Ông Nguyễn Hoài Nam, xã Tam Thôn Hiệp, hiện thả nuôi tôm với diện tích 7.500 m2 mặt nước, áp dụng quy trình tuần hoàn nước khép kín, sử dụng hệ thống quạt, tạo oxy đáy, mật độ thả nuôi từ 200 đến 250 con/m2.
Sau 80 ngày nuôi, tôm đạt trọng lượng khoảng 40 con/kg, cho năng suất 5,5 tấn/1.000 m2 ao, tính bình quân đạt trên 50 tấn/ha/vụ.
Ông Nam cho biết, ao nuôi tôm của gia đình ông ứng dụng công nghệ số, sử dụng bộ điều khiển tự cấp thức ăn cho tôm bảo đảm nguồn thức ăn vừa đủ và sử dụng thiết bị quan trắc môi trường để thường xuyên theo dõi, bảo đảm môi trường sống tốt nhất cho tôm. Nhờ ứng dụng khoa học - công nghệ để kiểm soát từ khâu làm ao, kỹ thuật nuôi, cách cho ăn đến quản lý môi trường nước, sau 7 vụ nuôi, gia đình ông thu lợi nhuận vài tỷ đồng.
Tương tự, dẫn chúng tôi vào thăm ao nuôi tôm 1.600 m2 ứng dụng công nghệ điều khiển tự động bằng kỹ thuật số, anh Đinh Quang Thành, chủ ao tôm xã Lý Nhơn, huyện Cần Giờ hào hứng chia sẻ: “Từ khi áp dụng kỹ thuật số vào vận hành hệ thống ao tôm đã giúp tôi kiểm soát được môi trường nước trong ao rất tốt.
Đầu tiên mình phải tải APP về điện thoại thông minh để kết nối với hộp điều khiển các thiết bị máy đo môi trường, máy tạo ôxy, máy chạy quạt, đo nhiệt độ, PH và độ mặn trong ao tôm,… nhờ vậy mình có thể phát hiện và xử lý kịp thời những sự cố trong ao.
Người nuôi sử dụng APP điện thoại có thể quản lý được thức ăn, thuốc và lập được sổ nhật ký, lưu trữ các dữ liệu về ao nuôi tôm. Ảnh: Hồng Thủy.
Thông qua APP điện thoại, tôi cũng có thể quản lý được thức ăn, thuốc và lập được sổ nhật ký, lưu trữ các dữ liệu về ao nuôi tôm. Trước kia khi chưa xài APP trên điện thoại thì mình cứ phải trực tiếp ra ao tôm để tắt mở các loại máy móc, hay phải tự lấy nước đo thủ công, nhưng nay nhờ cài đặt công nghệ số nên tất cả chỉ cần theo dõi qua điện thoại để quản lý ao tôm rất thuật tiện”.
Mô hình nuôi tôm ở huyện Cần Giờ áp dụng chuyển đổi số, toàn bộ hệ thống máy cho tôm ăn tự động, nuôi tôm 2 giai đoạn, ứng dụng giải pháp vi sinh trong nuôi tôm. Ảnh: Hồng Thủy.
Ở xã Lý Nhơn có HTX thủy sản và dịch vụ Duyên Hải, thời gian gần đây cũng đang triển khai mô hình nuôi tôm thẻ chân trắng CNC. Đặc biệt, HTX đã áp dụng chuyển đổi số, toàn bộ hệ thống máy cho tôm ăn tự động, nuôi tôm 2 giai đoạn, ứng dụng giải pháp vi sinh trong nuôi tôm. Các giải pháp này giúp tiết kiệm nhân công, hệ số thức ăn, làm môi trường ao bớt ô nhiễm, hạn chế bệnh hại, tăng sức đề kháng, tôm đạt năng suất chất lượng.
Sau khi áp dụng phương pháp mới đã giúp HTX nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tôm đạt cao gấp đôi so với phương thức nuôi truyền thống. Đây cũng là vùng nuôi tôm được cấp chứng nhận VietGAP và được tham gia chuỗi ATVSTP của TP.HCM.
Người dân áp dụng công nghệ cao kết hợp nền tảng giám sát và quản lý từ xa với hệ thống thiết bị tự động tại ao nuôi như máy đo môi trường tự động theo dõi liên tục, tủ điều khiển được đấu nối với các thiết bị ngoài ao được điều khiển từ xa qua điện thoại hoặc máy tính. Ảnh: Hồng Thủy.
Chia sẻ về chuyển giao ứng dụng công nghệ số giúp người dân quản lý ao tôm, ông Trần Duy Phong - CEO Công ty TNHH Tepbac cho biết: “Tép Bạc kết hợp nền tảng giám sát và quản lý từ xa với hệ thống thiết bị tự động tại ao nuôi như máy đo môi trường tự động theo dõi liên tục, tủ điều khiển được đấu nối với các thiết bị ngoài ao được điều khiển từ xa qua điện thoại hoặc máy tính. Chúng tôi đã đưa công nghệ vào sản xuất một cách thực tiễn để chuyển giao rộng rãi giúp người nuôi dễ dàng tiếp cận và sử dụng”.
Bí thư Huyện uỷ Cần Giờ Lê Minh Dũng cho biết, trong điều kiện sản xuất ngày càng khó khăn, huyện đã triển khai các đối tượng, mô hình sản xuất có ứng dụng công nghệ cao để nâng cao năng suất, đảm bảo hiệu quả nghề nuôi, kịp thời triển khai chính sách hỗ trợ sản xuất, đáp ứng các nhu cầu, nguyện vọng của nông dân.
Tại huyện Cần Giờ, phong trào nuôi tôm ứng dụng công nghệ đang phát triển khá nhanh. Ảnh: Hồng Thủy.
Chính vì thế, trên toàn huyện Cần Giờ, phong trào nuôi tôm ứng dụng công nghệ đang phát triển khá nhanh. Nhiều hộ dân nuôi tôm công nghệ cao, áp dụng công nghệ chuyển đổi số vào nuôi tôm hầu hết đều thành công và có lãi. Cần Giờ đang chuyển dần diện tích làm muối kém hiệu quả sang nuôi tôm, nhân rộng các mô hình sản xuất kết hợp kỹ thuật nuôi trồng tiên tiến. Đây cũng là nhiệm vụ trọng tâm mà huyện đang đẩy mạnh để hoàn thành chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
Theo ông Phạm Lâm Chính Văn, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông TP.HCM, thời gian qua, người nuôi tôm ở các huyện Cần Giờ, Nhà Bè được tiếp cận với chính sách hỗ trợ của TP.HCM nên đã mạnh dạn đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào nuôi tôm.
Để chuyển đổi số trong nuôi tôm, bà con cần thay đổi ngay từ phương pháp quản lý trang trại truyền thống. Mô hình nuôi tôm CNC ứng dụng các giải pháp thông minh như cho ăn tự động, áp dụng công nghệ sinh học,... được TP.HCM khuyến khích, áp dụng chính sách hỗ trợ lên đến 40% tổng kinh phí đầu tư thực hiện mô hình đối với tất cả các địa bàn.