch tả lợn Châu Phi 81,6 tỷ; viêm da nổi cục 14,6 tỷ).

Dưới sự tham mưu tích cực của Sở NN-PTNT, Chi cục Chăn nuôi và Thú y, UBND tỉnh Nghệ An đã nhiều lần gửi văn bản kiến nghị Bộ NN-PTNT, trình Thủ tướng Chính phủ kịp thời ban hành cơ chế, chính sách, qua đó tạo điều kiện cho người chăn nuôi có điều kiện khôi phục sản xuất.

Ngày 28/4/2023, Văn phòng Chính phủ cũng có văn bản số 2996/VPCP-NN yêu cầu Bộ NN-PTNT xây dựng Nghị định riêng về cơ chế, chính sách hỗ trợ phòng, chống dịch bệnh động vật (bao gồm bệnh dịch tả lợn Châu Phi và viêm da nổi cục). Hiện tại đang trong quá trình lấy ý kiến các địa phương, Bộ, ngành có liên quan để hoàn thiện, trình Chính phủ xem xét, ban hành.

Muôn vàn rắc rối nảy sinh

Xã Văn Thành, huyện Yên Thành có truyền thống nuôi lợn, lúc đỉnh điểm gần ngàn hộ theo nghề. Về sau dịch giã hoành hành dữ dội, làm năm nào thua lỗ năm đó, chịu không thấu nhiều người chấp nhận buông xuôi, giờ đây chỉ còn khoảng 200 hộ bám nghề mà thôi.

Chị Nguyễn Thị Thương, trú tại xóm Văn Mỹ, chủ gia trại chăn nuôi kết hợp trồng cây ăn quả thấm thía hơn ai hết nỗi gian truân. Trước khi dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện, gia đình chuyên mô hình nuôi lợn siêu nạc với tổng đàn từ 150 - 200 con, đầu vào được tuyển chọn kỹ lưỡng từ những cơ sở uy tín bậc nhất.

Nuôi đợt nào dứt điểm đợt ấy, thị trường lại khéo chiều lòng người nên quá trình kinh doanh tương đối thuận lợi. Chẳng ngờ về sau diễn biến đảo chiều chóng vánh, cứ thế dần vượt ngoài tầm kiểm soát của đôi vợ chồng trẻ.

Dịch tả lợn Châu Phi hoành hành khiến gia đình Nguyễn Thị Thương trầy trật. Ảnh: Việt Khánh.

Dịch tả lợn Châu Phi hoành hành khiến gia đình Nguyễn Thị Thương trầy trật. Ảnh: Việt Khánh.

Chị kể, giai đoạn 2019 - 2020 tình hình dần xấu đi, dịch tả lợn Châu Phi xuất hiện và lây lan trên diện rộng đẩy người chăn nuôi vào thế khó, dịp ấy lợn nhà tôi chết như ngả rạ, ngay đến công đoạn tiêu hủy cũng tất tả ngược xuôi, về sau khi hoàn tất trình tự thủ tục pháp lý, gia đình được hỗ trợ 22 triệu đồng.

Tưởng như cơn bạo bệnh đã qua đi, nào ngờ diễn biến về sau còn khó nhằn hơn gấp bội, 3 năm tiếp theo đã “cướp trắng” của chúng tôi hơn 30 đầu lợn, phần nhiều trong số này đã đến kỳ xuất bán, qua phân loại có những con nái trọng lượng đến 2 tạ, mất mát rất lớn. Riêng tiền con giống rơi vào khoảng 100 triệu đồng, chưa kể công cán chăm sóc, thức ăn, nước uống thường ngày.

Ngay khi biến cố xảy ra, gia đình đã báo cáo đến cơ quan chuyên môn, kỳ vọng sớm được hỗ trợ kinh phí để vực lại, tuy nhiên đến nay vẫn chưa được giải quyết. Những năm qua xoay xở đồng vốn chẳng dễ dàng gì, nhất là trong bối cảnh ngành chăn nuôi đối diện với quá nhiều thách thức, rủi ro. Sau nhiều lần tính toán thiệt hơn, vợ chồng tôi quyết định giảm sâu tổng đàn, chỉ nuôi số lượng vừa phải để chủ động xử lý.

Bà Đường Phi Hòa quyết định bỏ nghề vì quá bạc bẽo. Ảnh: Việt Khánh.

Bà Đường Phi Hòa quyết định bỏ nghề vì quá bạc bẽo. Ảnh: Việt Khánh.

Cũng từng trải qua nhiều biến cố nhớ đời, lúc này đây bà Đường Phi Hòa, trú tại xã Văn Thành chẳng còn mặn mà với nghề nuôi lợn. Đây là điều dễ hiểu, bởi lẽ trong năm 2021 thôi dịch bệnh đã “ghé thăm” chuồng trại nhà bà đến 4 lần, hậu quả 4 lợn nái, 16 lợn thịt cùng chung số phận hẩm hiu. Đổ tiền của, bỏ công sức chăm bẵm hàng tháng trời, tiền ngỡ đã cầm chắc trong tay nào ngờ vẫn bị ông trời đang tâm cướp mất, thấy nghề quá bạc bẽo bà Hòa quyết tâm bỏ.

“Nông dân không bằng cấp, không nghề ngỗng ổn định, những mong tăng gia sản xuất, nuôi con lợn, con gà kiếm vài đồng bạc lẻ để trang trải cuộc sống thường nhật, nào ngờ trắc trở muôn phần. Cha mẹ một đời khốn khổ rồi, không thể để con cái lâm vào tình cảnh tương tự được, vì thế dù bộn bề lo toan vẫn gắng gượng huy động, vay mượn kinh phí làm thủ tục xuất khẩu lao động cho con, cháu nó qua Canada từ đầu năm theo diện du học, giờ cũng tạm ổn rồi”, bà Hòa bộc bạch.

Trở lại nội dung chính, mòn mỏi ngóng trông chính sách trong vô vọng tất sẽ dẫn đến tâm lý chán chường, bằng chứng là không ít hộ nuôi đã buông xuôi tư tưởng và có những hành động mang tính bất chấp. Lâu nay vẫn xuất hiện tình trạng dấu dịch trong dân, họ không tiến hành khai báo khi lợn nhà có dấu hiệu nhiễm bệnh mà tự ý giết mổ, sau đó tuồn bán với giá rẻ hòng thu hồi đồng nào hay đồng ấy. Hỏi nguyên nhân, nhiều người trả lời thẳng:

“Đó là hệ quả tất yếu, chúng tôi chờ đợi mãi rồi có thấy hỗ trợ gì đâu. Thủ tục qua nhiều bước, rất mất thời gian, chưa kể nếu số lượng lợn chết lẻ tẻ thì chủ hộ cơ bản phải tự thân vận động”.

Ngày 10/10/2023, ông Nguyễn Trọng Hương, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Yên Thành chia sẻ: “Sáng nay, ngay khi tiếp nhận thông tin có sự việc vứt xác lợn chết trên sông, chúng tôi đã cử bộ phận chuyên môn tiếp cận hiện trường. Việc này không hiếm gặp, tháng trước thôi đích thân tôi cũng xử lý một vụ tương tự. Các hộ thường nuôi đơn lẻ, số lượng không nhiều thành thử khi lợn chết thường chọn cách này, nhanh gọn cho họ nhưng vô hình trung tạo ra nhiều áp lực cho chính quyền địa phương và cơ quan chức năng”.

Xem thêm
Hòa Bình có trên 6.000 cơ sở chăn nuôi nằm trong khu vực không được phép

Chăn nuôi là một trong những thế mạnh của tỉnh miền núi Hòa Bình với giá trị sản xuất cả năm 2023 ước đạt 4.130 tỷ đồng.

Quả thơm bên dòng Hương Giang

Thừa Thiên - Huế Ở vùng đất cố đô Huế có nhiều nơi trồng được thanh trà nhưng có lẽ ngon và nổi tiếng bậc nhất chỉ có thể ở Thủy Biều, một ngôi làng bên dòng sông Hương.

Cần chế biến sâu cho 'tứ đại danh dược'

HÀ TĨNH Nhung hươu là một trong 'tứ đại danh dược' (sâm, nhung, quế, phụ), tuy nhiên giá trị gia tăng từ chế biến sâu sản phẩm nhung hươu hiện đang bị bỏ ngỏ.

Bình luận mới nhất