Với diện tích 6,3 ha, năng suất bình quân đạt 18 tấn/ha, doanh thu bình quân một năm trên 6 tỷ đồng, thu lại lợi nhuận trên 3 tỷ đồng/năm, tạo việc làm thường xuyên cho 6 lao động và việc làm theo mùa vụ cho 30 lao động, đó là mô hình nuôi ngao Bến Tre của anh Phạm Văn Thiết, xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà, Hà Tĩnh.
Năm 2002 anh Thiết xin đấu thầu đất bãi ngập mặn ven sông để khai thác và nuôi ngao. Những năm đầu anh thu mua, tận dụng nguồn giống sẵn có ở địa phương để thả giống nhưng năng suất thấp chỉ đạt 4 - 5 tấn/ha. Sau khi đi tìm hiểu qua thực tế ở Thanh Hóa, Nam Định, đến năm 2010 anh đã mạnh dạn đầu tư thả giống ngao Bến Tre rất hiệu quả.
Theo anh Thiết, ngoài sự cần cù, chịu khó tìm hiểu, người nuôi cần chú ý mấy vấn đề sau:
- Chọn địa điểm (bãi thả ngao) có nền đất cát hoặc cát pha bùn (tỷ lệ cát 70 - 95%), chọn bãi triều cao, sóng gió êm, bãi nuôi bằng phẳng, thuỷ triều lên xuống thường xuyên, thời gian phơi bãi không quá dài (tốt nhất từ 4 - 8h). Độ dày lớp bùn cát 10 - 15 cm, độ mặn ổn định trung bình 15 - 25%o là thích hợp nhất.
- Chọn mùa vụ thích hợp để thả giống, tránh thả ngao vào những tháng mưa từ tháng 8 - 10; nên thả ngao vào tháng 2 để thu hoạch vào tháng 7 - 8. Nên thả giống ngao lớn sẽ nhanh thu hoạch và đỡ bị thất thoát.
- Trước khi thả giống cần phải vệ sinh bãi như dọn bỏ các vỏ nhuyễn thể, lấp chỗ trũng, san phẳng bãi.
- Chọn nguồn giống ngao có chất lượng tốt và sạch bệnh.
- Giống trước khi thả đại trà cần ương dưỡng cho lớn, đạt kích cỡ 200 - 300 con/kg mới thả ra bãi nuôi.