Thân thiện môi trường
Thời gian qua, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ (trước đây là Trung tâm Khuyến nông TP Cần Thơ) đã hỗ trợ nông dân tại huyện Vĩnh Thạnh thực hiện nuôi tôm càng xanh toàn đực trong ao nuôi quảng canh, kết hợp cho tôm ăn các củ quả với thức ăn công nghiệp và thu hoạch tỉa dần. Mô hình này không chỉ giúp nông dân nuôi tôm mau lớn và tiết kiệm chi phí mà còn bán được giá hơn nhờ tôm đạt chất lượng cao.
Nuôi tôm toàn đực giúp nâng cao chất lượng sản phẩm so với nuôi lẫn lộn giữa tôm đực và tôm cái. Bởi khi nuôi lẫn lộn, đến giai đoạn tôm cái ôm trứng, theo tập tính 2 càng của con tôm đực sẽ phát triển càng dài ra nhằm ôm con cái, bảo vệ con cái. Từ đó, cả tôm đực và tôm cái đều chậm lớn, ảnh hưởng đến năng suất và chất lượng thịt tôm.
Ông Mai Nam, Phó Giám đốc Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp TP Cần Thơ cho biết: Mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực đã được Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp hướng dẫn, hỗ trợ người dân tại xã Thạnh Mỹ, huyện Vĩnh Thạnh thực hiện từ năm 2016, với diện tích 20ha và đã được duy trì đến nay.
Hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực cũng đã được phát triển, nhân rộng tại một số địa bàn các ấp nằm giáp ranh với xã Vĩnh Thạnh, nhất là tại ấp Vĩnh Mỹ thuộc thị trấn Vĩnh Thạnh.
Ông Nam giải thích: Tôm càng xanh đực và cái có sự khác biệt rõ rệt về tốc độ sinh trưởng, kích cỡ khi thu hoạch, vì thế chọn tôm càng xanh toàn đực để thả nuôi giúp tăng năng suất, tận dụng thức ăn tối đa.
Đặc biệt, con tôm càng xanh toàn đực thường có giá bán cao gấp đôi so với tôm càng xanh cái. Để giảm chi phí nuôi tôm và bán sản phẩm được giá cao, ngoài việc chọn giống tôm toàn đực để nuôi, nông dân tại các ấp thuộc xã Thạnh Mỹ và thị trấn Vĩnh Thạnh còn áp dụng giải pháp cho tôm ăn thức ăn công nghiệp kết hợp với cho ăn dặm thêm các loại củ quả sẳn có tại địa phương như: mì, bắp, dừa, chuối, khoai lang…
Đây là các loại cây trồng được nông dân trồng quanh bờ bao ao nuôi tôm. Đồng thời, thực hiện thu hoạch tôm tỉa dần, chứ không thu hoạch một cách đồng loạt.
Hiệu quả kinh tế cao
Ông Nguyễn Lê Chủng, nông dân nuôi tôm càng xanh tại ấp Lân Quới, xã Thạnh Mỹ cho biết: Trước đây gia đình chủ yếu canh tác lúa, nhưng nhiều năm không đem lại hiệu quả vì giá lúa luôn bắp bên. Từ năm 2016 được Trung tâm Khuyến nông TP. Cần Thơ triển khai mô hình nuôi tôm toàn đực trong đất ruộng lúa. Kết quả đã đem lại thắng lợi và so ra tăng thu nhập gấp 3-4 lần so với trồng lúa. Chính vì vậy ông Chủng đã mạnh dạn áp dụng nuôi tôm toàn đực đến ngày hôm nay.
Theo ông Chủng, vụ tôm năm nay thả nuôi 1,2ha mặt nước giống tôm toàn đực nuôi từ tháng 9/2020 đến nay tôm đạt 6 tháng tuổi đang bước vào giai đoạn thu hoạch tỉa thưa bán. Bình quân tôm hiện nay đạt trọng lượng từ 20-22 con/kg, giá bán giao động từ 160.000 - 170.000 đồng/kg, dự kiến đến tháng 9 mới thu dứt điểm vụ tôm năm nay.
Bên cạnh đó việc nuôi tôm, ông Chủng còn thả cá mè trong ruộng tôm để cá tận dụng nguồn thức ăn dư thừa của tôm mà phát triển khá nhanh. Trên bờ, xung quanh ao tôm ông trồng thêm 400 cây dừa để bán dừa nước và dừa khô cho thương lái, hàng tháng cho thu nhập hàng triệu đồng.
Ông Chủng chia sẻ, nuôi tôm toàn đực rất khỏe ở khâu chăm sóc. Một ngày cho ăn 2-3 cử, bình quân khoảng 10-15 ngày thay nước một lần trong ao nuôi. Đây là loại tôm sống chịu đựng độ mặn 15‰ (0 - 15‰), nhiệt độ thích hợp 26 - 320C, pH: 7 – 8,7, DO ≥ 3 mg/lít, độ kiềm: 60-180 mg/lít. Như vậy đây là đối tượng rất dễ nuôi và phù hợp với điều kiện của vùng ĐBSCL. Chính vì vậy mô hình nuôi tôm toàn đực kết hợp nuôi cá và trồng dừa đã thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu đã đem lại thu nhập hơn 100 triệu đồng/ha/vụ.
Còn hộ ông Lê Văn Phiêm, ở ấp Vĩnh Mỹ, thị trấn Vĩnh Thạnh chia sẻ, thường sau khoảng 6 tháng nuôi, người dân ban đầu tuyển lựa những con tôm lớn trước để thu hoạch bán dần đến khi kết thục vụ tôm, với thời gian kéo dài trong khoảng 10 tháng. Cách làm này, không chỉ giúp nông dân có đồng tiền thường xuyên và có thể bán tôm được giá cao mà còn tận dụng hiệu quả được nguồn thức ăn trong ao nuôi, hạn chế tình trạng cạnh tranh về thức ăn giữa tôm lớn và tôm nhỏ.
Theo nhiều hộ dân thực hiện mô hình nuôi tôm càng xanh toàn đực tại xã Thạnh Mỹ, với diện tích ao nuôi khoảng 1ha, người dân có thể thu hoạch đạt tổng sản lượng tôm từ 1-1,2 tấn. Trong các năm trước, nhờ tôm bán được giá cao lên đến 200.000-220.000 đồng/kg (loại 20 con kg), mỗi ha nuôi tôm càng xanh nông dân có thể đạt lợi nhuận trên dưới 100 triệu đồng/vụ nuôi.
Riêng năm nay giá tôm càng xanh có phần giảm thấp so mọi năm do dịch Covid-19, với giá tôm loại 20 con/kg hiện chỉ còn ở mức khoảng 160.000 đồng/kg. Dù vậy, các hộ nuôi tôm cho biết, bán mỗi ký tôm thương phẩm, người nuôi vẫn còn lời khoảng 30.000-40.000 đồng/kg và với phương thức thu tôm tỉa dần, bà con rất mong tình hình dịch Covid-19 sớm được khống chế để có cơ hội bán tôm được giá cao trong thời gian tới.
Ông Nguyễn Quốc Huy, cán bộ khuyến nông xã Thạnh Mỹ cho biết: Trước đây được Trung tâm Khuyến nông TP. Cần Thơ hỗ trợ các mô hình thí điểm nuôi tôm toàn đực trên đất ruộng lúa đã giúp nông dân có thu nhập ổn định và họ đã làm theo.
Có thể khẳng định đây là hướng đi mới, phù hợp với yêu cầu sản xuất và nhu cầu người tiêu dùng hiện nay, khi tôm của nông dân sản xuất ra được thương lái đến tận nơi thu mua. Xem đây là mô hình nuôi tôm toàn đực đã thích nghi trong điều kiện biến đổi khí hậu, giảm chất thải ra môi trường, cho ra sản phẩm an toàn vừa mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn so với trồng lúa thuần túy từ 3 lần trở lên.
Theo ông Huy, trong thời gian tới xã vận động bà con mở rộng mô hình nuôi tôm toàn đực với diện tích lên 30ha, theo chủ trương xoay trục ưu tiên thủy sản lên đầu, kế đến cây ăn trái và lúa nhằm góp phần để thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp ở địa phương.
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 885 phê duyệt Đề án phát triển nông nghiệp hữu cơ (NNHC) giai đoạn 2020 - 2030 vào ngày 23/6/2020. Mục tiêu phát triển nền nông nghiệp hữu cơ có giá trị gia tăng cao, bền vững, thân thiện với môi trường sinh thái, gắn với kinh tế nông nghiệp tuần hoàn phục vụ tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Sản phẩm nông nghiệp hữu cơ được chứng nhận phù hợp với tiêu chuẩn nông nghiệp hữu cơ của khu vực và thế giới; đưa Việt Nam trở thành quốc gia có trình độ sản xuất nông nghiệp hữu cơ ngang bằng các nước tiên tiến trên thế giới.