Nhiều nhà vườn ươm giống mắc ca khi chưa được phép?
Năm 2004, Phòng NN-PTNT huyện Krông Năng (Đắk Lắk) phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu giống cây rừng tiến hành trồng thử nghiệm cây mắc ca xen cà phê ở xã Phú Lộc.
Viện KH-KT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên, Trung tâm Giống cây trồng Đắk Lắk... cũng trồng thử nghiệm nhiều nơi, sau 4 năm cho thu hoạch, năng suất bình quân đạt khoảng 5 kg hạt/cây. Theo ước tính, với năng suất bình quân 3 tấn hạt/ha sẽ cho thu nhập khoảng 6.000 USD/năm, cao hơn cà phê từ 1.500-2.000 USD/ha (?).
Tuy nhiên, việc nghiên cứu, lai tạo và nhân giống mắc ca để chủ động nguồn giống tại chỗ của các viện, các trung tâm... vẫn còn hạn chế. Viện KH-KT NNL Tây Nguyên đang triển khai vẫn chưa có kết quả chính thức. Vì lẽ đó, nhiều địa phương còn do dự, chưa có chủ trương đưa mắc ca vào trồng phổ biến.
Do nhận thấy lợi nhuận cao từ loại cây này, không ít hộ dân đua nhau chặt bỏ cà phê già cỗi, cây ăn quả để tìm mua giống mắc ca về trồng. Có "cầu" ắt có "cung", nhiều chủ vườn ươm cây giống cũng rậm rịch nhân giống mắc ca để cung ứng. Theo một số chuyên gia, hiện giống mắc ca "trôi nổi" ngoài thị trường khá đa dạng, nguồn gốc xuất xứ không rõ ràng. Nhiều nhà vườn chạy theo lợi nhuận, lai ghép cây kém chất lượng, ghép giả... khiến người dân rất khó phân biệt.
Một hộ dân ở huyện Krông Ana (Đắk Lắk) đã trồng được gần 2 ha mắc ca. Khi hỏi về nguồn gốc cây giống thì chủ hộ thú thật, toàn bộ lượng giống được mua gom tại một vài cơ sở ươm cây trong huyện và TP. Buôn Ma Thuột mà chẳng rõ chất lượng ra sao...